Chuyên gia: Nga, Trung Quốc khác nhau về lợi ích chiến lược, không thể có liên minh quân sự

Trung - Nga vừa kết thúc chuyến tuần tra hải quân chung đầu tiên, 'gần như vòng quanh Nhật Bản' đã làm dấy lên sự lo ngại, nhưng chuyên gia Nga cho rằng 'hai nước Trung Quốc và Nga không thể có liên minh quân sự

 Quan hệ Nga - Trung ngày càng chặt chẽ nhưng phía Nga cho rằng đó không phải là liên minh quân sự (Ảnh: Sputnik).

Quan hệ Nga - Trung ngày càng chặt chẽ nhưng phía Nga cho rằng đó không phải là liên minh quân sự (Ảnh: Sputnik).

Theo tin của Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 25/10, ông Vladimir Zakharov, giảng viên cao cấp tại Đại học Kinh tế Quốc gia Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Nga và Trung Quốc có những lợi ích hoàn toàn khác nhau về chiến lược và địa chính trị nên về cơ bản giữa hai nước không thể nói về liên minh quân sự.

Ông Zakharov nói: "Cả Trung Quốc và Nga đều hiểu rằng không thể có một liên minh quân sự nào cả. Chúng tôi có những lợi ích hoàn toàn khác nhau về chiến lược và địa chính trị".

Ông nói, ví dụ, mặc dù Nga hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, nhưng Nga luôn bỏ qua vấn đề Biển Đông. Và Trung Quốc cũng rất thận trọng về cuộc xung đột ở đông nam Ukraine. "Hai vấn đề này không giống nhau, bởi vì về hình thức Nga không phải là một bên tham gia vào cuộc xung đột, trong khi Trung Quốc thì lại có".

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/10 tuyên bố tại cuộc họp toàn thể của Câu lạc bộ Tranh luận Quốc tế Valday rằng quan hệ hữu hảo Nga và Trung Quốc không nhằm vào ai, mà vì lợi ích của nhau.

Hải quân Nga - Trung vừa kết thúc cuộc diễn tập trên biển và tuần tra vòng quanh Nhật Bản gây lo ngại trong dư luận (Ảnh: Sunnews).

Ông Putin nói rằng không giống như NATO, Nga và Trung Quốc không thành lập một khối quân sự và không có mục đích như vậy. “Tất cả những lo ngại đều không có lý do”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lại tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 22/10 rằng Trung Quốc đánh giá cao những nhận xét tích cực của Tổng thống Putin về quan hệ Trung - Nga tại cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ Tranh luận Quốc tế Valday. Uông Văn Bân còn nói “Trung Quốc và Nga tuy không phải là đồng minh, nhưng còn hơn là đồng minh”.

Ông Zakharov cũng đồng thời chỉ ra rằng trong mọi trường hợp, các nước phương Tây thường xuyên sử dụng hai khía cạnh này để phát động các cuộc tấn công nhằm duy trì sức mạnh của các lệnh trừng phạt. NATO, Anh và Australia đều đang can thiệp vào vấn đề Đài Loan và khởi động quá trình thiết lập quan hệ chủ quyền với Đài Loan. Bất cứ nơi nào Mỹ lên tiếng, các đồng minh của họ đều sẽ đổ xô đến đó. Xét từ quan điểm của Mỹ, do Washington duy trì hợp tác công nghệ quân sự với Đài Loan, tình hình khu vực vẫn căng thẳng, đặc biệt là trong bối cảnh tuyên bố gần đây của ông Biden về vấn đề Đài Loan.

Tổng thống Nga khẳng định:

Nga và Trung Quốc không thành lập một khối quân sự và không có mục đích như vậy. “Tất cả những lo ngại đều không có lý do” (Ảnh: Sputnik).

Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây thông báo 10 tàu hải quân Trung Quốc và Nga sau khi đi qua eo biển Tsugaru ngày 18/10 đã tiến vào Biển Hoa Đông qua eo biển Osumi vào ngày 22/10, và gần như đi vòng qua quần đảo Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật cho rằng đây là hành động rất không bình thường và tiếp tục tăng cường cảnh giới và giám sát. Các học giả cho rằng Trung Quốc nghĩ rằng họ đang liên kết với Nga để chống lại Mỹ, nhưng thực tế họ đang bị Nga lợi dụng.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên truyền mạnh mẽ về chuyến tuần tra chung đầu tiên của hải quân Trung Quốc và Nga tại các vùng biển liên quan ở Tây Thái Bình Dương. Bách Diệu Bình, Phó Tư lệnh Hải quân tại Chiến khu Miền Bắc của quân đội Trung Quốc, nói rằng điều này đánh dấu một đỉnh cao chưa từng có trong phản ứng chung của hải quân Trung Quốc và Nga đối với các mối đe dọa an ninh trên biển.

