Chuyên gia lý giải về việc xây cảng trên đảo Lý Sơn

Trước một số ý kiến của người dân trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi về việc lựa chọn vị trí xây dựng cảng Bến Đình liệu đã tốt nhất? Các yếu tố thủy văn có thực sự thuận lợi cho tàu ra vào cảng? Tàu có thể cập cảng mấy tháng/năm? Tiến sĩ Bùi Việt Đông - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ nhiệm đồ án thiết kế đã giải thích về vị trí đặt Cảng Bến Đình.

Trước một số ý kiến của người dân trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi về việc lựa chọn vị trí xây dựng cảng Bến Đình liệu đã tốt nhất? Các yếu tố thủy văn có thực sự thuận lợi cho tàu ra vào cảng? Tàu có thể cập cảng mấy tháng/năm? Tiến sĩ Bùi Việt Đông - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ nhiệm đồ án thiết kế đã giải thích về vị trí đặt Cảng Bến Đình.

Cầu cập Cảng Bến Đình, huyện đảo Lý Sơn.

Cầu cập Cảng Bến Đình, huyện đảo Lý Sơn.

Cảng Bến Đình được xây dựng ngay tại vùng lõm trên địa hình bờ biển kéo dài của huyện đảo Lý Sơn. Hơn 10 năm về trước khi Sở Giao thông Vận tải tiến hành thăm dò, khảo sát thực địa để tìm vị trí đặt cảng, khu vực này còn hoang sơ, chưa có tuyến đường ven biển cắt ngang, chưa có khách sạn nào được xây dựng trước khu vực cảng. Vị trí này thậm chí còn bị xem là nơi có địa thế xấu nhất trên đảo. Trước luồng ý kiến về vị trí đặt cảng, Tiến sĩ Bùi Việt Đông cho biết, dự án này được lập từ năm 2010, chúng tôi đã đề xuất, khảo sát, nghiên cứu 2 vị trí là Mũ Ông (phía Tây của đảo) và Rộc Lớn (vị trí xây dựng hiện nay).

Đối với vị trí Mũ Ông: Không có mặt bằng, san lấp mở rộng ra phía biển cũng rất hạn chế, luồng tàu hẹp, chỉ thích hợp cho tàu thuyền cỡ nhỏ; kết nối giao thông đường bộ không thuận tiện; kín sóng gió; thời gian khai thác cảng từ 9 đến 10 tháng/năm. Vị trí Rộc Lớn: Mặt bằng khu đất (phía trong đường ven đảo) rộng, đáp ứng yêu cầu tối thiểu để xây dựng kho bãi, nhà xưởng; cho phép mở rộng diện tích đất ra phía biển (do thềm bờ rộng, nông); vị trí trung tâm của đảo; kết nối giao thông thuận tiện.

Cảng Bến Đình ở huyện đảo Lý Sơn có tổng mức đầu tư hơn 256 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách trung ương là 100 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh phần còn lại. Công trình này do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Cảng có diện tích 8 ha (trên bờ và mặt nước), đường dẫn cầu tàu dài 240 m, nhà ga hành khách, kho bãi… Dự án được lập với mục tiêu đầu tư xây dựng: Là đầu mối giao thông vận tải, là cơ sở hạ tầng KT-XH của huyện đảo; trung tâm vận tải hàng hóa, hành khách và dịch vụ; cơ sở hạ tầng an ninh, quốc phòng, bảo vệ biển đảo; cầu nối giữa đất liền với đảo, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa.

Trước một số câu hỏi của người dân, lợi thế của Cảng Bến Đình hiện tại so với 2 cảng còn lại của đảo Lý Sơn? Đơn vị tư vấn giám sát cho biết, đây là nơi có mặt bằng khu đất rộng; cho phép mở rộng cảng trong tương lai; đáp ứng được mục tiêu phát triển lâu dài; và là vị trí trung tâm của đảo, thuận tiện cho kết nối giao thông; có điều kiện để cho tàu hàng trọng tải tới 1.000 tấn neo đậu, tàu khách loại 200 ghế; có đủ các hạng mục công trình gồm có: cầu cảng, nhà kho, bãi chứa hàng, nhà văn phòng, nhà dịch vụ cho hành khách, trạm xăng dầu và các công trình hạ tầng kỹ thuật…

Lý do tại sao không đặt cảng ở 2 vị trí của 2 cảng đã có sẵn, tiến sĩ Đông giải thích, cảng ở phía Tây của đảo có công năng là cảng cá, không có mặt bằng khu đất để đáp ứng được mục tiêu xây dựng. Cảng phía Đông đảo là khu cảng biên phòng, quân đội và âu tàu tránh trú bão, không cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng KTXH được. Trả lời câu hỏi về “hạn chế lớn nhất là thời gian khai thác cảng hiệu quả chỉ dao động từ tháng 10 đến tháng 3-4 năm sau?”, tiến sĩ Đông giãi bày, dự án đã được đánh giá và trình bày tại nhiều hội nghị; đã thăm dò ý kiến người dân (nhất là các ngư dân, các vị cao niên tại đảo) trước khi quyết định chọn vị trí.

Theo tiến sĩ Đông, đơn vị đã điều tra các yếu tố thủy hải văn trên mô hình toán (bằng phần mềm MIKE-21). Kết quả cho thấy tại vị trí xây dựng cảng chịu tác động chủ yếu của sóng hướng Đông Nam vào các tháng mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 9) với chiều cao từ 0,6m đến 0,9m tại khu vực nước sâu; khi lan truyền vào trong thì sóng có chiều cao từ 0,5m đến 0,7m; đây là hướng sóng có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cảng. Tại thời điểm này (tháng 7-2020), cảng chịu tác động của hướng sóng này, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau thì cảng hầu như không chịu tác động của sóng.

Để hạn chế nhược điểm này, tiến sĩ Đông giải thích, cần tiếp tục xây dựng đê chắn sóng cho cảng. Hiện tại thì thời gian khai thác chỉ từ 7 đến 8 tháng/năm. Nhưng nếu được đầu tư xây dựng đê chắn sóng thì sẽ đáp ứng được tất cả các yêu cầu đặt ra. Nhìn chung là các cảng ở đảo thì mức khai thác chỉ đạt từ 60% đến 70%, thậm chí là 50%/năm. Muốn tăng thời gian khai thác thì phải đầu tư xây dựng đê chắn sóng cho cảng, biến cảng hở thành cảng kín.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_228500_chuyen-gia-ly-giai-ve-viec-xay-cang-tren-dao-ly-son.aspx