Chuyên gia người Việt chia sẻ kinh nghiệm chống dịch Covid-19 hiệu quả từ Đan Mạch

Tình nguyện tham gia vào nhóm phòng chống dịch Covid-19 với những đóng góp làm cơ sở cho Chính phủ Đan Mạch có chính sách đúng đắn và kịp thời, Tiến sĩ Lê Quý Vang - chuyên gia cao cấp về khoa học dữ liệu tại Đại học Aalborg đã chia sẻ với TG&VN những kinh nghiệm quý cho tình hình dịch bệnh trong nước.

Từng là thành viên nhóm giải trình tự gene của SARS-CoV-2 và theo dõi sự di chuyển lây lan của các biến chủng, ông nhận xét gì về sự phát triển của biến thể Delta đang lan rộng toàn cầu hiện nay?

Tôi xin chia sẻ là công việc của tôi tại nhóm giải trình tự gene của SARS-CoV-2 đã hoàn thành thắng lợi. Chúng tôi đã bàn giao lại công việc cho Viện vệ sinh dịch tễ của Đan Mạch (SSI) để họ tiếp tục duy trì việc giải trình tự. Chúng tôi làm vậy là vì nhóm giải trình tự tôi tham gia là một nhóm nghiên cứu.

Khi giải pháp đã chín muồi và áp lực của bệnh dịch đã giảm đáng kể thì chúng tôi chuyển giao cho bên SSI là nơi có chức năng theo dõi bệnh dịch thực hiện tiếp.

TS. Lê Quý Vang. (Ảnh: NVCC)

TS. Lê Quý Vang. (Ảnh: NVCC)

Về biến chủng Delta, tôi có thể chỉ ra những điểm khác biệt của biến chủng này. Ví dụ, chúng có tải lượng virus cao, có khả năng xâm nhập tế bào cao hơn, dẫn đến dễ lây lan.

Vì vậy mặc dù tỷ lệ tử vong có thể không tăng cao, nhưng do nhiều người bị nhiễm hơn, nhiều người phải nhập viện hơn sẽ dẫn đến quá tải hệ thống y tế, và do đó tỷ lệ tử vong trên thực tế sẽ có thể cao hơn. Điều này có thể giảm thiểu bằng cách hạn chế lây lan và tăng tiềm lực của hệ thống y tế.

Các chuyên gia, nhà khoa học và dư luận ở Việt Nam cũng đang đưa ra nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của các biến thể virus mới, như Lambda. Những đánh giá của ông về biển thể mới này?

Trước hết, tôi muốn nói rằng, mặc dù có sự lúng túng và xử lý không hợp lý của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, tới nay tôi thấy nhiều mặt WHO đang làm tốt, cụ thể là việc đưa ra phân loại, theo dõi các biến chủng của virus SARS-CoV-2.

Vì vậy tôi sẽ trả lời dựa trên những thông tin từ WHO, cộng với những hiểu biết về sinh học phân tử và dịch tễ của tôi.

WHO theo dõi và phân loại theo biến chủng theo dạng VOC (variant of concern – biến chủng đáng lo ngại), VOI (variant of interest – biến chủng đáng quan tâm) là dựa trên thông tin về đột biến gien, khả năng lây lan, khả năng gây bệnh nặng, và khả năng lẩn chốn hệ miễn dịch và vaccine.

Dựa trên sự theo dõi này thì chủng Lamda hiện vẫn ở mức độ VOI. Một biến chủng có thể chuyển từ VOI sang mức có hệ lụy lớn hơn là VOC hoặc ngược lại, một biến chủng có thể chuyển từ VOC sang VOI nếu chúng ta khống chế tốt hơn.

Cũng cần nói thêm rằng, nếu dùng theo mức phân loại của CDC Mỹ thì chưa có biến chủng nào thuộc loại VOHC (variant of high consequence – biến chủng gây hệ lụy nghiêm trọng). Đây là biến chủng khiến công việc chẩn đoán điều trị và vaccine có hiệu quả cực thấp và mức nhập viện tăng đột biến.

Với những thông tin này, chủng Lamda chưa ở dạng VOC, nhưng cần tiếp tục theo dõi cập nhật với WHO và các mạng lưới chuyên môn khác.

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là giảm sự lây lan của bất cứ chủng SAR-CoV-2 nào để tránh tạo ra những biến chủng mới. Khi SARS-CoV-2 càng biến đổi nhiều thì sẽ tăng rủi ro tạo ra biến chủng khiến vaccine hiện tại trở nên kém hoặc mất hiệu lực. Thêm vào đó, theo sát những thông tin phân tích cảnh báo của WHO.

Ngoài ra, công tác theo dõi sàng lọc biến chủng mới, kiểm soát thống kê dịch tễ của các ca bệnh sẽ giúp nắm bắt tình hình và có những biện pháp cảnh báo ứng phó kịp thời. Xét nghiệm thường xuyên diện rộng, công nghệ giải trình tự gene, cùng với theo dõi dịch tễ chặt chẽ và sự chia sẻ dữ liệu một cách có hệ thống sẽ là những công cụ đắc lực và tối quan trọng phục vụ cho công tác theo dõi nắm bắt tình hình thực tế của dịch bệnh.

