Chuyên gia Nga: Protein sữa mẹ có thể là 'chìa khóa' trong cuộc chiến chống COVID-19
Việc COVID-19 ít ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh hơn các nhóm cư dân khác có thể xuất phát từ một loại protein đặc biệt trong sữa mẹ, theo các nhà khoa học Nga.
“Chúng tôi thấy rất ít trường hợp trẻ sơ sinh mắc COVID-19 trong số hàng triệu người mắc bệnh”, ông Igor Goldman, chuyên gia cao cấp tại Viện Sinh học Gene (IGB), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết trong cuộc phỏng vấn với News.ru.
Ông Goldman giải thích việc này có thể liên quan đến lactoferrin, một loại protein trong sữa mẹ. Lactoferrin có thể hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chống lại vi khuẩn và virus.
Thực tế này khiến nhóm nghiên cứu của ông Goldman nảy ra ý tưởng nghiên cứu một loại thuốc mới dựa trên lactoferrin.
Các nhà khoa học tin rằng lactoferrin hoạt động như một chất kích thích hệ miễn dịch, giúp tăng cường đáng kể khả năng chống lại vi khuẩn và virus không chỉ ở trẻ sơ sinh mà cả ở người lớn.
Trước đó, trong một thời gian khá dài, giới khoa học Nga đã xem xét việc ứng dụng lactoferrin vào mục đích y tế.
Cùng các đồng nghiệp Belarus, chuyên gia Nga đã phát triển một loại protein biến đổi gen giống hệt của con người nhưng được chiết xuất từ sữa dê vào năm 2007.
Loại protein này có tên neolactoferrin, được cho là có đặc tính chống vi khuẩn, chống virus và chống nấm.
Neolactoferrin cũng được chứng minh là có khả năng ức chế hoạt động của một số loại virus như virus rota, viêm gan C và HIV.
Các chuyên gia của IGB tin rằng neolactoferrin thậm chí còn có thể giúp chống lại siêu vi khuẩn, vi khuẩn kháng kháng sinh.
Ý tưởng sử dụng loại protein này để chống lại virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một nghiên cứu kéo dài hàng thập kỉ về neolactoferrin, được IGB thực hiện cùng Viện Miễn dịch học Nga, ông Goldman nói.
Giờ đây, các nhà khoa học tin rằng neolactoferrin có thể kích thích khả năng miễn dịch thích nghi ở những người mắc COVID-19, làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Về mặt lý thuyết, nó cũng có thể bảo vệ những người khỏe mạnh khỏi virus, và có tác dụng tương tự vaccine.
Có được điều này là do lactoferrin giúp ngăn chặn virus xâm nhập tế bào và sinh sản.
Các nhà khoa học tin rằng việc sử dụng dung dịch đường miệng chứa neolactoferrin sẽ giúp tạo ra một rào cản hiệu quả chống lại COVID-19, trong khi một viên thuốc chứa neolactoferrin cpó thể ngăn chặn sự biến chứng của vi khuẩn.
“Vẫn còn quá sớm để có thể kết luận rằng loại thuốc mới sẽ có tác dụng như thế nào trong cuộc chiến chống lại COVID-19”, nhà miễn dịch học Vladimir Bolibok cảnh báo.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia phát triển loại thuốc trên đã gửi một số mẫu sản phẩm để thử nghiệm lâm sàng với sự hỗ trợ của Cơ quan Y tế và Sinh học Nga.