Chuyên gia nêu loạt thách thức của dược phẩm Việt thời hội nhập

Thị trường Nhật Bản chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu dược phẩm hàng năm của Việt Nam nhưng phần lớn giá trị xuất khẩu tới từ các nhà máy có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản

"Ngành công nghiệp dược của nước ta có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm qua với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 7,3%. Tuy nhiên, công nghiệp dược Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức và khó khăn trong bối cảnh ngày càng hội nhập với thế giới".

PGS-TS Lê Văn Truyền, Chuyên gia cao cấp dược học của Bộ Y tế. Ảnh: Thanh Hà

PGS-TS Lê Văn Truyền, Chuyên gia cao cấp dược học của Bộ Y tế. Ảnh: Thanh Hà

PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học của Bộ Y tế, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhấn mạnh như vậy tại tọa đàm "Công nghiệp dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hóa" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp Newtechco Group, tổ chức tối 31-7, tại Hà Nội.

Đánh giá về ngành công nghiệp dược trong nước, PGS Truyền cho biết cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ ngành dược còn thấp. Hiện chỉ có 17/250 nhà máy đạt GMP tiên tiến. Hơn 200 nhà máy đạt WHO GMP - thực hành sản xuất thuốc tốt theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới nhưng không có nhà máy nào được WHO tiền thẩm định.

"Tiền thẩm định có ý nghĩa quan trọng, thuốc Việt có cơ hội đấu thầu, cung ứng thuốc cho các chương trình của WHO trên toàn thế giới, ví dụ như thuốc HIV, thuốc sốt rét"- PGS Truyền nhấn mạnh.

Ông cho biết thị trường Nhật Bản chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu dược phẩm hàng năm của Việt Nam nhưng phần lớn trong giá trị dược phẩm xuất khẩu sang thị trường này tới từ các nhà máy có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản. Họ sản xuất dược phẩm ở Việt Nam và đem về Nhật Bản.

PGS Truyền dự báo sự thay đổi cấu trúc thị trường dược phẩm từ thuốc hóa dược sang thuốc sinh học, sinh học tương tự sẽ diễn ra rất mạnh mẽ trong thời gian tới. Do già hóa dân số và chuyển đổi mô hình bệnh tật, các thuốc này sẽ chiếm khoảng 40% thị trường dược phẩm toàn cầu và Đông Nam Á.

Vì thế, trong hành trình tham gia toàn cầu hóa của ngành công nghiệp dược Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược để xây dựng và phát triển nhà máy mới, đặc biệt các nhà máy sản xuất thuốc sinh học, sinh học tương tự.

Bà Võ Thị Tuấn Anh, Chủ tịch Tập đoàn Newtechco Group cho biết nhiều hãng dược hàng đầu rất muốn chuyển giao phát minh mới về Việt Nam nhưng cần một khu công nghiệp dược – sinh học và các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn.

Hiện tập đoàn này đã dành nguồn lực tài chính và mời gọi nhà đầu tư quốc tế, chuyên gia công nghệ tham gia đầu tư vào dự án khu công nghiệp dược – sinh học tại tỉnh Thái Bình. Đây là khu công nghiệp quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến năm 2025 có thể khởi công và xúc tiến đầu tư.

Gần 90% nguyên liệu sản xuất thuốc ở Việt Nam phải nhập khẩu. Ảnh minh họa

Gần 90% nguyên liệu sản xuất thuốc ở Việt Nam phải nhập khẩu. Ảnh minh họa

Bà Trần Thị Thư, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam, cho rằng Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rất rõ về quan điểm, mục tiêu và lộ trình phát triển ngành công nghiệp dược. Doanh nghiệp cần tận dụng nội lực để vươn lên.

Bà cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất sản phẩm chủ lực, tránh trùng lặp với doanh nghiệp khác có thế mạnh và dây chuyền sản xuất hiện đại hơn. Doanh nghiệp mới thành lập/doanh nghiệp EU – GMP có thể hướng tới phân khúc thị trường ETC (thuốc phân phối vào bệnh viện), với sản phẩm thuốc chuyên khoa, thuốc đặc trị, biệt dược gốc, vắc-xin, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng ngành dược lớn nhất thế giới với tổng giá trị thị trường đạt 2,7 tỉ USD trong năm và tăng lên hơn 7 tỉ USD vào năm 2023; dự báo đạt hơn 10 tỉ USD vào năm 2026. Dù vậy, thuốc sản xuất trong nước hiện chưa đến 50% tổng giá trị tiền thuốc được tiêu thụ; gần 90% nguyên liệu sản xuất thuốc là nhập khẩu.

Theo chiến lược quốc gia, ngành dược Việt Nam được đầu tư phát triển ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc với mức chi phí hợp lý; Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới; hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của Đông Nam Á...

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-gia-neu-loat-thach-thuc-cua-duoc-pham-viet-thoi-hoi-nhap-196240801012416252.htm