Chuyên gia Nga: Nên sử dụng S-300B hạ gục RQ-4 hơn là dùng MiG-31
Việc sử dụng MiG-31 để đánh chặn máy bay không người lái của Mỹ sẽ rất nguy hiểm, vì những sự cố bất ngờ có thể xảy ra và gây ra va chạm không đáng có.
Tạp chí National Interest của Mỹ nêu bật những khả năng của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS hoặc RuAF) trong việc giải quyết máy bay không người lái (UAV) RQ-4B Global Hawk của Mỹ. Bài viết trích dẫn lập luận của Igor Korotchenko, một chuyên gia người Nga và là tổng biên tập của tạp chí National Defense.
Korotchenko cho rằng các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa như S-400 hoặc S-300B được trang bị tên lửa phòng không tầm xa, sẽ là những hệ thống chống máy bay không người lái hiệu quả nhất, thay vì sử dụng máy bay chiến đấu như MiG-31, bởi phương pháp này vừa an toàn mà lại vừa tiết kiệm chi phí.
Korotchenko lưu ý, việc sử dụng tên lửa không đối không sẽ đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý để có thể triển khai, nhằm tránh gây xung đột với các quốc gia khác. Ông viết, "Chúng ta nên hiểu rằng, với máy bay không người lái trinh sát chiến lược trên không của Mỹ, cách duy nhất để tác động đến chúng là sử dụng MiG-31 bay gần và gây ra tác động khiến UAV rơi xuống hoặc buộc nó phải quay trở lại sân bay”.
"Tuy nhiên, những phương pháp như vậy khá 'kỳ lạ' vì trước hết, chúng đòi hỏi phi công phải có kỹ năng tuyệt vời và về mặt lý thuyết, không loại trừ khả năng xảy ra các sự cố trên không như va chạm với máy bay không người lái của đối phương - do lỗi của phi công hoặc hành động cố ý của người điều khiển UAV từ xa", nhà phân tích quân sự Nga nói thêm.
“Sự nhiễu loạn” của tin tức
Những cuộc thảo luận về vấn đề này diễn ra chỉ vài ngày sau khi có báo cáo cho rằng, một chiếc MiG-31 của Nga có thể đã bắn hạ một máy bay không người lái RQ-4B của Không quân Mỹ.
Tài khoản US Civil Defense News đã đăng trên mạng xã hội X rằng “Một chiến đấu cơ MiG-31 của Nga đã bắn hạ máy bay RQ-4B Global Hawk của Mỹ trên Biển Đen gần Crimea, khi chiếc máy bay không người lái do thám của Mỹ đang tìm kiếm và cung cấp thông tin mục tiêu cho tên lửa NATO ở Ukraine!”.
Trước đó, tài khoản US Civil Defense News cũng đã công bố thông tin rằng, Moskva đã quyết định thiết lập “vùng cấm bay” trên biển Đen. Động thái này là để đáp trả các nỗ lực trinh sát trên không của Mỹ và đồng minh, vốn đã cung cấp cho Ukraine thông tin về các mục tiêu của Nga.
Tuy nhiên, cả hai tuyên bố về "khu vực bay" và "bắn hạ RQ-4" đều không đúng. Sau đó, có suy đoán cho rằng chiếc RQ-4 có thể đã tắt bộ đáp radar, khiến nó biến mất khỏi các ứng dụng radar theo dõi.
MQ-9 bị hạ vào tháng 3/2023
Quân đội Mỹ đã giảm quy mô các chuyến bay trinh sát bằng máy bay không người lái trên Biển Đen. Điều này diễn ra sau một sự cố nghiêm trọng vào tháng 3/2023, khi một chiếc Sukhoi Su-27 của Nga va chạm với một máy bay không người lái MQ-9 Reaper.
Vào thời điểm đó, các phương tiện truyền thông đã xôn xao về việc một máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ rơi xuống Biển Đen. Theo Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ, chiếc MQ-9 đang thực hiện nhiệm vụ thường lệ thì bị một máy bay Su-27 của Nga chặn lại, gây ra "va chạm trên không", chiếc Su-27 của Nga bị cáo buộc đã đổ nhiên liệu lên máy bay không người lái. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào như vậy và tuyên bố rằng sự cố này là do máy bay Mỹ vi phạm các quy tắc không phận.
Đáp lại sự kiện này, người đứng đầu Lầu Năm Góc, Lloyd Austin khẳng định rằng, Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động bay của mình ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Mục tiêu hợp lệ?
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, máy bay không người lái RQ-4B Global Hawk đã thực hiện các chuyến bay trinh sát trên biển Đen, cụ thể là gần Crimea. Họ lưu ý rằng một UAV đã "làm nhiệm vụ" vào ngày 23/6, trùng với cuộc không kích của Ukraine vào Sevastopol. Các tên lửa của Ukraine đã tấn công một bãi biển ở Crimea khiến bốn người thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em và làm bị thương hơn 100 người.
Moskva gọi cuộc tấn công này là "hành động khủng bố", trong khi Kiev vẫn giữ im lặng về vụ việc. Sự kiện trên xảy ra một ngày sau khi một quả bom dẫn đường của Nga tấn công một tòa nhà chung cư ở Kharkov, khiến hai người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.
Mục đích của RQ-4B
RQ-4B là máy bay không người lái do Northrop Grumman sản xuất cho không quân Mỹ. Đây là một phần của dòng Global Hawk, nổi tiếng với khả năng bay cao và bay trên không trong thời gian dài. RQ-4B có khả năng cung cấp dữ liệu tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) theo thời gian thực.
Nhiệm vụ chính của RQ-4B là giám sát và trinh sát ở độ cao lớn, trong thời gian bay dài. Máy bay có thể bay cao tới 18 km, cho phép nó quan sát các khu vực rộng lớn và thu thập thông tin quan trọng mà khó bị phát hiện.
RQ-4B có các cảm biến và camera tiên tiến như radar khẩu độ tổng hợp (SAR), camera điện quang/hồng ngoại (EO/IR) và hệ thống tình báo tín hiệu (SIGINT). Các tính năng này giúp máy bay chụp được hình ảnh rõ nét, theo dõi mục tiêu di chuyển và chặn các liên lạc điện tử.
Với những khả năng trên, RQ-4B có thể xử lý nhiều nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR). RQ-4B cũng hỗ trợ các hoạt động quân sự bằng cách cung cấp cho các chỉ huy các bản cập nhật theo thời gian thực. Nó có thể gửi video trực tiếp và dữ liệu quan trọng đến các trung tâm chỉ huy, hỗ trợ việc ra quyết định và lập kế hoạch. Điều này đặc biệt hữu ích trong các tình huống thay đổi nhanh như vùng xung đột hoặc trong thảm họa.