Chuyên gia: Mỹ-Trung nên 'bắt tay' hỗ trợ thế giới chống COVID-19
Theo các chuyên gia, Trung Quốc và Mỹ nên đứng lên bảo vệ các quốc gia khác và dẫn đầu cuộc chiến chống lại khủng hoảng COVID-19.
Theo IMF, các nước phát triển đang dành tới 20% GDP để vượt qua khủng hoảng dịch bệnh, trong khi các nước đang phát triển chỉ có thể dành không quá 5% GDP.
Báo cáo của IMF cho biết 45 quốc gia thu nhập thấp đã nộp đơn xin hỗ trợ tài chính khẩn cấp để chống lại đại dịch. CNBC dẫn lời các chuyên gia cho biết, cuộc khủng hoảng hiện nay đã tấn công gần như tất cả các quốc gia, vì đại dịch nguy hiểm không chừa một ai.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia có khả năng khác nhau trong việc chống lại cuộc khủng hoảng.
Các quốc gia cần giúp đỡ nhau
Theo Raghuram Rajan, giáo sư Trường Kinh doanh Đại học Chicago, các nước phát triển có nhiều cơ hội tài chính hơn. Họ đã phân bổ đến 20% GDP cho các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Các nước đang phát triển không thể khả năng này. Mức chi tốt hiện nay ở các quốc gia này chỉ có thể phân bổ 5% GDP. Còn mức chi cho các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế của họ không vượt quá 1% GDP.
Giáo sư Rajan cảnh báo rằng các quốc gia giàu mạnh chưa quan tâm đúng mức đến các nền kinh tế mới nổi. Với nguồn lực tài chính hạn chế, họ có thể không thể tự mình đối phó được với tình hình hiện tại. Nhiều quốc gia có nguy cơ tăng nợ sau dịch bệnh, điều này tạo ra một mối đe dọa khác đến sự ổn định tài chính trong tương lai.
Thống kê của IMF xác nhận những lo ngại về mức gia tăng nợ không kiểm soát được ở các nước đang phát triển. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 6, 45 quốc gia đã nộp đơn xin IMF hỗ trợ tài chính khẩn cấp. Theo tính toán của IMF, mức nợ công của các quốc gia này trong năm tài khóa 2020-2021 sẽ lên tới 48% GDP. Đồng thời, theo nhiều nghiên cứu kinh tế, khi mức nợ công đạt 60% GDP, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm giảm 2%.
Bộ trưởng cấp cao của Singapore Tharman Shanmugaratnam nói rằng phần lớn tăng trưởng GDP của thế giới - khoảng hai phần ba tăng trưởng toàn cầu - đến từ các nước đang phát triển. Theo ông, thế giới đang đối mặt với một mối đe dọa thực sự khi các quốc gia này đang chuyển từ phát triển sang suy thoái. Trong trường hợp này, tăng trưởng kinh tế toàn thế giới sẽ gặp nhiều nguy cơ.
Vai trò của Mỹ và Trung Quốc
Trong trường hợp này, Giáo sư Rajan tin rằng Mỹ và Trung Quốc nên bắt đầu đóng vai trò xây dựng và lãnh đạo trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển vì lợi ích chung. Ông tin rằng sẽ không thể giải quyết các vấn đề tăng trưởng toàn cầu mà không cần sự giúp đỡ từ các cường quốc này.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều có tác động lớn đến nền kinh tế và sự phát triển của phần còn lại của thế giới. Do đó, tình hình ở các quốc gia khác trực tiếp phụ thuộc vào mối quan hệ của họ.
Jiang Yuechun, giám đốc Sở Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển Thế giới tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho biết, hợp tác Mỹ - Trung sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Nhưng thật không may, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đi xuống.
"Trung Quốc và Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Hợp tác giữa hai bên sẽ góp phần vào sự thịnh vượng và ổn định kinh tế trên thế giới. Ngược lại, cạnh tranh giữa hai nước chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn cầu".
Chuyên gia này cho rằng: "Trong bối cảnh hiện tại, có thể là về kinh tế, chính trị hoặc chiến đấu chống lại dịch bệnh, Mỹ đang có một cách tiếp cận cực kỳ tiêu cực đối với Trung Quốc. Tôi tin rằng lập trường như vậy của Mỹ chỉ làm cho tình hình toàn cầu trở nên khó khăn hơn" .
Các chuyên gia của tờ CNBC trông cậy vào cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ. Họ tin rằng tháng 11 sẽ là một bước ngoặt khi hai quốc gia sẽ lại có thể thiết lập một cuộc đối thoại.
Tuy nhiên, sự đồng thuận lưỡng đảng ở Mỹ về việc cần thiết phải có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu việc cải tổ ở Washington có thể đưa quan hệ hai nước ra khỏi xu hướng tiêu cực hay không.