Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: 'Hỗ trợ vượt Covid-19: Cần khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi'

i dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao. Việt Nam là một trong các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhất nhưng cộng đồng doanh nghiệp cũng đã chịu tổn thất không nhỏ. Để giúp doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều gói giải pháp.

Bài liên quan

“Chỉ nhìn tăng trưởng GDP, đâu thấy hết sự khó khăn của doanh nghiệp”

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giáo dục vững vàng trong đại dịch Covid-19

Covid-19: Cơ hội để doanh nghiệp Việt xây dựng lại thương hiệu

“Doanh nghiệp cần có “Phương án B” để ứng phó với tình hình mới”

Sáng tạo và linh hoạt ứng biến: Điều mỗi doanh nghiệp cần làm để đứng vững trước làn sóng dịch bệnh

Doanh nhân Việt kiều Trần Quốc Quân: “Tôi nung nấu chuyển một phần tài sản đưa về nước đầu tư”

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc phỏng vấn bà Phạm Chi Lan - Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về hiệu quả của những gói hỗ trợ này.

Doanh nghiệp khó khăn, vẫn có đơn vị tăng trưởng lớn

+ Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp Việt thưa bà?

- Có một số doanh nghiệp thành công. Đó là những doanh nghiệp cỡ kha khá, có tiềm lực, có đội ngũ tương đối tốt kể cả quản trị lẫn lao động. Họ chuyển đổi kịp thời sang cách làm việc mới, yêu cầu mới.

Có đơn vị vượt trội, tăng trưởng lớn. Họ thuộc các ngành không chịu nhiều tác động tiêu cực từ Covid-19. Thậm chí, có nhiều đơn vị còn thúc đẩy lĩnh vực của họ phát triển rực rỡ hơn. Công nghệ thông tin là ví dụ rõ ràng nhất. Họ biết cách biến một số dịch vụ trở nên phổ biến hơn.

+ Vậy còn những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì như thế nào thưa bà?

+ Vậy còn những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì như thế nào thưa bà?

- Số lượng doanh nghiệp không thành công thì lớn hơn. Điều đó được thể hiện qua con số phải ngừng hoạt động từ năm ngoái đến bây giờ là rất cao. Doanh nghiệp thất bại một phần do Covid-19 nhưng một phần do bản thân không có tiềm lực, khi gặp khó khăn lớn như Covid-19 thì biến mất hoàn toàn, không có khả năng phục hồi.

Ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề có thể kể đến như du lịch và các ngành liên quan. Thường người ta chỉ nói hàng không thua lỗ, các khu du lịch lớn vắng bóng khách, khách sạn ngừng hoạt động bị đem rao bán. Nhưng đó không phải là tất cả.

Bên cạnh đó có hàng vạn đơn vị nhỏ và vừa sống dựa vào du lịch như bán hàng lẻ, đồ ăn uống, đồ lưu niệm, hoặc các khách sạn nhỏ cho Tây ba lô,... phải đóng cửa hoàn toàn, gần như không có khả năng phục hồi. Một số khách sạn hoặc nhà hàng vừa mới đầu tư, chưa kịp khai trương hoặc mới khai trương thì gặp dịch. Trong khi vốn đổ ra, kể cả vay mượn rất lớn nên khả năng chi trả của họ là rất thấp. Dù lớn hay nhỏ đều gặp khó khăn lớn.

Cần khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi

+ Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra, các cơ quan, ban ngành đã đưa ra nhiều gói giải pháp như giãn nợ, giãn thuế,… Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ đó?

- Có một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy được hiệu quả như giãn nợ, giãn thuế, giảm thuế. Một loạt các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động mất công ăn việc làm đều có tác động tốt.

Tuy nhiên, ngay các nghị quyết của Chính phủ đều đã nhận thấy rõ các gói hỗ trợ đó đưa ra rất lớn nhưng khi thực hiện lại không kịp thời, các ngành đưa ra thủ tục phức tạp, doanh nghiệp khó tiếp cận được.

Có gói không phải lúc nào cũng hiệu quả. Giảm thuế là ví dụ. Giảm thuế chỉ có tác dụng với doanh nghiệp vẫn có lãi. Còn với đơn vị gặp khó khăn, không có thu nhập thì không phải nộp thuế. Vì vậy, việc giãn thuế, giảm thuế không mang lại giá trị cho họ.

