Chuyên gia lý giải khả năng Nga vô hiệu hóa vệ tinh Starlink
Vào tháng 9, tỷ phú Elon Musk, lãnh đạo SpaceX và Tesla, đã khiến các quan chức và truyền thông phương Tây bất ngờ sau khi có thông tin tiết lộ rằng ông đã bí mật ra lệnh để các kỹ sư không cho phép Ukraine sử dụng vệ tinh Starlink tiến hành các cuộc tấn công vào Crimea.
Tờ The Washington Post đã đăng trích dẫn trong cuốn tiểu sử về tỷ phú Musk và tiết lộ rằng vào tháng 9/2022, Ukraine đề nghị vệ tinh Starlink hỗ trợ để tấn công tàu Hải quân Nga tại cảng Sevastopol ở Crimea. Nhưng khi đó, tỷ phú Musk khi đó đã từ chối.
Trong khi đó, nhà sử học quân sự Yury Knutov, Giám đốc Bảo tàng Lực lượng Phòng không Nga, đánh giá rằng quân đội nước này có khả năng gây nhiễu và vô hiệu hóa vệ tinh của tỷ phú Musk mà không vi phạm luật quốc tế hoặc phải dựa vào quyết định của ông Musk. Ông Knutov cho biết Nga đã tạo ra nhiều hệ thống có khả năng xử lý hoạt động trinh sát dựa trên vệ tinh. Nhà sử học này còn đề cập đến radar trên mặt đất Borshevik có thể phát hiện hoạt động và vị trí của trạm vệ tinh Starlink.
Theo ông Knutov, Lực lượng Vũ trụ Nga có thể tác động gây nhiễu kênh truyền thông tin của các vệ tinh này. Starlink được thiết kế để tiếp tục truyền thông tin cho đến khi quá trình hoàn tất, đồng nghĩa với việc chúng sẽ tiếp tục truyền cho đến khi hết pin rồi biến thành sắt vụn. Nhà sử học quân sự Knutov giải thích: “Nói cách khác, đây là cách tác động gián tiếp, không vi phạm bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào”.
Lực lượng Vũ trụ là một nhánh của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, chịu trách nhiệm về các hoạt động trong không gian. Nhà sử học quân sự Yury Knutov mô tả Lực lượng Vũ trụ Nga là “tương lai”. Theo nhà sử học này, sứ mệnh của Lực lượng Vũ trụ trong những thập niên tới sẽ bao gồm ứng phó với các thách thức công nghệ mới, bao gồm các máy bay vũ trụ tự hành, có khả năng hạt nhân như Boeing X-37, cũng như chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu.
Lực lượng Vũ trụ là một trong những đơn vị uy tín nhất của quân đội Nga, với nhiệm vụ bao gồm nhiều chức năng quan trọng như giám sát 24/7 để phát hiện các mối đe dọa và mối nguy hiểm tiềm tàng từ vũ trụ; cung cấp thông tin quan trọng cho các binh chủng khác của quân đội, cũng như các bộ dân sự có liên quan. Lực lượng này còn theo dõi các vật thể nhân tạo trong không gian và báo cáo nguy cơ tiềm ẩn va chạm với các vật thể khác để tạo điều kiện cho vệ tinh, tàu vũ trụ và trạm vũ trụ điều chuyển hướng đi cần thiết và tránh thiệt hại…
Vào năm 2001, Lực lượng Vũ trụ được thành lập như một binh chủng riêng của Lực lượng Vũ trang Nga. Mười năm sau đó, Lực lượng Vũ trụ sáp nhập vào Lực lượng Phòng không Vũ trụ rồi chuyển thành một binh chủng phụ của Lực lượng Hàng không Vũ trụ vào năm 2015. Ngày 4/10 là Ngày Lực lượng Vũ trụ Nga, được tổ chức để kỷ niệm lần phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik-1. Liên Xô đã phóng Sputnik-1 vào ngày 4/10/1957 từ Vùng thử nghiệm khoa học số 5 của Bộ quốc phòng Liên Xô, về sau có tên Sân bay vũ trụ Baikonur. Tên lửa đẩy cùng tên Sputnik đã đưa Sputnik-1 lên quỹ đạo. Tên lửa đẩy Sputnik được thiết kế dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa R-7.
Theo hãng tin Sputnik, tham vọng của quân đội Nga trong không gian vũ trụ bị hạn chế bởi cam kết của Moskva trong Hiệp ước Đề xuất ngăn chặn chạy đua vũ trang trong không gian (PAROS) - được Nga và Trung Quốc đưa ra lần đầu tiên vào năm 2008, nhằm ngăn chặn các cuộc đối đầu trên không gian.