Chuyên gia nêu giải pháp cho bài toán 'hiệu ứng chèn lấn' của TPHCM

Đây là một trong các khuyến nghị nằm trong Báo cáo kinh tế vĩ mô TPHCM quý IV-2023 do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện.

Ảnh minh họa

Tại báo cáo này, nhóm nghiên cứu cho biết, trong bối cảnh thu ngân sách hạn chế tại TPHCM và nhu cầu tăng nhanh huy động vốn cho các dự án đầu tư công, có thể tiềm ẩn “hiệu ứng chèn lấn” làm xáo trộn nhất định trên thị trường vốn, tạo thêm nhiều áp lực cho việc duy trì lãi suất thấp hiện nay trong thời gian tới.

Lý thuyết kinh tế và các nghiên cứu của Thorbecke (1993) cũng như Quayes và Jamal (2007) đã chứng minh rằng áp lực thâm hụt ngân sách, kết hợp với tăng nhanh huy động vốn đầu tư công, có thể gây ra “hiệu ứng chèn lấn” trên thị trường vốn, đầu tư công "lấn át" đầu tư tư nhân, gây áp lực tăng lãi suất trên thị trường vốn và có thể làm sai lệch mục tiêu của chính sách tiền tệ.

“Hiệu ứng chèn lấn” còn tác động tiêu cực đến khả năng đạt được mục tiêu vĩ mô. Thậm chí dẫn đến những kết quả không mong muốn trong việc vận hành các công cụ CSTT. Trong trường hợp xấu nhất, có thể xảy ra cú sốc lãi suất và hạn chế đầu tư từ khu vực tư nhân.

Theo Nhóm nghiên cứu, từ kinh nghiệm của Trung Quốc, mối quan ngại về "hiệu ứng chèn lấn" tương tự có thể diễn ra tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trong tương lai gần. Tại Trung Quốc, theo nghiên cứu của Zhang et al. (2022), trong giai đoạn 2006-2018 hiệu ứng này đã không chỉ làm giảm quy mô vốn mà khu vực doanh nghiệp tiếp cận được mà còn tạo áp lực tăng giá vốn, lãi suất tăng trên thị trường vốn. Bài học từ Trung Quốc cung cấp cái nhìn sâu sắc về nguy cơ tương tự có thể xảy ra ở Việt Nam, cần thận trọng đánh giá.

Từ đó, Nhóm nghiên cứu đưa ra 3 khuyến nghị cho vấn đề này. Một là, cần thiết kế các chính sách huy động vốn đầu tư công một cách cẩn thận, đặc biệt là tính toán ảnh hưởng của hiệu ứng "chèn lấn". Hai là, trung hòa hiệu ứng “chèn lấn” bằng các hợp tác công tư để cân đối nguồn lực tài chính và giảm bớt áp lực lên thị trường vốn. Ba là, phân bổ hợp lý và cân đối về huy động vốn trung và dài hạn từ nguồn trong nước và quốc tế để đảm bảo sự phát triển của 2 khu vực công tư và giảm sốc cho hệ thống tài chính.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, nếu thiết kế hợp lý, "hiệu ứng chèn lấn" có thể bão hòa và thậm chí kích thích "hiệu ứng hấp dẫn” Crowding in, trong đó hoạt động của chính quyền và khu vực công sẽ thúc đẩy, thu hút thêm nguồn lực cùng đầu tư từ khu vực tư.

Báo cáo cũng cho biết, Nghị Quyết 98/2023/QH15 định vị lại vai trò “đầu tàu” của TPHCM, định hình vùng phát triển hợp nhất TPHCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh và cần kiên định phát triển và hợp tác theo tầm nhìn này, cùng tạo nên vùng kinh tế hợp nhất và tương hỗ.

Đồng thời, Nghị quyết 98/2023/QH15 mở ra cơ hội mới để tháo gỡ các vướng mắc lịch sử, đặc biệt vấn đề phá băng một bộ phận Tài sản công. Theo đó, đẩy mạnh nghiên cứu thiết lập cơ sở pháp lý kỹ lưỡng mới có thể chuyển hóa cơ chế thành các hành động cụ thể và tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả “lựa chọn công” thông qua các phân tích “lợi ích - chi phí kinh tế” kết hợp phân tích “hiệu lực pháp lý” cho từng dự án, phương án cụ thể.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô TPHCM quý IV-2023 là một trong các sản phẩm chính được thực hiện theo thỏa thuận hợp tác giữa UBND TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM, theo Kế hoạch số 3496/KH-UBND ngày 28-9-2022 của UBND TPHCM về việc triển khai thực hiện chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025. Đây là một sản phẩm nghiên cứu độc lập do Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện.

Yên Lam

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/chuyen-gia-neu-giai-phap-cho-bai-toan-hieu-ung-chen-lan-cua-tphcm-post110993.html