Siêu bão Milton vừa tan, dự báo các cơn bão tiếp theo 'bùng nổ' thành siêu bão

Vừa qua, siêu bão Helene và siêu bão Milton tàn phá nhiều khu vực ở phía đông nam Mỹ đã mở đầu cho một giai đoạn bão nhiệt đới đặc biệt 'bận rộn'.

Dự báo các cơn bão tiếp theo "bùng nổ" thành siêu bão

Mùa bão Đại Tây Dương bắt đầu một cách đáng ngại. Vào ngày 2/7, bão Beryl đã trở thành siêu bão cấp 5 sớm nhất hình thành ở Đại Tây Dương theo các ghi chép từ năm 1920.

Đáng chú ý nhiệt độ Đại Tây Dương ấm bất thường - kết hợp với sự thay đổi trong các kiểu thời tiết khu vực - được cho là tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành bão.

Trên khắp vùng phát triển chính của bão - một khu vực trải dài từ bờ biển phía tây châu Phi đến Caribe - nhiệt độ bề mặt biển cao hơn khoảng 1 độ C so với mức trung bình 1991-2020, theo phân tích của BBC về dữ liệu từ Cơ quan Khí hậu Châu Âu.

Nhiệt độ Đại Tây Dương đã cao hơn trong thập kỷ qua, chủ yếu là do biến đổi khí hậu và mô hình thời tiết tự nhiên được gọi là Dao động đa thập kỷ Đại Tây Dương.

Bão Milton từ khi hình thành ở phía tây nam Vịnh Mexico rồi đổ bộ vào Florida (Mỹ) ngày 9/10/2024 với sức tàn phá khủng khiếp của siêu bão.

Bão Milton từ khi hình thành ở phía tây nam Vịnh Mexico rồi đổ bộ vào Florida (Mỹ) ngày 9/10/2024 với sức tàn phá khủng khiếp của siêu bão.

Bắt đầu từ siêu bão Helene, 6 cơn bão nhiệt đới Đại Tây Dương đã hình thành liên tiếp.

Được thúc đẩy bởi vùng nước rất ấm - và giờ đây là điều kiện khí quyển thuận lợi hơn, những cơn bão này mạnh lên, với 5 cơn trở thành bão cuồng phong.

Đáng nói, 4 trong số 5 cơn bão này đã trải qua cái gọi là "tăng cường nhanh", trong đó sức gió tối đa tăng ít nhất 56 km/h trong 24 giờ.

Dữ liệu lịch sử cho thấy trung bình chỉ có khoảng 1 trong 4 cơn bão tăng cường nhanh.

Tăng cường nhanh có thể đặc biệt nguy hiểm, vì sức gió tăng nhanh này có thể khiến cộng đồng có ít thời gian hơn để chuẩn bị.

Dù thế nào đi nữa, mùa bão Đại Tây Dương năm nay đã nêu bật thực trạng nước biển ấm do biến đổi khí hậu đang làm tăng khả năng xảy ra các siêu bão mạnh nhất và điều này dự kiến sẽ tiếp tục khi thế giới ấm lên hơn nữa, theo Kevin Trenberth, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ.

Mới đây nhất, bão Milton mạnh hơn 144 km/h trong 24 giờ và là một trong những cơn bão tăng cấp nhanh nhất từng được ghi nhận, theo phân tích dữ liệu của BBC từ Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC).

Báo Lao Động dẫn lời các nhà khoa học tại World Weather Attribution phát hiện ra rằng gió và mưa từ cả siêu bão Helene và siêu bão Milton đều trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.

"Một điều mà mùa bão này minh họa rõ ràng là tác động của biến đổi khí hậu đã hiện diện ngay bây giờ", Andra Garner từ Đại học Rowan ở Mỹ giải thích.

Về phần còn lại của mùa bão 2024 ở Đại Tây Dương (kéo dài từ 1/6 đến 30/11), nhiệt độ bề mặt biển cao vẫn thuận lợi cho các cơn bão tiếp theo tăng cấp thành siêu bão.

Bên cạnh đó cũng có khả năng La Nina xuất hiện ở Thái Bình Dương - hình thái thời tiết thường thúc đẩy sự hình thành bão Đại Tây Dương vì nó ảnh hưởng đến các kiểu gió.

Nhưng các cơn bão tiếp theo sẽ còn phụ thuộc vào các điều kiện khí quyển khác, vốn không dễ dự đoán.

Vì sao nói "kỷ nguyên siêu bão"?

Dự báo trong năm nay, liên tiếp các cảnh báo được đưa ra về việc nhiệt độ nước biển tăng cao do tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến các cơn bão trở nên tồi tệ hơn.