Rồi việc hỗ trợ người lao động cũng cần nhiều thủ tục. Việc người lao động chứng minh được mình thất nghiệp là tương đối khó khăn với nhiều người. Ví dụ nông dân từ nông thôn ra thành phố làm việc chân tay, họ phải trở về quê làm nhiều thủ tục mới tiếp cận được gói hỗ trợ. Và chi phí bỏ ra có khi còn cao hơn những gì nhận được.

+ Nghĩa là các gói hỗ trợ đều rất cần thiết, kịp thời nhưng đôi khi lại chưa đúng đối tượng phải không thưa bà? Hiện tại, đại dịch Covid-19 đang quay trở lại, theo bà, các gói hỗ trợ cần được “thiết kế” như nào để đạt hiệu quả cao nhất?

- Tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ đã được thực hiện từ trước đó. Ngoài ra, Chính phủ nên xem xét đưa ra các gói hỗ trợ mới dựa trên tinh thần đưa ra cái gì phải xác thực với cuộc sống của doanh nghiệp, điều kiện và các thủ tục không quá rườm rà, phức tạp để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được dễ dàng hơn.

+ Các gói hỗ trợ nên tập trung vào các doanh nghiệp loại nào thưa bà?

- Hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết, cần giúp đỡ các doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc có quá nhiều khó khăn do đại dịch. Thế nhưng, cũng cần phân biệt “sức khỏe” doanh nghiệp. Có những đơn vị bản thân đã yếu ớt, lĩnh vực của họ có quá nhiều người tham gia dẫn đến sức cạnh tranh yếu ớt. Vì vậy, họ nên ngừng lại hoặc chuyển đổi sang công việc khác.

Hỗ trợ ở đây là đi đôi với cách chuyển đổi công việc. Hỗ trợ cho các đơn vị, giúp họ trở lại y như cũ thì không hiệu quả, họ sẽ không thích ứng được vì bản thân họ đã gặp quá nhiều khó khăn trước khi Covid-19 xuất hiện.

Tôi nghĩ, các gói hỗ trợ cần quan tâm đến khía cạnh các doanh nghiệp khi nhận được gói hỗ trợ, họ có ứng dụng mới, thay đổi cách làm việc, biện pháp mới để nâng cao năng lực hay không. Nếu trở lại như cũ thì là thất bại.

Chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi nhưng do Covid-19 xuất hiện bất ngờ nên chưa thực hiện được. Nếu họ chứng minh được có kế hoạch thực sự, lĩnh vực hoạt động có tương lai thì hỗ trợ đưa họ vượt lên kể cả khi họ chưa bị quá nặng.

+ Kết quả của cách tiếp cận mới này là gì thưa bà?

- Cách làm như vậy sẽ tạo nên lớp doanh nghiệp mới có khả năng thích ứng tốt hơn, vươn lên theo nhu cầu mới về công nghệ, thay đổi cách làm việc, biện pháp mới nâng cao năng lực, phương thức kinh doanh, nắm bắt thay đổi của người tiêu dùng, để từ đó bật lên phát triển theo cách khác trước, lớn mạnh dần lên.

Đó là cách làm một công đôi việc, chứ đừng chỉ cứu sống doanh nghiệp đang ngắc ngoải. Với những đơn vị như vậy, kể cả cứu được, khi bình thường trở lại họ cũng khó tồn tại. Chỉ cứu được ngắn hạn, không mang tính chất dài hạn được.

+ Các gói hỗ trợ cần cân bằng thế nào giữa doanh nghiệp và người lao động thưa bà?

- Hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng là cách hỗ trợ cho người lao động. Nếu doanh nghiệp đứng vững được thì họ tuyển dụng trở lại. Nếu doanh nghiệp không đứng được thì tiền hỗ trợ cho người lao động là rất lớn. Cách hỗ trợ đó không tốt bằng cho người ta có công ăn việc làm.

+ Xin cảm ơn bà!

Bảo Linh (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-kinh-te-pham-chi-lan-ho-tro-vuot-covid-19-can-khuyen-khich-doanh-nghiep-chuyen-doi-post139662.html