Chuyên gia: 'Lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh giữ nguyên là chưa phù hợp'

Dù qua nhiều kỳ cải cách tiền lương, nhưng các chính sách khác đi kèm, đặc biệt là vấn đề giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân lại không song hành khiến nhiều người dân lo lắng mức phải đóng thuế chưa phù hợp.

Chưa điều chỉnh giảm trừ gia cảnh

Từ năm 2009, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực, mức giảm trừ gia cảnh ban đầu khi áp dụng luật đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng. Năm 2012 nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng. Vào tháng 7/2020, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực nên Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc và mức thuế này đã duy trì đến hiện nay.

Sau gần 4 năm, giá cả hàng hóa, dịch vụ hay chi phí sinh hoạt đều thay đổi theo chiều hướng tăng, dẫn đến việc dù có tăng lương nhưng thu nhập thực tế lại giảm. Trong khi đó, quy định mức tối thiểu phải đóng thuế không tăng, tiền được trừ của người phụ thuộc không tăng. Có thể thấy, việc chưa điều chỉnh đồng thời quy định thuế TNCN là chưa có sự đồng bộ và làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương.

Vấn đề này cũng được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm và đưa ra thảo luận tại nhiều kỳ họp.

Chiều ngày 29/5 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh chưa phản ánh đúng thực tế cuộc sống.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, mức giảm trừ gia cảnh nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng là quá lạc hậu, cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm mà không nên chờ đến hai năm nữa, nghĩa là đến năm 2026 mới được thông qua như đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc thực sự không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế.

"Mức giảm trừ này đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Theo số liệu thống kê, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%".

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.

Lý giải điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật, bởi giai đoạn 2020-2023, CPI mới biến động 11,47%, thấp hơn mức 20% nên chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Việc điều chỉnh sẽ bàn sau khi sửa đổi Luật Thuế TNCN.

Đồng thời, về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, lãnh đạo Bộ Tài chính bổ sung thêm CPI của năm 2023 theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 3,25%, năm 2022 là 3,15%; năm 2021 là 1,84% và 2020 là 3,23%. Như vậy, tính chung là 11,47%. Theo luật, phải trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Như vậy, Bộ Tài chính hiện đang thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là rất thấp so với chi tiêu

 Các chuyên gia cho rằng, cần điều chỉnh lại mức giảm trừ gia cảnh để việc tăng lương có ý nghĩa. Ảnh minh họa: Mai Trang

Các chuyên gia cho rằng, cần điều chỉnh lại mức giảm trừ gia cảnh để việc tăng lương có ý nghĩa. Ảnh minh họa: Mai Trang

Trao đổi với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá: “Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay rất thấp so với thu nhập bình quân đầu người cũng như mức chi tiêu bình quân của các hộ gia đình ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác của cả nước.

Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải sửa thuế TNCN này, tất nhiên không phải chỉ là mức giảm trừ gia cảnh. Bởi thuế TNCN đã có nhiều điều lạc hậu, từ việc mức giảm trừ gia cảnh thấp, đến điều chỉnh thuế thì chúng ta chỉ điều chỉnh dựa trên một chỉ tiêu: Đó là lạm phát. Khi nào lớn hơn 20% thì các cơ quan chức năng sẽ đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh sửa thuế này. Tức là chỉ xét mức độ bào mòn của lạm phát với thu nhập đến đâu. Điều này là không ổn”.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc lấy lạm phát của năm nay cộng với năm sau để dần dần tích lũy thành 20% cũng chưa hợp lý. Bởi mức lạm phát của năm nay dựa trên mặt bằng giá cả năm nay. Và mức lạm phát trong năm sau thì lại dựa trên mức với giá cả sang năm. Như vậy, việc cộng các mức lạm phát là không “đồng mẫu số”, không khoa học.