Đây là câu nói mà các nhà nghiên cứu dùng để cảnh báo về giai đoạn thế giới phải đối mặt với ngày càng nhiều trận bão dữ dội hơn. Khái niệm này lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 2012, sau khi bão Sandy - cơn bão Đại Tây Dương lớn nhất từng được ghi nhận - đã quét qua nước Mỹ, khiến 160 người thiệt mạng.

Nhận định đó nhanh chóng trở thành hiện thực khi "kỷ nguyên siêu bão" liên tục chứng kiến những hiện tượng bất thường.

Cụ thể vào tháng 9/2020, trên Đại Tây Dương xuất hiện 5 cơn bão nhiệt đới hoạt động cùng một lúc. Lần gần nhất hiện tượng tương tự được ghi nhận là từ năm 1971.

Năm 2023, lần đầu tiên bão cấp 5 trên thang bão 5 cấp đã đồng loạt hoành hành trên khắp 3 đại dương.

Tuy nhiên sang đến năm 2024 này, các siêu bão như Yagi và Milton đã liên tục phá vỡ kỷ lục khí tượng.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề bão với VTV, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho hay, các siêu bão chỉ là một trong loạt hiện tượng thời tiết cực đoan mà thế giới phải đối mặt trong năm nay. Năm nay chứng kiến hàng loạt những kỷ lục buồn về biến đổi khí hậu bị phá vỡ. Liên hợp quốc cảnh báo cuộc khủng hoảng về khí hậu đang dần chạm đến điểm "không thể quay đầu.

Những kỷ lục cực đoan về khí hậu liên tục được thiết lập. Hè năm 2024 là mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận trên hành tinh, và dự báo năm nay sẽ làm năm nóng nhất từ trước đến nay.

Nói về lý do vì sao các cơn bão ngày càng mạnh, bà Nadia Bloemendall, chuyên gia khí hậu cho biết: "Khả năng xảy ra bão nhiệt đới rất mạnh đang thay đổi theo biến đổi khí hậu. Những gì chúng tôi thấy là ở Tây Bắc Thái Bình Dương, khả năng xảy ra bão cường độ lớn có thể tăng gấp 5 đến 10 lần so với hiện tại".

Ngoài ra, theo Đài quan sát khí hậu châu Âu Copernicus, từ tháng 6 đến 8 vừa qua là giai đoạn nhiệt độ trung bình trên thế giới cao chưa từng có, vượt qua kỷ lục nhiệt độ cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm nay, nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất đều lập kỷ lục mới, kéo dài chuỗi 13 tháng phá kỷ lục liên tiếp kể từ năm 2023. 138 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận nhiệt độ nóng nhất từ trước đến nay.

Biến đổi khí hậu khiến bão mạnh hơn?

Yếu tố quan trọng trong việc hình thành các cơn bão nhiệt đới là luồng không khí nóng, ẩm. Điển hình tại các vùng biển nhiệt đới gần xích đạo với nước biển đủ ấm (thường cần ít nhất 27°C), nhiệt độ cao làm bốc hơi lượng lớn nước và tạo ra không khí nóng ẩm trên bề mặt đại dương.

Khi luồng không khí này bốc lên, nó mang theo năng lượng từ mặt biển vào khí quyển, để lại một khoảng không khí trống gần mặt biển và tạo ra khu vực áp suất thấp.

Không khí xung quanh bị hút vào khu vực áp suất thấp này. Sự chuyển động trên tạo ra luồng khí xoáy tròn quanh khu vực áp suất thấp.

Nếu các điều kiện thuận lợi được duy trì, bao gồm nhiệt độ mặt biển cao, cơn bão sẽ tiếp tục mạnh lên và có thể phát triển thành bão nhiệt đới.

Khi cơn bão di chuyển vào đất liền hoặc vùng nước lạnh hơn, nó mất nguồn năng lượng chính từ nước biển ấm. Điều này làm cho cơn bão suy yếu dần và cuối cùng tan rã.

Dẫn lời nhiều nhà khí tượng học, đài Euro News cho rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đại dương ấm lên, qua đó cung cấp thêm năng lượng để bão phát triển.

Bên cạnh đó, việc khí quyển ấm hơn cũng khiến độ ẩm tăng và lượng mưa nhiều hơn. Điều này khiến hiện tượng lụt lội trở nên phổ biến và nặng nề hơn.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sieu-bao-milton-vua-tan-du-bao-cac-con-bao-tiep-theo-bung-no-thanh-sieu-bao-204241014115512441.htm