Từ kinh nghiệm phòng chống dịch hiệu quả tại Đan Mạch, ông có thể gợi ý những giải pháp phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay?

Đây là câu hỏi hay, nhưng không dễ trả lời, đặc biệt là với một câu trả lời ngắn. Tôi xin trả lời dựa trên kinh nghiệm làm việc cùng với các đồng nghiệp Đan Mạch trong công tác chuyên muôn. Bên cạnh đó qua trải nghiệm cuộc sống hàng ngày ở nơi làm việc và môi trường xã hội cộng với kinh nghiệm sinh sống bấy lâu, từ đó tôi có cái nhìn tương đối rõ về tình hình và cách làm ở Đan Mạch.

Đối với tình hình ở Việt Nam, qua trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp AVSE, các nhà lãnh đạo, các nhà chuyên môn trong và ngoài nước, tôi cũng nắm được một số khía cạnh ở mức độ chuyên môn. Tuy nhiên, do tôi không trực tiếp thực địa nên có thể có những điều không nắm bắt được thực tiễn.

Đối với những giải pháp cấp bách trong tình hình “nước sôi lửa bỏng”, tôi nghĩ rằng cần có sự liên lạc chặt chẽ thảo luận trong từng tình huống cụ thể. Công việc này nhóm Task Force Covid-19 của Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) trong đó tôi tham gia và các nhà chức trách trong nước vẫn luôn nỗ lực giải quyết. Tôi sẽ không đưa ra ý kiến cho những vấn đề này khi không có những bối cảnh và thông tin cụ thể.

Tuy vậy, từ kinh nghiệm của Đan Mạch và các nước tôi xin nêu vài điểm gợi ý về những giải pháp hiệu quả:

- Tìm kiếm và triển khai vaccine tới càng nhiều người dân càng tốt.

- Duy trì giãn cách xã hội vệ sinh phòng dịch theo 5K.

- Rèn luyện sức khỏe ăn ngủ điều độ, tinh thần thư giãn để tăng sức đề kháng.

- Duy trì và tăng sức phục vụ của hệ thống y tế bằng số giường bệnh và trang thiết bị.

- Duy trì xét nghiệm để nắm bắt tình hình dịch bệnh một cách chính xác giúp cho việc khoanh vùng, cách ly hoặc đóng cửa kịp thời.

- Có giải pháp kinh tế để giảm bớt lo lắng trong dân.

- Cung ứng vật tư nhu yếu phẩm để dân không bị thiếu đói.

- Kết hợp truyền thông và giải pháp tư vấn hỗ trợ tâm lý để giảm áp lực và duy trì niềm tin và nỗ lực thực hiện giãn cách.

- Triển khai các biện pháp tư vấn theo dõi F0 để tránh tập trung cách ly không cần thiết, và cũng nhập viện kịp thời khi cần thiết.

TS. Lê Quý Vang cùng với đồng nghiệp ở NVIDIA Deep Learning Institute trong một đợt công tác ở Lausanne, Thụy Sỹ. (Ảnh: NVCC)

TS. Lê Quý Vang cùng với đồng nghiệp ở NVIDIA Deep Learning Institute trong một đợt công tác ở Lausanne, Thụy Sỹ. (Ảnh: NVCC)

Vậy đâu là một số quan điểm của ông về những giá trị cốt lõi giúp cho việc thực hiện những điều trên được thuận lợi hơn?

Lòng nhân từ và tình đoàn kết

Tôi thông cảm một cách sâu sắc với những khó khăn vất vả mất mát của người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học, các cấp lãnh đạo ở Việt Nam.

Đại dịch này là một thách thức to lớn đòi hỏi sự đoàn kết năng động sáng tạo và nỗ lực của tất cả mọi người. Bên cạnh những sự lo âu, buồn phiền, mất mát, có cả những sai lầm vì những diễn biến quá nhanh, áp lực quá mạnh từ bệnh dịch. Vì vậy chúng ta cần nêu cao tinh thần đùm bọc giúp đỡ đồng hành chia sẻ để tiếp thêm nghị lực cho nhau.

Phòng chống dịch là cuộc chiến cam go ở nhiều mặt trận: y tế, cơ sở hạ tầng, truyền thông, vận tải, công nghệ, tâm lý, quản lý... Nó cũng là cuộc chiến không chỉ toàn quốc, toàn dân mà còn là cuộc chiến toàn cầu. Chỉ có sự phối hợp đồng lòng của tất cả các thành phần xã hội và các quốc gia mới có thể khống chế và chặn đứng đại dịch hiện tại và phòng chống những đại dịch tương lai.

Trong hơn một năm qua, các cấp lãnh đạo, nhân viên y tế, các thành phần xã hội (Sĩ, Nông, Công, Thương) đã rất nỗ lực kiên cường, chia sẻ gắn kết. Đây là việc làm tốt cần tiếp tục phát huy.

