Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Đức Rheinmetall mới đây tuyên bố rằng, xe tăng KF51 Panther do họ chế tạo vượt xa chiếc T-14 Armata của Nga về mọi mặt. Nhưng ý kiến trên đã bị chuyên gia Alexei Leonkov bác bỏ.
Tập đoàn Rheinmetall đã cho ra mắt một phương tiện chiến đấu mới lạ tại triển lãm Eurosatory 2022 diễn ra ở Paris. Chiếc xe tăng này được đặt cái tên Panther Kettenfahrzeug 51, hay gọi tắt là Panther KF51.
Nhiều ý kiến cho rằng chiếc Panther nặng 50 tấn được trang bị pháo 130 mm sẽ trở thành ứng viên kế thừa xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 Revolution của Đức. Họ hứa sẽ phát hành nó trong hai phiên bản - có và không người điều khiển.
Nhà báo Oliver Moody của tờ Times gọi KF51 Panther là câu trả lời trước xe tăng T-14 Armata của Nga. Thậm chí đại diện Tập đoàn Rheinmetall còn tự tin cho rằng xe tăng của họ vượt trội T-14 Armata "về mọi mặt".
Trong cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE), ông Alexey Leonkov - Biên tập viên kiêm Giám đốc thương mại Tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc đã so sánh các đặc điểm của hai chiếc xe tăng.
Theo vị chuyên gia người Nga, sự tự tin của người Đức là không có cơ sở. Ví dụ, lợi thế không thể chối cãi của Panther là sự xuất hiện của hệ thống nạp tự động và thành viên thứ tư của kíp lái sẽ đảm nhận công việc điều khiển máy bay không người lái.
Tuy vậy chuyên gia Leonkov khẳng định xét về nhiều mặt, xe tăng Nga vượt trội hơn so với KF51 Panther. Hơn nữa cho đến nay, chiếc chiến xa của Đức mới chỉ tồn tại dưới dạng khái niệm.
“Họ mới chỉ trình bày khái niệm và nói rằng nó sẽ như vậy. Nhưng kể từ thời điểm đó cho đến khi chiếc xe đi vào sản xuất hàng loạt, sẽ có rất nhiều cải tiến và thử nghiệm kỹ thuật. Trong khi đó, T-14 Armata đã trải qua hoạt động quân sự".
"Trước đó tại Đức, họ đã nói về một chiếc xe tăng dựa trên MBT Revolution. Họ cũng tuyên bố rằng nó sẽ cạnh tranh với T-14. Nhưng phương tiện trên không đi xa hơn khái niệm. Tôi nghĩ rằng trường hợp KF51 cũng giống như vậy” người đối thoại của tờ PolitExpert cho biết.
"Bạn có thể làm rung chuyển giới truyền thông, nhưng trên thực tế vẫn chưa có xe tăng mới của Đức trong khi hơn 100 chiếc T-14 của Nga đã được sản xuất", chuyên gia Leonkov nhấn mạnh.
Ngay cả trên giấy tờ, hy vọng của Đức về việc đạt được ưu thế công nghệ so với Nga cũng đã tan tành. Người đối thoại của tờ PE bị thuyết phục rằng sự phát triển của họ đang ở mức độ cao hơn.
Chuyên gia Leonkov khẳng định T-14 Armata là thế hệ xe tăng thứ tư, trong khi đó KF51 Panther xét theo các đặc điểm đã trình bày chỉ được xếp vào thế hệ thứ ba.
“Xe tăng của chúng tôi có kíp lái trong một khoang bọc thép, cũng như động cơ và vũ khí mạnh hơn. Armata có khả năng sống sót cao hơn nhiều so với Panther”, ông Leonkov liệt kê những ưu điểm của chiến xa Nga.
Đáng chú ý là trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phát xít Đức cũng có xe tăng Panther (Panzerkampfwagen V Panther). Chuyên gia Leonkov gọi sự lựa chọn tên gọi mới cho xe tăng hiện đại là một yếu tố "gây hấn".
Người đối thoại của tờ PE cũng nhắc nhở rằng xe tăng đã không được sản xuất ở Đức kể từ khoảng năm 2010, điều đó có nghĩa là Đức sẽ không dễ dàng tiếp tục chế tạo phương tiện tác chiến mới.
“Đức không sản xuất xe tăng trong một thời gian dài, khiến việc tiếp tục chế tạo gặp phải nhiều khó khăn. Câu hỏi được đặt ra đó là bạn sẽ sản xuất xe tăng như thế nào khi đã bị mất công nghệ"?
"Với việc bị gián đoạn dây chuyền sản xuất, sẽ mất ít nhất 50 năm để khôi phục lại, cho nên rất khó để xe tăng KF51 Panther của Đức có thể ra đời thực sự" chuyên gia quân sự người Nga nhấn mạnh.
Tuy vậy cần lưu ý rằng chưa có bằng chứng T-14 Armata "đã được sản xuất 100 chiếc hay đã tham gia hoạt động quân sự" như lời ông Leonkov và thực tế xe tăng Nga cũng vẫn chỉ trong giai đoạn mẫu thử không khác gì KF51 Panther.
Việt Dũng