Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng nhàn đàm về giáo dục

Đúc kết từ trải nghiệm cá nhân cùng những năm tháng hoạt động trong ngành giáo dục ở nhiều cấp bậc, mới đây, tác giả - chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng đã cho ra mắt tác phẩm 'Nhàn đàm giáo dục' (Phanbook và NXB Dân trí ấn hành), gồm những bài viết tâm huyết, đóng góp ý kiến cho việc dạy và học của ngành giáo dục hiện nay.

Tác phẩm chia làm hai phần, bên cạnh những bài viết về đề tài này từ năm 1981 đến năm 2004 đã đăng trên nhiều tờ báo cũng như tạp chí uy tín, thì tác giả cũng chấp bút mới những suy tư về vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội cũng như bản thân người học trong việc giáo dục.

Ở đó, ông cũng đưa ra những ảnh hưởng đặc thù của cộng đồng và từng cá nhân riêng biệt với đề tài này. Nhìn về phía xa, ông cũng đề xuất chiến lược “tầm nhìn giáo dục trong tương lai” sao cho việc dạy và học không bị tụt hậu mà càng phát triển đi lên, tiệm cận thế giới. Trong tác phẩm này, tác giả chia con người thành 4 nhóm tuổi, từ đó nêu bật vai trò của từng yếu tố gia đình, nhà trường, xã hội… cũng như trình bày hiện trạng hiện nay, từ đó đề xuất ra các giải pháp có thể thực hiện.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng. Ảnh: Quý Hòa

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng. Ảnh: Quý Hòa

Chẳng hạn với nhóm từ ngày sinh ra cho đến 6 tuổi (tuổi vào tiểu học), tác giả Phan Chánh Dưỡng cho rằng ảnh hưởng của giáo dục gia đình mà vai trò của cha mẹ là đáng kể nhất, bởi môi trường gia đình là điểm khởi đầu, ảnh hưởng mạnh nhất và đồng bộ nhất với tâm sinh lý từ lúc lọt lòng mẹ của trẻ. Từ kinh nghiệm riêng, tác giả gợi ý các bậc phụ huynh nên giúp trẻ từng bước thích nghi một cách tự thân với lao động trong cuộc sống hằng ngày của gia đình mình. Các bậc cha mẹ nên thường xuyên tương tác để tạo ra sự giao tiếp hai chiều của não và sớm giúp trẻ định vị trục không - thời gian dẫn đến từng bước tự lập, qua đó kỹ năng sống tự tin và tư duy trưởng thành dần dần hình thành...

Sau lứa tuổi này, nhà trường lại chính là nơi có đóng góp quan trọng nhất cho việc giáo dục. Theo ông, mục tiêu và phương pháp giảng dạy ngày nay cần được thay đổi qua 3 tầng dọc: từ tầng tiếp nhận thông tin, tầng trao đổi thông tin - tạo thông tin mới cho đến tầng rèn luyện cách tiếp cận, hình thành phương pháp tư duy sáng tạo mà không rập khuôn, học vẹt. Bằng việc tìm hiểu nhiều mô hình giáo dục khác nhau, ông cũng đề xuất việc phân ban ngay từ bậc trung học phổ thông với hệ số quan trọng khác nhau ở từng bộ môn, từ đó nắm bắt thật sớm đường hướng phát triển của các em, qua đó cũng giúp nhà trường và thầy cô để chọn được phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp.

Ở cấp bậc này vẫn còn tồn đọng rất nhiều hạn chế, do đó ông cũng kèm theo rất nhiều giải pháp có thể thay đổi. Chẳng hạn việc đánh giá thành tích giáo dục của nhà trường, theo tác giả, luôn phải xét đến điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương, từng trường cụ thể cũng như còn phải xem xét đầu ra, đầu vào trong một niên học của học sinh… tránh việc chạy theo thành tích.

Chương trình giảng dạy của nhà trường cũng nên được thiết kế “liên hoàn hàng ngang với các môn” và gắn kết hàng dọc “hợp tung trong từng cấp lớp”. Ngoài ra ông cũng nhắc đến nội dung giảng dạy của các trường tư vừa dạy theo chương trình tiếng Việt cũng như tiếng Anh hiện còn ít được quan tâm sát sao, qua đó kêu gọi thêm sự chú ý của các cơ quan có thẩm quyền…

Ở bậc đại học, ông cũng liệt kê ra những điểm yếu của nền giáo dục. Theo ông, hệ thống giáo dục trong nước còn đang nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, khiến tỉ lệ trường dạy kỹ thuật, các trường dạy nghề so với giáo dục phổ thông hiện đang rất thấp so với yêu cầu của nền kinh tế. Điều này dẫn đến việc không có đủ lao động có tay nghề cao phục vụ cho chiến lược công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, qua đó cũng giải thích tại sao hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công với giá trị gia tăng thấp hay cán cân thương mại luôn ở trạng thái nhập siêu triền miên…

Với kinh nghiệm tham gia giảng dạy chương trình đào tạo chính sách công tại trường Fulbright Việt Nam, ông cũng nhận thấy những năm gần đây hệ đại học đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn đó rất nhiều điểm yếu cần được cải thiện, như nội dung và phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới, trong khi sinh viên vẫn còn học tập một cách thụ động theo kiểu nhồi nhét, thuộc lòng… Ngoài ra việc đào tạo cấp đại học còn có những hiện tượng bất cập khác như thiếu giảng viên hay tâm lý cố thi vào đại học, bỏ qua trường nghề...

