Chuyên gia lý giải về cầu vồng đôi ở Hội An

Hiện tượng 2 cầu vồng cùng xuất hiện sẽ ít hơn hiện tượng 1 cầu vồng bình thường, nhưng không phải là quá hiếm. Trong 10 lần cầu vồng xuất hiện, thì sẽ có 2 - 3 lần có cầu vồng đôi.

Sáng 14/10, nhiều người dân ở TP Hội An bày tỏ sự bất ngờ khi chứng kiến hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp - cầu vồng đôi (cầu vồng song sinh).

Theo chia sẻ của một số tài khoản mạng xã hội Facebook, khoảng 6h40, sau cơn mưa, họ bắt gặp hình ảnh cầu vồng đôi rực rỡ và rõ nét xuất hiện trên bầu trời. Một số người đã dùng điện thoại lưu lại khoảnh khắc này và đăng tải lên Facebook.

Hiện tượng cầu vồng đôi ở Hội An được ghi lại sáng nay.

Hiện tượng cầu vồng đôi ở Hội An được ghi lại sáng nay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết hiện tượng 2 cầu vồng cùng xuất hiện sẽ ít hơn hiện tượng 1 cầu vồng bình thường, nhưng không phải là quá hiếm. Ví dụ trong 10 lần cầu vồng xuất hiện, thì sẽ có 2 - 3 lần có cầu vồng đôi.

Theo đó, đặc điểm của cầu vồng đôi này là cầu vồng thứ 2 (cầu vồng phụ) xuất hiện có màu nhạt hơn và thứ tự màu ngược lại so với cầu vồng đầu tiên. Bình thường, cầu vồng thứ 2 rất nhạt, nếu không để ý kỹ sẽ rất khó thấy.

Bản chất của cầu vồng là sự tán sắc ánh sáng Mặt Trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa. Cầu vồng có rất nhiều màu sắc, trong đó có 7 màu nổi bật là đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Trên thực tế cầu vồng không phải là một vật thể xác định, mà là hình ảnh phản chiếu của ánh sáng Mặt Trời qua những giọt nước trong không khí, hiện tượng này còn được gọi là sự khúc xạ ánh sáng.

Các giọt nước có vai trò giống như một lăng kính. Khi ánh sáng Mặt Trời đi qua lăng kính, các tia sáng bị bẻ cong và sau đó bị phản xạ lại và đi ra ngoài giọt nước theo một góc 42 độ. Điều đó giải thích cho việc chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cầu vồng khi quay lưng lại với Mặt Trời và nhìn theo một góc 42 độ so với ánh sáng Mặt Trời.

Còn với hiện tượng cầu vồng đôi, cầu vồng phụ xuất hiện là do sự nhiễu xạ ánh sáng giúp chúng ta nhìn thấy được cả góc 52 độ so với ánh sáng Mặt Trời. Ở góc 52 độ này chúng ta có thể thấy sự khúc xạ ánh sáng ở bên trong của các giọt nước, trước khi ánh sáng phản xạ và đi ra bên ngoài. Chính vì thế mà cầu vồng phụ có các màu đảo ngược và mờ nhạt hơn. Hiện tượng này xảy ra khi chúng ta có thể nhìn thấy đồng thời hai góc 42 độ và 52 độ so với ánh sáng Mặt Trời. Thậm chí trên thực tế đã từng quan sát được cầu vồng 3 ở các góc độ khác nhau.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-ly-giai-ve-cau-vong-doi-o-hoi-an-169241014154757491.htm