Tuy nhiên, liệu loại hành động chung này có thực sự đồng nghĩa với việc Trung Quốc và Nga sẽ chung tay với nhau như Bạch Diệu Bình đã nói hay không? Có học giả cho rằng chuyện không phải như vậy.

Mặc dù thực sự có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng không ai tin rằng Bắc Kinh đang gấp gáp muốn chiếm lại Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực với bên ngoài, thì mục tiêu khả dĩ nhất sẽ là Đài Loan. Do đó, hành động của tàu Trung Quốc và Nga đi vòng quanh Nhật Bản được coi là không mang lại lợi ích thiết thực nào cho Bắc Kinh, ngoài việc kích thích thêm quan hệ đồng minh của Nhật Bản với Đài Loan.

Chỉ vài ngày trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố công khai rằng không có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ở eo biển Đài Loan, bởi vì Bắc Kinh “không cần sử dụng vũ lực” vẫn có thể đạt được mục tiêu thống nhất bằng cách dựa vào sức mạnh kinh tế của mình. Đây được coi là ám chỉ của Nga rằng họ không ủng hộ việc Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Ông Putin đồng thời cũng cô lập Trung Quốc về vấn đề Biển Đông nhạy cảm nhất, nhấn mạnh rằng cần tiến hành đối thoại phù hợp với các chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế.

Hơn nữa, trong khi Trung Quốc và Nga đang tuần tra cùng nhau, ngày 21/10, ông Putin nhấn mạnh rằng không có liên minh quân sự nào giữa Nga và Trung Quốc. Trung Quốc bối rối, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nói Trung Quốc và Nga "không phải là đồng minh, nhưng còn hơn là đồng minh".

Ông Minh Cư Chính, Giáo sư Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan, bình luận trong chương trình "Tiền đề của Chính trị và Kinh tế" rằng “Putin đôi khi ủng hộ Trung Quốc, nhưng thực ra trong bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung, ông đang tìm cách có sức nặng đối với cả Trung Quốc và Mỹ”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân: “Trung Quốc và Nga tuy không phải là đồng minh, nhưng còn hơn là đồng minh”. (Ảnh: Sputnik).

Giáo sư Minh Cư Chính cho rằng việc Nga tăng cường bán than và khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc, còn có thể tăng giá, đây là con bài mặc cả của Putin với Bắc Kinh, đồng thời ông cũng gửi tín hiệu tới Mỹ: "Tôi có thể tập trận với Trung Quốc, nhưng nếu cho tôi một cái gì đó, tôi có thể lật ngược nó. Tôi có thực lực. Tôi ngả theo bên nào, bên ấy sẽ tốt hơn. Các ông có muốn tôi lật ngược lại không? Hãy cho tôi quyền lợi".

Minh Cư Chính cho rằng, trong vấn đề eo biển Đài Loan, vấn đề quan trọng nhất của Putin là liệu Bắc Kinh chiếm được Đài Loan có mang lại lợi ích cho Moscow hay không. “Sau khi chiếm Đài Loan, thế lực của Trung Quốc sẽ tăng lên và về lâu dài Nga sẽ bị đe dọa. Truyền thống ngoại giao của Nga là ‘không để nổi lên một cường quốc có sức đe dọa ở châu Âu và châu Á. Ở châu Á, Nga đã từng bị Khang Hy và Nhật Bản đánh. Nga sẽ không muốn thấy Trung Quốc chiếm Đài Loan. Đồng thời, nếu Trung Quốc không sử dụng vũ lực với Đài Loan, Mỹ sẽ tiếp tục can thiệp vào các vấn đề ở eo biển Đài Loan. Thời gian đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được kéo dài, điều này có lợi cho Nga".

Minh Cư Chính cho rằng, ông Putin sẽ không ủng hộ việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở eo biển Đài Loan. Điều này có nghĩa là nỗ lực của Trung Quốc định mượn tay Nga đe dọa Nhật Bản và lôi kéo đồng minh thực sự chỉ phí công vô ích.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chuyen-gia-nga-trung-quoc-khac-nhau-ve-loi-ich-chien-luoc-khong-the-co-lien-minh-quan-su-post151614.html