Chuyên gia MSVN khuyến nghị 5 cổ phiếu trọng điểm tháng 9
Thông tin room tín dụng cho các ngân hàng thương mại, bất động sản kỳ vọng ở Nghị định 153 có thể giải quyết nút thắt về vốn, bán lẻ hồi phục và dầu khí hưởng lợi từ dự án Lô B Ô Môn là những luận điểm để Maybank Investment bank (MSVN) đưa ra khuyến nghị cho 5 cổ phiếu trọng điểm tháng 9.
Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bản đồ nhiệt lạm phát toàn cầu, khi chỉ số CPI chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8/2022, chủ yếu là nhờ giá xăng dầu trong nước giảm nhiệt. Bộ Tài chính gần đây đã ước tính lạm phát trung bình năm 2022 có thể ở dưới ngưỡng 4,0% của NHNN, theo MSVN, đây là yếu tố quan trọng để NHNN công bố hạn ngạch tín dụng mới cho các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, điều chỉnh cuối của Nghị định 153 (do Bộ Tài chính soạn thảo) ít cứng nhắc hơn so với các phiên bản trước đó, hỗ trợ nhiều hơn cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Mặc dù chứng khoán khó xác định một cá nhân có phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không, nhưng MSVN thấy không có sự thắt chặt đáng kể nào về tính đủ điều kiện của các tổ chức phát hành. Nếu đây là lần sửa đổi cuối cùng, MSVN kỳ vọng điểm nghẽn của kênh dẫn vốn quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng sẽ được giải quyết. Điều này cũng giải tỏa lo ngại của các nhà đầu tư chứng khoán về việc siết chặt thị trường vốn kéo dài đã gây ra sự suy giảm thanh khoản trên thị trường niêm yết từ tháng 4 - 5/2022.
Hai sự kiện này sẽ giải tỏa những nút thắt về vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành bất động sản, xóa bỏ lo ngại về nợ xấu tiềm ẩn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Về thanh khoản thị trường chứng khoán, có thể cải thiện 10-15% lên 16.000-17.000 tỷ đồng so với mức 14.000 tỷ đồng trong tháng 8/2022 nhờ rút ngắn thời hạn tất toán cổ phiếu từ T+3 xuống T+2,5 và giao dịch lô lẻ bắt đầu từ ngày 12/09/2022. Thanh khoản này có thể hỗ trợ cho chỉ số VN-Index duy trì ở mức 1.300 điểm theo phương pháp thống kê của MSVN.
Điều này chưa tính đến khả năng cho vay ký quỹ có sẵn của các công ty chứng khoán trong nước. Vào cuối tháng 6/2022, tổng dư nợ cho vay ký quỹ chính thức là 153 nghìn tỷ đồng, giảm 23% so với mức đỉnh 200 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 3 ngay trước khi thị trường vốn bị siết chặt. MSVN ước tính con số ký quỹ hiện tại không thay đổi nhiều do các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước đã bán ròng trong hai tháng qua.
Do đó, trước bối cảnh dữ liệu vĩ mô khả quan trong tháng 8/2022 và có thể trong những tháng còn lại, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục phục hồi vào cuối năm, nhờ xúc tác bởi room ký quỹ dồi dào sẵn có tại các công ty chứng khoán (khoảng 50 nghìn tỷ).
Đặt trong bối cảnh trên, MSVN đưa ra khuyến nghị tiêu điểm tháng 9 với 5 cổ phiếu gồm VCB, VPB, NLG, MWG và PVD.
Cụ thể, với room tín dụng mới sắp tới cho các ngân hàng thương mại, các ngân hàng tiếp tục được MSVN khuyến nghị trong tháng này, cụ thể là VCB với mục tiêu 115.000 đồng/CP và VPB với mục tiêu 50.000 đồng/CP cho tháng 9/2022, vì hai ngân hàng này có thể nhận được hạn ngạch cao nhất trong hệ thống.
MSVN cũng thích NLG (bất động sản) nhờ sửa đổi nghị định 153 sắp tới để giải quyết nút thắt về vốn cho bất động sản.
Trong khi đó, MWG (bán lẻ) có thể ghi nhận sự phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ trong những tháng tới sau khi hoàn thành tái cơ cấu. Đáng chú ý, thương vụ bán cổ phần chiến lược của Bách hóa Xanh có vẻ như là đang theo đúng kế hoạch, dự kiến sẽ được thực hiện trong quý I/2023 và do đó tiếp tục là chất xúc tác định giá lại cho MWG.
Và PVD (năng lượng) đang có nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư lớn nhờ hồi sinh dự án khí khổng lồ Lô B Ô Môn. Theo MSVN, hiện sự phục hồi mạnh mẽ trong hiệu suất sử dụng giàn tự nâng của khu vực lên 90%, ngang mức 2014-2015. Trong khi giá thuê ngày cũng tăng mạnh, tuy nhiên vẫn ở mức 60% của năm 2014-2015.