Chuyên gia Nga đánh giá về tác động của cuộc xung đột tại Ukraine
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng cũng mang lại một số lợi ích cho Mỹ, Trung Quốc.
Ivan Timofeev, Giám đốc Chương trình Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, Giám đốc Chương trình Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), ngày 16/3 nhận định trên trang web của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai (valdaiclub.com) rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ gây ra những hậu quả toàn cầu. Đối với một số bên, cuộc xung đột gây ra tổn thất ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, đối với nhiều nước, điều đó sẽ tạo cơ hội để họ gia tăng ảnh hưởng về lâu dài.
Theo ông Timofeev, chiến dịch quân sự ở Ukraine đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa tổn thất và lợi ích của các bên tham gia chính, cũng như các bên liên quan toàn cầu. Sự cân bằng như vậy vẫn chưa thể đánh giá đối với Nga và Ukraine vì cuộc xung đột vẫn tiếp diễn và hai bên chưa đạt được một thỏa thuận chính trị, trong khi tổn thất đã rất lớn, cả về tính mạng con người và nền kinh tế.
Nhưng đối với các tác nhân toàn cầu và khu vực - EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Iran và các nước khác, tổn thất và lợi ích có thể được xác định rõ ràng hơn.
Với EU, khối này chịu tổn thất nghiêm trọng. Điều này liên quan đến sự rạn nứt nhiều mối quan hệ thương mại và kinh tế với Nga. Thách thức chính là việc thay thế dầu, khí đốt, kim loại và một số mặt hàng khác của Nga trên thị trường châu Âu. Trong vài năm tới, nó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của EU và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu.
EU cũng chịu gánh nặng lớn nhất trong việc đối phó với dòng người sơ tán khỏi Ukraine, vốn đã lên đến hàng triệu người. Kết quả là, chi tiêu xã hội ở nhiều nước EU sẽ tăng lên. Tuy nhiên, trong vấn đề này, EU cũng được hưởng lợi trong trung hạn. Các nước EU, đặc biệt là Đức, đã có nhiều kinh nghiệm về lao động nhập cư. Người di cư Ukraine có văn hóa gần gũi với hầu hết các nước EU, trái ngược với làn sóng di cư từ các nước Trung Đông-Bắc Phi trước đây. Họ được giáo dục tốt hơn, ít có xu hướng hình thành cộng đồng sống khép kín, thích nghi và hòa nhập nhanh hơn.
Với Mỹ, Washington dường như chịu tổn thất ít hơn đáng kể so với EU, mặc dù việc từ chối nhập khẩu dầu của Nga có thể dẫn đến khó khăn cục bộ và tăng giá nhiên liệu. Các vấn đề chính của Washington nằm ở lĩnh vực khác. Sự leo thang đối đầu với Nga có thể làm chệch hướng sự chú ý khỏi mặt trận châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ sẽ phải tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu, đồng nghĩa với việc giảm sút nguồn lực nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mỹ cũng lo ngại về viễn cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang thành chiến tranh giữa NATO và Nga. Điều này tiềm ẩn nguy cơ leo thang hạt nhân. Do đó, Washington sẽ phải vừa kiềm chế Moskva, nhưng đồng thời giữ những ranh giới nhất định, nhằm tránh leo thang vượt tầm kiểm soát.
Trong các lĩnh vực khác, Mỹ có khả năng giành được nhiều lợi ích hơn. Căng thẳng mới với Nga sẽ giúp tăng cường đáng kể đoàn kết nội bộ của NATO và thúc đẩy sự đóng góp đáng kể của các nước châu Âu vào an ninh chung. Ngoài ra, việc mở rộng NATO hơn nữa là hoàn toàn có thể. Những người ủng hộ gia nhập NATO ở Thụy Điển và Phần Lan đã tăng lên đáng kể. Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ đồng nghĩa với việc sức mạnh của Liên minh này sẽ tăng lên trên toàn bộ biên giới Tây Bắc của Nga.
Trong lĩnh vực năng lượng, Mỹ cũng hưởng lợi lớn. Tương lai gần, Washington sẽ chiếm lĩnh một phần đáng kể thị trường châu Âu. Ngoài ra, Mỹ sẽ dễ dàng loại Nga khỏi thị trường vũ khí thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vẫn là những khách hàng lớn, nhưng việc cạnh tranh ở các thị trường khác sẽ khó khăn hơn đối với Moskva do sự phản đối mạnh mẽ hơn của Mỹ.
