Vào hôm 1/7, tiêm kích Israel lại thực hiện một vụ tấn công vào nhà kho chứa vũ khí của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ngay tại ngoại ô thủ đô Damascus của Syria.
Đáng nói hơn địa điểm bị oanh kích cách Masyaf - nơi quân đội chính phủ Syria (SAA) triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 có vài chục km, tức là nằm trọn vẹn trong ô che phủ của S-300.
Vậy nhưng phản ứng của S-300 vẫn như mọi khi, tức là hoàn toàn im hơi lặng tiếng, chẳng có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy S-300 đã được kích hoạt, kể cả tín hiệu của radar cảnh giới.
Hơn thế nữa, cách vụ tấn công có đúng 1 ngày, vệ tinh Israel đã ghi nhận được tình trạng trực sẵn sàng chiến đấu của S-300 tại Masyaf, khi cả 4 bệ phóng của tổ hợp đều đã được dựng lên.
Sự im lặng cực kỳ khó hiểu của S-300 Syria hết lần này đến lần khác khiến cho giới quan sát tình hình khu vực khó mà tin được vào lời giải thích rằng S-300 "chưa thích bắn".
Thậm chí ngay cả "người nhà" là hãng tin Avia.pro của Nga cũng phải bình luận rằng các hệ thống phòng không S-300 của Syria đã thể hiện sự kém hiệu quả trong cuộc tấn công của không quân Israel.
Sự kém hiệu quả của hệ thống S-300 thể hiện rõ nhất trước thực tế là chúng hiện được xem là tổ hợp phòng không tầm xa nhất trong quân đội của ông Assad, hãng tin Nga bình luận.
Các chuyên gia giấu tên của Avia.pro nhấn mạnh sự thật rằng Israel đã sử dụng tên lửa tầm xa trong cuộc tấn công của mình. Những tên lửa này được bắn từ bên ngoài phạm vi ngắm mục tiêu hiệu quả của hệ thống S-300.
Tuy rằng radar của S-300 được quảng cáo có tầm trinh sát 300 km và đạn đánh chặn tầm xa 48N6E3 có cự ly tối đa tới 250 km nhưng các con số trên chỉ là lý thuyết.
Tầm bắn hiệu quả của các loại đạn đánh chặn trang bị cho S-300 bị nhận xét rằng chỉ đạt tới con số thực tế vài chục km, tức là tương đương một hệ thống phòng không tầm trung.
Ngoài ra nếu tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu của Israel thực hiện hạ độ cao và lợi dụng địa hình địa vật để xâm nhập trận địa thì nó sẽ lọt vào "vùng mù" của S-300.
Đến S-300 đạt hiệu quả tác chiến cao hơn, các nhà phân tích tin rằng lực lượng phòng không Syria phải mang bệ phóng S-300 triển khai ra sát bờ biển Địa Trung Hải.
Nhưng điều đó chắc chắn khiến chính các hệ thống S-300 gặp phải nguy hiểm vì chúng sẽ bị phơi mình trước các phương tiện tấn công và trinh sát của không quân Israel.
Thậm chí không loại trừ khả năng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tối tân này còn bị biệt kích Israel tổ chức đánh chiếm rồi mang về Tel Aviv như cách họ từng làm với đài radar P-12 của Ai Cập trong quá khứ.
Rõ ràng quân đội Syria vẫn đang phải loay hoay tìm cách chống đỡ trước các đợt oanh kích của không quân Israel, S-300 chưa thể được coi là vũ khí thay đổi cuộc chơi như kỳ vọng trước đó của Damascus.
Bạch Dương