Chuyên gia Mỹ: Nga có nhiều đầu đạn chiến thuật nhất
Chuyên gia quân sự hàng đầu của Mỹ là Mark Episkopos vừa có bài viết nói về sức mạnh kho hạt nhân chiến thuật Nga so với Mỹ và các đối thủ.
Theo ông Mark Episkopos, hầu hết các nguồn tin từ trước đến nay đều cho rằng, Nga đang sở hữu từ 3.000 đến 6.000 đầu đạn hạt nhân - ít hơn thời Liên xô. Tuy nhiên thực tế không phải vậy, bởi hiện tại Moscow đang có nhiều đầu đạn hạt nhân chiến thuật nhất thế giới.
Đầu đạn chiến thuật có thể được sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng, căn cứ chiến lược hay trung tâm chỉ huy của đối phương. Hiện nay hầu hết các cường quốc quân sự trên thế giới đều sở hữu loại đầu đạn này nhưng số lượng không rõ ràng.
Episkopos cho rằng, tại Nga, loại đầu đạn này được trang bị nhiều nhất cho lực lượng Hải quân khi chúng có thể được tích hợp lên tên lửa hành trình tầm xa Kalibr - loại tên lửa này được trang bị cho hầu hết các chiến hạm và tàu ngầm Nga.
Trong Không quân, đầu đạn chiến thuật có thể được tích hợp vào tên lửa siêu thanh Dagger - vũ khí được trang bị trên tiêm kích MiG-31, máy bay Tu-22M3M, Tu-160M2. Ngoài ra, tên lửa hành trình Kh-101 của đội bay tầm xa Nga cũng có thể mang theo đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Trong khi đó, lực lượng hạt nhân chiến thuật mặt đất của nga chủ yếu là tên lửa Iskander-M - dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật khó đánh chặn hàng đầu thế giới hiện nay bởi nó có thể vượt qua hầu hết các hệ thống phòng thủ.
"Nga có số lượng lớn nhất đạn hạt nhân chiến thuật với nhiều thể loại khác nhau. Chúng được phóng từ trên không, trên biển, trên đất liền. Hầu hết những hệ thống vũ khí này đều có khả năng kép. Chúng vừa là vũ khí hạt nhân những cũng là những vũ khí không thường. Nga có các ngư lôi phóng từ tàu ngầm và tàu mặt nước, có tên lửa đất đối không và họ đều có các đầu đạn hạt nhân cho chúng", ông Mark Episkopos nói.
Theo Giáo sư Vadim Kozyulin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga: "Sự khác biệt chính giữa các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược nằm ở chỗ, vũ khí hạt nhân chiến thuật không bị chi phối bởi bất cứ hiệp ước quốc tế nào".
Các cường quốc trên thế giới vẫn chưa thể đạt được 1 thỏa thuận về vấn đề này, Điểm mấu chốt nằm ở việc quyết định mức độ đe dọa cao đến mức nào mới có thể triển khai vũ khí hạt nhân công suất thấp trong một cuộc xung đột.
Vị chuyên gia này cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến Mỹ đang hiện đại hóa tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk – loại tên lửa có thể được sử dụng để mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Mối đe dọa đối với Nga nằm ở chỗ các đầu đạn hạt nhân này được đặt tại căn cứ mới của Mỹ ở thị trấn Redzikowo, miền bắc Ba Lan, nơi Mỹ thiết lập tổ hợp phòng thủ tên lửa.
Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét các lựa chọn trong trường hợp mối đe dọa gia tăng từ các cuộc tấn công, bằng cách sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật Iskander-M.
"Quân đội Nga cũng có thể cải tiến tên lửa hành trình trên biển Kalibr và tên lửa phòng không Kinzhal để sử dụng các đầu đạn hạt nhân tương tự. Chúng tôi đang quan sát tình hình để thực hiện động thái tiếp theo. Chúng tôi đủ khả năng làm điều đó", ông Kozyulin nói.
Giới quân sự Mỹ cho rằng, kịch bản quân đội Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong một cuộc xung đột tại châu Âu sẽ buộc Mỹ phải lựa chọn hoặc đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chiến lược có sức hủy diệt lớn hơn hoặc đáp trả bằng các hành động quân sự phi hạt nhân.
Quân đội Mỹ mới đây đã phát triển đầu đạn hạt nhân công suất thấp W76-2, sử dụng cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. W76-2 là một đầu đạn nhiệt hạch được cải biến từ đầu đạn W-76, có đương lượng nổ thấp chỉ hơn 5 kiloton (5.000 tấn TNT), được sử dụng để trang bị cho tên lửa Trident II.
Trước đó, Mỹ đã sở hữu bom hạt nhân chiến thuật B61-12 nhưng vũ khí này được cho là yếu hơn so với vũ khí phóng từ tàu ngầm.