Ở trong nước, Mỹ đã tích tụ một loạt các vấn đề nội bộ. Yếu tố Nga một lần nữa có thể củng cố phần nào sự thống nhất và gắn kết trong Quốc hội và xã hội Mỹ. Tuy nhiên, tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với cuộc bầu cử năm 2024 tại Mỹ vẫn chưa rõ ràng.
Với Trung Quốc, không giống như EU và Mỹ, tổn thất hiện tại đối với Bắc Kinh là ở mức thấp nhất. Áp lực quân sự và chính trị từ Mỹ đối với Trung Quốc sẽ giảm. Với các biện pháp trừng phạt chống Nga quy mô lớn, Trung Quốc có thể lấp khoảng trống một phần đáng kể thị trường Nga. Trung Quốc sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn năng lượng của Nga với giá cả thấp hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, có thể có những khó khăn về cơ sở hạ tầng để cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang trở thành đối tác tài chính quan trọng nhất của Nga, và quan hệ đối tác bất đối xứng như vậy sẽ có lợi cho Trung Quốc. Dựa trên các lệnh trừng phạt chống Nga, Trung Quốc cũng sẽ rút ra những bài học quan trọng để cải thiện an ninh kinh tế của chính mình trong trường hợp rơi vào hoàn cảnh tương tự với phương Tây.
Đối với Nhật Bản, viễn cảnh về một hiệp ước hòa bình với Nga đang trở nên mơ hồ hơn. Kể từ năm 2014, Tokyo đã theo đuổi một chính sách cân bằng và thực dụng, áp đặt các biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng, nhưng vẫn duy trì hợp tác với Nga. Sau ngày 24/2 vừa qua, xu hướng này chuyển sang sự đoàn kết và thống nhất với các hành động của Mỹ và EU.
Nhật Bản cũng bị thiệt hại do mất thị trường Nga và nguồn nguyên liệu thay thế của Moskva. Tuy nhiên, vấn đề này không quan trọng đối với Tokyo. Điều quan trọng nhất là mối quan hệ với Nga trầm trọng hơn, như trong trường hợp với Đức, sẽ trở thành động lực đáng kể cho việc sửa đổi luật liên quan đến sử dụng lực lượng vũ trang. Nhật Bản sẽ tự tin hơn trên con đường giành lại vị thế của một cường quốc chính trị-quân sự. Giải pháp cho vấn đề "lãnh thổ phía Bắc" của Nhật Ban cũng sẽ ngày càng được xem xét trên phương diện quân sự.
Với Venezuela và Iran, những nước bị Mỹ áp đặt các trừng phạt nặng nề, cũng được hưởng lợi từ cuộc xung đột tại Ukraine. Washington rất có thể sẽ giảm áp lực trừng phạt để bù đắp những thiệt hại trên thị trường do lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Đối với Venezuela, việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt về mặt chính trị dễ dàng hơn so với Iran. Dầu nặng của Venezuela có thể sẽ thay thế dầu Nga trên thị trường Mỹ. Trong trường hợp này, Venezuela sẽ tăng thu nhập ngoại hối.
Với Iran, tình hình phức tạp hơn, vì liên quan đến chương trình tên lửa hạt nhân và một phiên bản mới của Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), tức là một tiến trình đa phương, trong đó Nga cũng là một bên tham gia. Về mặt kỹ thuật, Mỹ có thể cho phép dầu Iran thâm nhập thị trường thế giới mà không cần có JCPOA mới.
Theo đó, Chính quyền Tổng thống Biden có khả năng cho phép một số quốc gia ở châu Âu và châu Á mua dầu của Iran để phục hồi các miễn trừ mà Chính quyền Trump đã hủy bỏ. Cùng với đó, áp lực với Iran cũng sẽ giảm bớt và nước này có thể củng cố vị thế đàm phán của mình. Tuy nhiên, những diễn biến này sẽ ngăn cản việc hình thành một liên minh các quốc gia bị các lệnh trừng phạt của phương Tây, về mặt lý thuyết gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Venezuela.