Vì sao giới trẻ ngại nói ở đời thực?

Trong thời đại số hiện nay, giới trẻ có xu hướng trao đổi qua tin nhắn, mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… Bởi họ cảm thấy khó khăn và thiếu tự tin khi giao tiếp trực tiếp. Điều này, có phải là hồi chuông cảnh báo sự phát triển kỹ năng của giới trẻ và xây dựng mối quan hệ xã hội không?

Có vẻ như nhiều bạn trẻ ngày nay gặp nhiều trở ngại trong quá trình giao tiếp, phần lớn vì sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và mạng xã hội. Điều này, đang dần tạo ra bức tường ngăn cách giới trẻ với thế giới xung quanh.

Nhiều bạn trẻ hoạt ngôn, thoải mái nói chuyện qua các dòng tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng khi đối diện trực tiếp với nhau lại im lặng, rụt rè. Ảnh: Đồng Lai

Nhiều bạn trẻ hoạt ngôn, thoải mái nói chuyện qua các dòng tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng khi đối diện trực tiếp với nhau lại im lặng, rụt rè. Ảnh: Đồng Lai

Điển hình, như Hân (16 tuổi; làng Thương, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) đang học Trung cấp ngành Thú y (Trường Cao đẳng Gia Lai), mặc dù đang học năm thứ 2 và thường xuyên tiếp xúc trao đổi bài với bạn bè, thầy-cô giáo nhưng bản thân Hân không mấy tự tin.

Hân tâm sự: “Những lúc nói chuyện trực tiếp em luôn bị căng thẳng và không dám nhìn mặt đối phương khi trò chuyện. Hay đơn giản là khi thuyết trình trên lớp, dù em đã chuẩn bị nội dung trước nhưng em vẫn thiếu tự tin, run rẩy, trả lời còn lắp bắp và không bao giờ nhìn vào các bạn hay thầy cô giáo. Cũng chính vì thế nên em thường bị nói là “đứa khó gần”, không hòa đồng, thân thiện với mọi người xung quanh”.

Cũng giống như Hân, anh Nguyễn Thanh Phú (25 tuổi; tổ 4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho biết, bản thân thích giao tiếp trực tuyến hơn trực tiếp sau khi trải qua đại dịch Covid-19.

“Trước đây, bản thân mình không quen sử dụng mạng xã hội để trò chuyện vì khó diễn tả được hết ý đến đối phương, nhưng từ lúc giãn cách xã hội mình buộc phải trao đổi trực tuyến. Và bị quen với điều này khi nào không hay, bởi sự tiện lợi của nó như có thể trò chuyện với bất cứ ai, ở bất cứ đâu mà không phải di chuyển nhiều để gặp mặt.

Ngoài ra, khi trò chuyện trực tuyến, mình không cần phải để ý giọng điệu, cảm xúc… của người khác mà chỉ cần chuẩn bị kiến thức, nội dung sao cho phù hợp, dễ hiểu. Việc soạn tin nhắn cũng giúp mình có thêm thời gian suy nghĩ câu trả lời chu đáo và hợp lý nhất”-Thanh Phú giải thích.

Tuy nhiên, chính Phú cũng nhận thấy khuyết điểm của bản thân từ thói quen này. Thói quen thích giao tiếp qua mạng xã hội, dần dẫn đến bản thân Phú rất nhút nhát và khó hòa nhập với mọi người hơn. Đặc biệt, vốn từ ngữ ngày càng hạn hẹp hay khả năng xử lý tình huống không còn nhanh nhẹn như trước đã và đang ảnh hưởng khá nhiều đến công việc và cuộc sống của Phú.

Có thể thấy, thói quen ngại giao tiếp ngoài đời thực không chỉ ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ, công việc mà còn liên quan đến sức khỏe và cuộc sống của mỗi người đặc biệt là giới trẻ. Như bạn Nara (17 tuổi; làng Ghè, xã Trang, huyện Đak Đoa) chia sẻ: Bản thân thường xuyên tìm hiểu các thông tin trên mạng xã hội liên quan đến giao tiếp và nhận thấy nhiều hậu quả khi trò chuyện kém ở đời thực.

“Vì thế, thời gian qua bản thân em đã cố gắng cải thiện khả năng giao tiếp của mình như đọc nhiều sách để tích lũy ngôn từ, xem các video về kỹ năng giao tiếp và chủ động hẹn bạn bè thân thiết ra quán cà phê để nói chuyện tâm sự… Ngoài ra, khi nói chuyện trực tiếp như vậy không bị khoảng cách với bạn bè hay mọi người như khi giao tiếp qua màn hình”-Nara bộc bạch.

Bạn Đinh Thị Thanh Trà từng rất tự ti về việc ngại giao tiếp của bản thân và cố gắng để thay đổi bằng cách hạn chế trò chuyện qua mạng xã hội. Ảnh: Đồng Lai

Bạn Đinh Thị Thanh Trà từng rất tự ti về việc ngại giao tiếp của bản thân và cố gắng để thay đổi bằng cách hạn chế trò chuyện qua mạng xã hội. Ảnh: Đồng Lai

Hay bạn Đinh Thị Thanh Trà (sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Gia Lai) khẳng định bản thân là thế hệ gen Z và cũng không ngoại lệ khi hàng ngày đều tiếp xúc với mạng xã hội.

“Nhưng em nhận thức được đây chỉ là phương tiện, là cầu nối để mọi người nói chuyện, xây dựng mối quan hệ từ trên mạng xã hội ra ngoài đời thật. Nên em luôn cố gắng thể hiện đúng tính cách khi trao đổi trên mạng, để gặp gỡ ngoài đời không bị bỡ ngỡ và dễ dàng trao đổi hơn”-Thanh Trà chia sẻ.

Clip: Giới trẻ nói gì về thực trạng ngại giao tiếp ở đời thực. Thực hiện: Đồng Lai

Trao đổi với P.V, anh Lê Văn Sơn-Thạc sĩ tâm lý học (Trường Cao đẳng Gia Lai) cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giới trẻ ngại giao tiếp trong thực tế như phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng công nghệ, sự kỳ vọng cao từ xã hội hay thiếu kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng trong quá trình giao tiếp.

Để cải thiện được khả năng giao tiếp ngoài đời thực, Thạc sĩ tâm lý Lê Văn Sơn đưa ra các lời khuyên: “Các bạn trẻ nên tham gia các câu lạc bộ hay hoạt động xã hội từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để mở mang kiến thức, học hỏi cách giao tiếp, ứng xử, đặc biệt là tăng sự tương tác ngoài đời với người khác. Điều này, không chỉ giúp giới trẻ phát huy tối đa khả năng tư duy giao tiếp của bản thân mà còn tạo cơ hội để thăng tiến trong công việc, cuộc sống hàng ngày”.

ĐỒNG LAI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/vi-sao-gioi-tre-ngai-noi-o-doi-thuc-post292198.html