Chuyên gia lý giải điện thoại không dễ nổ tại sao tai họa vẫn xảy ra?
Từ những vụ tử vong, tai nạn thương tâm đáng tiếc xảy ra do sử dụng điện thoại trong khi sạc pin, anh Nguyễn Hồng Quân - kỹ thuật viên điện thoại tại Hà Nội khẳng định, điện thoại không dễ phát nổ nếu như không có dấu hiệu hỏng hóc...
Hàng loạt vụ thương vong vì sử dụng điện thoại khi sạc pin
Thời gian qua, đã có không ít trường hợp bất ngờ bị thương nặng hoặc tử vong thương tâm khi vừa sạc pin vừa dùng điện thoại di động.
Mới đây nhất, ngày 6/7, một nam thanh niên tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã tử vong do điện thoại phát nổ khi sử dụng trong lúc sạc pin.
Trước đó, vào hồi tháng 6/2019, trong lúc anh Trần Văn Hậu (38 tuổi ở Sơn Động, Bắc Giang) đang lướt web thì điện thoại đang sạc phát nổ. Nạn nhân nhập viện với bàn tay phải liên tục chảy máu. Rất may nạn nhân không phải cắt bỏ bàn tay.
Tháng 2/2019, một trường hợp trẻ tại Nghệ An đã may mắn được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Việt Đức do dùng điện thoại iphone khi đang sạc pin. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay trái, vết thương mắt 2 bên, vết thương xuyên nhãn cầu có dị vật nội nhãn.
Tháng 1/2019, nam thanh niên 17 tuổi (ở huyện Vụ Bản, tỉnhNam Định) cũng phải nhập viện trong tình trạng bàn tay phải dập nát, do vừa nằm trên giường, vừa dùng điện thoại đang sạc pin, dẫn đến điện thoại phát nổ.
Tương tự, tháng 9/2018, nam thanh niên (trú tại khu phố Đại Áng, phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cũng bị điện giật thiệt mạng trong quá trình sạc điện thoại, do ổ cắm bị hở.
Tháng 11/2017, một học sinh lớp 9 trường THCS Hồ Tùng Mậu (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng thiệt mạng tại chỗ do dùng điện thoại khi đang sạc, dây sạc bị hở dẫn đến sự cố thương tâm…
Điện thoại không hề dễ nổ
Trước hàng loạt những vụ tử vong thương tâm do vừa sử dụng điện thoại khi đang sạc pin, PV Báo gia đình & Xã hội đã ghi nhận ý kiến của anh Nguyễn Hồng Quân, kỹ thuật viên điện thoại tại Hà Nội, về mối liên quan giữa nguyên lý hoạt động của điện thoại với các sự cố phát nổ.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong sửa chữa, tư vấn kỹ thuật về điện thoại, anh Nguyễn Hồng Quân khẳng định: "Điện thoại không hề dễ phát nổ và trường hợp nổ điện thoại rất ít xảy ra. Trừ khi người dùng cố tình sử dụng điện thoại có dấu hiệu hỏng hóc (tuổi thọ pin điện thoại đã hết, pin chai, phồng rộp…) cùng thiết bị sạc không đảm bảo (sạc nhái) hoặc chủ ý tác động đến pin thiết bị điện thoại, sạc điện thoại kéo dài".
Anh Quân cho biết: "Thiết bị sạc nhái sẽ gây ra hiện tượng chết nguồn điện thoại, hoặc sử dụng lâu ngày, lượng điện vào pin không đảm bảo sẽ làm giảm tuổi thọ pin, pin giảm tuổi thọ có hiện trượng chai pin, phồng rộp và dễ gây nóng máy. Thậm chí, pin phồng rộp cũng đẩy cả màn hình điện thoại lên bề mặt máy, chi tiết này có thể người dùng không để ý, hoặc thấy nhưng vẫn cố tình dùng.
Tức là, trừ khi quả pin trong điện thoại bị phồng lớn mà người dùng cố tình sử dụng thì mới có nguy cơ phát nổ cao, mà sự cố nổ ở đây là do pin chứ không phải do bo mạch điện thoại. Bo mạch điện thoại chỉ phát nổ khi bàn tay con người có nước, ẩm tác động vào thì mới gây ra sự cố, nhưng tiếng nổ cũng rất nhỏ và không có sự ảnh hưởng. Cục sạc không đảm bảo cộng thêm hở nguồn điện thì mới dễ xảy ra sự cố phát nổ".
"Bởi vì trên thực tế, nguồn điện từ cổng sạc dẫn vào điện thoại chỉ 5V (vôn kế). Dòng điện 5V không thể gây nổ", anh Quân lý giải.
Cũng theo anh Quân, sạc nhái nhẹ hơn sạc chính hãng rất nhiều, vì sạc nhái không có đúc đồng, không có chống dò điện nhưng khách hàng lại rất khó phân biệt đâu là hàng nhái, hàng thật, ngoại trừ người làm trong nghề có kinh nghiệm. Sạc nhái không chỉ gây hiện tượng điện không vào máy, mà còn có nguy cơ gây chết nguồn máy, hỏng phần tiếp xúc chân sạc, giảm tuổi thọ pin, có nguy cơ gây ra các vụ nổ.
Sạc điện thoại nhái được nhập với mức giá từ 15.000 – 20.000 đồng/chiếc, chủ yếu được bán ở các vùng sâu vùng xa. Ở Hà Nội phải bán cục sạc đúc đồng hai đầu vì sự an toàn và chính sách bảo hành của các đơn vị bán hàng.
"Hơn nữa, những máy điện thoại thông minh hiện nay đều hiện thông báo "phụ kiện không hỗ trợ" khi thiết bị sạc không tương thích, hoặc không đảm bảo nguồn điện. Vì vậy, tôi tin chắc những trường hợp nổ điện thoại là do điện thoại đã quá cũ, đời cũ, có thời gian sử dụng lâu dài", anh Quân khẳng định.
Theo anh Quân, khuyến cáo chung của những người làm nghề kỹ thuật điện thoại là khách hàng chỉ sạc khi điện thoại báo hiệu mức nguồn điện thấp, khoảng 10%, hạn chế xạc qua đêm và đặc biệt là không sử dụng điện thoại trong quá trình sạc pin.
Bảo Loan