Ngoài ra, xét mức giảm trừ gia cảnh là phải dựa trên thu nhập bình quân đầu người, chi tiêu bình quân, các yếu tố về về an sinh xã hội cũng như các vấn đề khác có liên quan. “Nhiều quốc gia cho phép làm chủ những khoản chi tiêu mà người đó đã sử dụng trong thực tế. Nếu như bất chợt người ta ốm đau, bệnh tật thì phải trừ cho người ta”. “Hay người ta có con ốm mẹ đau, phải mua thuốc thì điều này cũng phải tính. Cả chuyện người ta học hành, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh thì cũng được trừ. Nhiều quốc gia thậm chí còn trừ cả tiền người đó đầu tư vào sản xuất kinh doanh”, chuyên gia Thịnh đưa ví dụ.

Cũng theo chuyên gia Thịnh, nếu không sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh, sau khi tăng lương 30% sẽ có các đối tượng lương 8-9 triệu đồng (trước tăng) phải đóng thuế TNCN, dẫn tới nhiều hệ lụy. “Khi đã phải đóng thuế, tự dưng anh trở thành người có thu nhập cao, phải chịu đủ mọi thứ có liên quan, trong đó có chuyện ưu tiên ưu đãi mua nhà, cho con đi học... Do đó, cần phải xem xét, sửa đổi cho thích hợp”, chuyên gia kinh tế nói.

Đồng thời, theo góc nhìn của ông nên rút gọn biểu thuế, bởi 7 bậc là quá dày và gây khó hiểu cho người dân. Ông Thịnh kiến nghị, biểu thuế TNCN chỉ nên còn 3 bậc, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng, bậc trung bình từ trên 30 triệu đồng/tháng đến 100 triệu đồng/tháng, và bậc cao từ 100 triệu đồng/tháng trở lên. Về thuế suất, bậc thấp chỉ nên thu thuế ở mức 2% thay vì 5% như hiện nay, bậc trung bình thuế suất tính 10% và bậc cao thuế suất tính 20%.

Đồng quan điểm về việc cần có thay đổi, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, việc tăng lương là phù hợp với giai đoạn đất nước đang chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình cao, đồng thời phù hợp với sự thay đổi của kinh tế thị trường.

 PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Mai Trang

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Mai Trang

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, chuyên gia này cũng nhận định, tăng lương cần phải gắn với vấn đề là tăng thu nhập thực tế. “Tăng tiền lương thực tế chứ không phải là tăng tiền lương danh nghĩa, do đó là vấn đề lạm phát là phải kiềm chế”, chuyên gia Lạng nói.

“Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng phải hỗ trợ đồng thời, ví dụ như miễn trừ gia cảnh thì tôi nghĩ là cũng phải có điều chỉnh, bởi hiện tại mức giảm trừ thấp quá, trong khi đó liên quan đến cả thu nhập của người phụ thuộc. Theo tôi nghĩ cũng phải có sự thay đổi tương xứng thì mới phù hợp được. Còn nếu không thì lương tăng rồi nhưng phần giảm trừ gia cảnh để nguyên như cũ thì tôi e là không phù hợp”, PGS.TS Lạng nói thêm.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng đề xuất, liên quan đến hoạt động hỗ trợ về mặt xã hội, chẳng hạn như nhà ở xã hội hay các khoản khác liên quan đến an sinh cũng phải có bước tiến và có tính chất đồng thời để tránh tình trạng lương tăng nhưng sau đó giá nhà ở xã hội, các vật phẩm tiêu dùng, đồ dùng thiết yếu còn tăng nhanh hơn nữa, làm cho ý nghĩa của việc tăng lương không lớn, thậm chí còn đi ngược lại với chính sách tiền lương.

“Do đó, tôi nghĩ rằng cần phải tiến hành một cách đồng bộ và đồng thời thì việc tăng lương mới có ý nghĩa, đặc biệt là mức thu nhập thực tế của người được hưởng lương được cải thiện thì việc tăng lương mới có ý nghĩa thực sự chính xác”, chuyên gia Lạng nhấn mạnh.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-gia-luong-tang-nhung-muc-giam-tru-gia-canh-giu-nguyen-la-chua-phu-hop.html