Chuyên gia Nga: Việt Nam có thể mở ra cánh cửa cho LB Nga tiếp cận ASEAN
Việt Nam có nhiều cơ hội và là nền tảng để Nga xây dựng mối quan hệ kiểu mới này, để Việt Nam trở thành cánh cửa cho Nga tiến vào ASEAN.
Bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ VII (EEF 2022), phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Evgeny Vlasov, Hiệu phó phụ trách quan hệ quốc tế của Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU), nơi diễn ra các Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, về những điểm đặc biệt của Diễn đàn lần này.
Ông Vlasov nhận định rằng Diễn đàn năm nay thảo luận về nhiều chủ đề hợp tác đa phương, các hình thức hợp tác mới trên thế giới, về những thay đổi toàn cầu đang diễn ra trên thế giới.
Đồng thời các nước Đông Nam Á được đề cập đến tích cực nhất, trong đó có Việt Nam, tính đến mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa LB Nga với Việt Nam.
Ông Vlasov cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành cánh cửa cho LB Nga tiếp cận toàn bộ các nước thành viên ASEAN. Vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng đối với LB Nga và "quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam có thể coi là cánh cửa mở tới ASEAN, để hợp tác với tất cả các đối tác".
Một ví dụ mà ông Vlasov nêu ra đó là phiên đối thoại kinh doanh Nga - Việt Nam tại EEF 2022 diễn ra "rất tích cực và đông đảo… hội trường rất đông, có rất nhiều người phát biểu và phiên thảo luận này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm".
Tuy nhiên ông Vlasov cũng cho rằng Việt Nam cũng có những đối thủ cạnh tranh nặng ký trong quan hệ với LB Nga, như Singapore, vốn có tiềm năng kinh tế lớn hơn nhiều.
Mặc dù vậy, nếu tính tới "kinh nghiệm và quá khứ tích cực, Việt Nam có nhiều cơ hội hơn, và là nền tảng để Nga xây dựng mối quan hệ kiểu mới này, để Việt Nam trở thành cánh cửa cho Nga tiến vào ASEAN".
Trước đó, phát biểu bằng hình thức trực tuyến tại phiên toàn thể EEF 2022 ngày 7/9, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã khẳng định "Việt Nam hoan nghênh việc gắn kết kinh tế Nga, nhất là vùng Viễn Đông, với các nước châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Nga. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối đẩy mạnh hợp tác ASEAN - Nga, trong đó có xây dựng Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - EAEU".
Một điểm nữa đáng chú ý, theo ông Vlasov đó là việc có các đại diện của một số nước phương Tây vẫn tham gia EEF 2022 và muốn phát triển quan hệ với Nga.
"Điều này cho thấy thế giới vẫn phát triển, thế giới không sẵn sàng đóng cửa. Thế giới đã sẵn sàng cho đối thoại. Tất cả những thách thức mới chỉ có thể được giải quyết bằng cách cùng nhau thảo luận về các định dạng mới".
Ông Vlasov cũng cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức mới, chưa từng có trước đây, như đại dịch COVID-19, quá trình nội tại ở một số quốc gia Đông Nam Á, các lệnh trừng phạt của phương Tây và Diễn đàn Kinh tế Phương Đông năm nay cho thấy nhu cầu phải xây dựng "một nền tảng kết nối mới trong điều kiện mới".
Đề cập đến chính sách hướng Đông của Nga cũng như triển vọng của chính sách này, ông Vlasov cho biết vùng Viễn Đông của Nga luôn thực sự mở cửa với phương Đông, cụ thể là với các nước châu Á, với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Diễn đàn kinh tế phương Đông năm nay và chính sách đang được nhà nước Nga thực hiện, cho thấy rõ chính sách hướng sang phương Đông của Nga được thực hiện thông qua nhiều cơ chế và EEF 2022 chỉ là nền tảng để thu thập và trao đổi ý tưởng, cho các cuộc gặp gỡ của doanh nghiệp. Chính sách hướng Đông mà LB Nga theo đuổi về cơ bản không có gì thay đổi. Vectơ hướng đông đã có trong chính trị của Nga, song giờ đây nó mang ý nghĩa đặc biệt.
Chuyên gia Vlasov cũng cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần này là lần thứ bảy, nhưng lần nào Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đến Vladivostok tham dự vì ông hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng các kết nối, xây dựng mối quan hệ với các đối tác châu Á.
Vì vậy, theo ông Vlasov, một tương lai lớn đang mở ra với các doanh nghiệp cũng như giới kinh doanh châu Á, và cả giới học thuật để hợp tác với vùng Viễn Đông của Nga.
Cũng theo ông Vlasov, Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) của ông có thể đóng vai trò là cơ sở quan trọng để thúc đẩy những điều này vì FEFU có hơn 300 đối tác trên khắp thế giới, ở khu vực Đông Á, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác./.