Chuyên gia lo ngại về mối đe dọa mới đối với Mỹ do băng tan ở Bắc Cực

Gần hai thập kỷ trước khi Tổng thống Donald Trump để mắt đến giá trị chiến lược của Greenland đối với Mỹ, các nhà thám hiểm Nga đã cắm quốc kỳ dưới đáy biển Bắc Cực, ở độ sâu sâu 4.267m để khẳng định chủ quyền đối với vùng biển này.

Băng tan do nhiệt độ ấm lên tại đảo Greenland thuộc Bắc Cực. Ảnh: AFP/TTXVN

Băng tan do nhiệt độ ấm lên tại đảo Greenland thuộc Bắc Cực. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ sau động thái đó của Nga năm 2007, tình hình ở khu vực cực Bắc không có quá nhiều thay đổi. Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn nắm quyền lãnh đạo, băng ở Bắc Cực tiếp tục tan chảy, và cuộc đua giành ảnh hưởng giữa các quốc gia vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Theo các dữ liệu từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) và Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia Mỹ, vào mùa đông, diện tích băng ở Bắc Cực chỉ còn 14,32 triệu km2, giảm khoảng 2,85 triệu km2 so với năm trước. Đây là mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu ghi chép cách đây gần 50 năm.

Với dự đoán vào năm 2050, mùa hè ở Bắc Cực có thể không còn băng, các yêu cầu tranh giành quyền tiếp cận tài nguyên ở khu vực này đang ngày càng nóng lên cùng nhiệt độ, tạo ra những thách thức về an ninh đối với Mỹ.

Giám đốc điều hành Viện Chính sách Công nghệ thuộc Đại học Cornell, ông James Rogers, cho biết: “Mối quan tâm ngày càng lớn của các cường quốc đối với Bắc Cực gắn liền với biến đổi khí hậu. Bắc Cực đang nóng lên nhanh chóng, với tốc độ nhanh gấp 4 -7 lần so với các khu vực khác trên thế giới”.

Theo ông, hệ quả là các quốc gia sẽ có quyền tiếp cận nhiều hơn đối với các tuyến đường vận chuyển, các hoạt động quân sự và tài nguyên thiên nhiên. Mùa hè ít băng hơn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động qua lại, qua đó thay đổi các lợi ích chiến lược của các cường quốc

Nga đã thực hiện các động thái quân sự hóa khu vực Bắc Cực, đồng thời tuyên bố chủ quyền đối với các tuyến đường vận chuyển và nguồn năng lượng mà khu vực này sở hữu, đặc biệt là khi băng bắt đầu tan chảy. Trong một cuộc họp tại thành phố Murmansk, nơi đặt trụ sở của Hạm đội Hải quân Nga, Tổng thống Putin cảnh báo rằng khu vực này có thể là điểm nóng cho các cuộc xung đột trong tương lai.

Ông Putin cũng chỉ trích NATO về các cuộc tập trận gần đây ở Bắc Cực, đặc biệt là sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển, các thành viên mới của liên minh. Ông cho rằng NATO đang “biến Bắc Cực thành khu vực tiềm ẩn xung đột”.

Tuyên bố này của ông Putin được đưa ra ngay sau khi tàu ngầm hạt nhân Perm, mang tên lửa siêu thanh Zircon, được hạ thủy từ một xưởng đóng tàu gần đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn quốc tế về Bắc Cực tại Murmansk, Nga ngày 27/3/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn quốc tế về Bắc Cực tại Murmansk, Nga ngày 27/3/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Ông Rogers cho biết từ ít nhất năm 2014, Nga đã đầu tư rất nhiều vào an ninh Bắc Cực như một phần quan trọng trong chiến lược quốc gia.

Nga cũng đã triển khai các phi đội thiết bị bay không người lái để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và xây dựng các căn cứ quân sự mới ở vùng cực Bắc, trong khi gia tăng số lượng tàu phá băng để củng cố tuyến đường biển phía Bắc (NSR), tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa Tây Âu - Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông Rogers, Nga muốn đảm bảo khả năng khai thác tài nguyên ở Bắc Cực và duy trì quyền kiểm soát các tuyến đường vận chuyển, đồng thời bảo vệ khu vực này bằng các công nghệ, cơ sở hạ tầng và năng lực quân sự mạnh mẽ.

Mỹ cũng đang đối mặt với những thách thức trực tiếp từ sự hiện diện của cả Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực. Vào tháng 10, bốn tàu của Nga và Trung Quốc đã di chuyển cách Đảo St. Lawrence thuộc Alaska khoảng 709 km. Ông Rogers cho rằng điều này gây lo ngại vì không có tàu phá băng nào của Mỹ ở gần khu vực này, khi cả hai chiếc tàu phá băng của nước này đều đang trong quá trình sửa chữa.

Theo một báo cáo của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), sự hiện diện của Mỹ và NATO ở Bắc Cực đang thiếu hụt, và các quốc gia thành viên NATO ở khu vực này cần phối hợp hành động chặt chẽ hơn.

Ông Robert Murrett - giáo sư tại Đại học Syracuse, cựu Phó Đô đốc Mỹ - bình luận rằng sự thay đổi bức tranh chiến lược ở Bắc Cực là không thể tránh khỏi khi băng biển đang tan nhanh.

“Mặc dù gần đây sự chú ý đã đổ dồn vào Greenland do các tuyên bố từ Nhà Trắng, nhưng lợi ích của chúng tôi tại Bắc Cực còn bao gồm nhiều yếu tố quan trọng hơn, như kinh tế, an ninh và môi trường. Từ những năm 1950, các tàu ngầm, máy bay, tàu phá băng và tàu chiến của các quốc gia khác đã luôn cạnh tranh và tranh chấp quyền kiểm soát khu vực Bắc Cực”, ông Murrett nói.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tham quan Căn cứ Không gian Pituffik của Quân đội Mỹ ngày 28/3 tại Pituffik, Greenland. Ảnh: Getty Images

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tham quan Căn cứ Không gian Pituffik của Quân đội Mỹ ngày 28/3 tại Pituffik, Greenland. Ảnh: Getty Images

Ông cho rằng sự kiểm soát của Nga đối với Tuyến đường biển phía Bắc đang tạo ra một đòn bẩy lớn cho hoạt động thương mại giữa Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Ông cũng nhấn mạnh Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) của Mỹ và Canada sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt trong đảm bảo an ninh khu vực Bắc Cực.

“Quan hệ đối tác chặt chẽ của Mỹ với Canada sẽ luôn là yếu tố thiết yếu trong lợi ích chiến lược của chúng tôi tại Bắc Cực”, ông nói thêm.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-gia-lo-ngai-ve-moi-de-doa-moi-doi-voi-my-do-bang-tan-o-bac-cuc-20250405190655562.htm