Nhiều năm qua, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng là giảng viên thực tiễn chương trình đào tạo thạc sĩ Chính sách công tại Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và nay là Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Thúy Hằng

Nhiều năm qua, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng là giảng viên thực tiễn chương trình đào tạo thạc sĩ Chính sách công tại Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và nay là Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Thúy Hằng

Trong từng phần nhỏ đại diện cho các lứa tuổi, tác giả Phan Chánh Dưỡng cũng giới thiệu những mô hình giáo dục thú vị. Chẳng hạn ở nhóm từ 6 tháng - 6 tuổi, ông đã thiệu các vùng không gian khác nhau để trẻ có thể hoạt động một cách chủ động theo sở thích và cảm nhận của mình. Ông cũng đưa ra mô hình “thời không thực chứng” chứa các sự kiện của riêng một người, cách chúng không ngừng bao hàm lẫn nhau theo thời gian thực và giao thoa với hình chóp “tâm thức” (sự lắng đọng của tri thức).

Ông cũng tìm thấy nhiều sự tương đồng giữa mô hình này với các trường phái về khoa học lượng tử, duy thức luận Đại thừa Phật giáo hay quan điểm sự sống của mọi sinh linh đều gắn chặt với dạng vật chất tối hay năng lượng tối mà nhà vật lý Roger Penrose đoạt giải Nobel Vật lý năm 2020 đã phát hiện ra…

Nhìn về tương lai, tác giả Phan Chánh Dưỡng cũng đóng góp mô hình “Tầm nhìn giáo dục trong tương lai” thông qua việc nghiên cứu thành tựu giáo dục 10 nước tiêu biểu, từ đó đặt ra kế hoạch dài hạn cũng như ngắn hạn cho nền giáo dục. Ông cũng đề xuất chương trình giảng dạy ở từng cấp học nên từng bước tiếp cận về hướng khoa học hiện đại dựa vào trình độ phát triển khoa học thế giới và mạnh dạn nhanh chóng ứng dụng những công nghệ hiện đại mà các nước tiên tiến đã ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày…

Không chỉ đề cập đến các mô hình giáo dục ở gia đình và trường học, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng cũng nhắc đến sự tham gia của cộng đồng và những cá nhân nổi bật. Với kinh nghiệm đã có tại Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting (nay là Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý), ông đã chia sẻ những thành tựu lớn mà tổ chức này đã giúp thay đổi. Chẳng hạn cuộc thi “E-learning” soạn thảo bài giảng điện tử ở mọi bộ môn, mọi cấp lớp trên toàn quốc đã giúp “phổ cập” việc các giáo viên đều biết dùng máy vi tính, hay việc trang bị bộ kết nối “NHV” giữa kính hiển vi với máy tính cũng giúp cho việc nghiên cứu ở khoảng 700 phòng học và 50 bệnh viện trong cả nước thêm dễ dàng hơn…

Bìa sách Nhàn đàm giáo dục. Ảnh: Phanbook

Ngoài gia đình, nhà trường và xã hội, tác giả Nhàn đàm giáo dục cũng nhắc đến sự đóng góp của các hội đoàn mang tính đồng hương, họ tộc, hoặc những cá nhân nặng lòng với sự nghiệp giáo dục bởi họ cũng góp phần nào làm hoàn thiện hơn nền giáo dục qua việc tài trợ hoặc nêu gương sáng... Nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân của mỗi một người như những chiêm nghiệm ông đã đúc kết trong cuốnKý ức theo dòng đời ra mắt trước đây…

Có thể nói bằng kinh nghiệm cũng như nhiều quan sát sâu rộng vào nền giáo dục của các đất nước tiên tiến, trong Nhàn đàm giáo dục, tác giả Phan Chánh Dưỡng đã nêu bật những hạn chế vẫn còn tồn đọng hiện nay, từ đó phân tích, làm rõ và đưa ra nhiều giải pháp giá trị, từng bước giúp việc dạy và học ngày càng tiến bộ, cập nhật xu hướng. Đây có thể nói là tác phẩm không chỉ cần thiết cho các chuyên gia giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, mà còn là cho những bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh muốn thế hệ sau thêm phần phát triển và tài giỏi hơn.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-gia-kinh-te-phan-chanh-duong-nhan-dam-ve-giao-duc-44734.html