Trong thời gian tới, Hải quân Nga sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết các cuộc thử nghiệm của vũ khí sẽ được hoàn thành trong vòng 5 tháng nữa.
Đặc tính kỹ thuật của Zircon vẫn được giữ bí mật, nhưng kết quả thử nghiệm cho thấy tên lửa có khả năng đạt tốc độ Mach 9 (10.700 km/h) ở độ cao hơn 20 km và tầm bắn có thể vươn tới con số 1.500 km.
Mặc dù vẫn có nghi ngờ về phân loại thực sự của Zircon là tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo chống hạm, bên cạnh đó chưa rõ nó có khả năng thực hiện đường bay phức tạp ở độ cao lớn hay không nhưng đây vẫn là thứ vũ khí rất lợi hại.
Giới chức quân sự nga có kế hoạch trang bị tên lửa Zircon cho các tàu mặt nước lớn nhất của hải quân, biến chúng thành những đơn vị tác chiến hiệu quả. Ngoài ra Zircon cũng sẽ được lắp đặt trên các tàu ngầm thế hệ mới.
Tên lửa Zircon mặc dù chưa sẵn sàng phục vụ nhưng đã khiến Washington cảm thấy đặc biệt lo ngại, người Mỹ được cho là đang cân nhắc các biện pháp trả đũa khi có kế hoạch đưa Zircon vào danh sách vũ khí bị cấm.
Năm 2011, Nga và Mỹ đã ký hiệp ước START III nhằm cắt giảm vũ khí hạt nhân và các tổ hợp cho phép chúng được sử dụng. Vào tháng Giêng năm nay, thỏa thuận được gia hạn thêm 5 năm, nhưng không loại trừ khả năng Mỹ có kế hoạch viết lại văn kiện.
Theo các nhà phân tích quốc tế, tên lửa siêu thanh mới nhất của Nga gây ra mối nguy hiểm lớn nhất đối với các nước Baltic, nhiều quốc gia không có hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa đủ khả năng chống lại Zircon.
Washington lo ngại rằng Nga sẽ có thể tấn công các đồng minh NATO.
Chuyên gia Alexei Podberezkin - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị - Quân sự Nga cho biết, tên lửa Zircon trên thực tế "nhân 0" tất cả tiềm năng được tạo ra trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, vũ khí này đang khiến Mỹ cảm thấy "cuồng loạn" và "bất lực".
Theo ông Podberezkin, giới chức quân sự và chính trị Mỹ đang muốn thay đổi hiệp ước START III và "cấm tên lửa Zircon trên cơ sở song phương".
"Họ có kinh nghiệm như vậy. Nước Mỹ luôn đặt ra ngoài những hệ thống vũ khí có thể gây ra vấn đề đối với mình. Một cuộc thảo luận đang được xây dựng xung quanh vấn đề này”.
“Đã có những trường hợp tương tự, còn có kinh nghiệm kèm theo. Nhưng chắc chắn tất cả chỉ trên cơ sở có đi có lại", chuyên gia quân sự Nga giải thích.
Điều này có nghĩa là nếu Nga chấp nhận ngừng phát triển và trang bị tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh 3M22 Zircon, thì Mỹ cũng phải lựa chọn bỏ đi một thứ vũ khí tương ứng.
Thực tế trên sẽ đặt ra thách thức lớn cho Mỹ, bởi Washington hiện không có một vũ khí nào được xem là tương tự hay đối trọng với tên lửa Zircon của Nga.
Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến nhận xét quan điểm của chuyên gia Podberezkin là hoàn toàn phi lý, bởi đối tượng chịu ảnh hưởng của START III là vũ khí chiến lược, trong khi 3M22 Zircon chỉ là tên lửa chống hạm chiến thuật.
Việt Dũng