Ứng dụng tư duy khoa học biện chứng

Một vấn nạn rất lớn nổi lên mạnh mẽ trong thời đại dịch là tin giả, tin rác và sự nhiễu loạn quá tải thông tin. Nó có thể xuất phát từ sự sợ hãi của mọi người trong nỗ lực tìm giải pháp.

Tôi không bàn đến những trường hợp cố tình lợi dụng tình thế để trục lợi. Thông tin diễn biến quá nhanh quá nhiều dẫn đến việc chắt lọc nguồn thông tin đúng đắn để có những lựa chọn và hành động đúng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Trong sự hỗn loạn đó, các nhà chuyên môn là những người có sự tỉnh táo nhất, và cũng có trách nhiệm chia sẻ với mọi người. Người dân và các nhà quản lý cần biết tận dụng những nguồn thông tin tin cậy này để lựa chọn và hành động theo cách tốt nhất. Khoa học không phải là chân lý, nhưng nó là công cụ sắc bén nhất, gần nhất với chân lý.

Triết gia George Bernard Shaw từng nói “Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.” (Hãy thận trọng với tri thức sai lầm mà ta tưởng là đúng; nó nguy hiểm hơn cả sự dốt nát). Tôi thấy câu nói này rất đáng áp dụng cho tình hình hiện nay. Chúng ta nên tìm đến các nhà chuyên môn, các nhà chức trách để tìm hiểu thông tin. Không chỉ cần biết nên làm điều gì, mà cần biết tại sao.

Theo tôi, Chính phủ và các nhà lãnh đạo cũng đã nhận ra tầm quan trọng của hướng đi này. Tuy nhiên, công tác truyền thông tuyên truyền cần được tổ chức nhất quán tốt hơn nữa để nâng cao vai trò nổi bật của các nguồn và kênh truyền thông đúng vai trò chuyên môn và trách nhiệm.

Phát triển nội lực quốc gia, nguồn lực địa phương đồng thời tìm kiếm sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế

Trước hết cần khẳng định, ý tôi không phải là dốc hết mọi nguồn lực một cách hối hả ồ ạt, thiếu tổ chức dẫn đến những xáo trộn hay sự cạn kiệt nguồn lực một cách nhanh chóng. Ngược lại, phát triển nội lực dựa trên sự tư vấn của các nhà chuyên môn để xây dựng những giải pháp dựa trên cơ sở khoa học, nhân ái và minh bạch.

“Khoa học” sẽ giúp ta tìm được giải pháp ứng phó hiệu quả với sự lây lan và việc điều trị Covid-19. “Nhân ái” sẽ giúp ta lựa chọn thông minh và gìn giữ sự gắn kết hợp tác. “Minh bạch” là nền tảng cho sự đối thoại giữa lãnh đạo với người dân trong việc đối thoại, truyền tải thông điệp, tìm kiếm sự trợ giúp, truyền đạt những quyết sách, và thẩm định các giải pháp.

Việc phát triển nội lực giúp phát huy và huy động tính năng động sáng tạo và nguồn lực trong dân. Nó cũng nền tảng cho khoa học kỹ thuật, giải pháp công nghệ phát triển, và kinh tế tri thức phát triển, đem lại sự giàu mạnh cho đất nước.

Là một thành viên của Task Force Covid-19, tôi cảm nhận rõ ràng sự quyết tâm và mở lòng của các anh chị em trong nhóm trong việc chung tay tìm kiếm, chia sẻ các giải pháp và kinh nghiệm quốc tế. Những thông tin như vậy sẽ giúp các giải pháp và công nghệ chỉn chu và hữu ích hơn.

Điều phối tuyển chọn tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng, độ chỉn chu chín muồi và tầm cỡ của những giải pháp hữu ích

Trái với tưởng tượng và thực tế ở Việt Nam, ở Đan Mạch không có nhiều giải pháp. Về truyền thông kênh truyền hình DR giữ vai trò chủ đạo trong truyền thông qua truyền hình đưa tin các cuộc họp báo và quyết sách của chính phủ và các bộ ngành.

Về website họ có một vài website với mục đích và nhóm đối tượng cụ thể (đăng ký tiêm vaccine, thống kê tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế, thông tin phục vụ đi lại du lịch...). Về app trên điện thoại họ có một app Coronapas (hộ chiếu Corona) để theo dõi việc ai đã tiêm vaccine và kết quả xét nghiệm.

Các nguồn quỹ đầu tư nghiên cứu của nhà nước và của xã hội cũng đã là điểm tập trung tuyển chọn các đề xuất dự án từ cộng đồng các nhà khoa học. Họ tổ chức công việc thành khoảng 20 dự án nghiên cứu phát triển về sinh y, kinh tế xã hội, tâm lý... Việc có ít những giải pháp nhưng hiệu quả vừa giúp tránh lãng phí nguồn lực, giúp phát triển chất lượng cho những giải pháp đó, và cũng tránh nhiễu loạn thông tin cho dân.

Theo tôi, ở Việt Nam đang thiếu sự điều phối hiệp đồng của các bộ ngành (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo...) và các nguồn quỹ tài chính để tuyển lựa và đưa ra những giải pháp đủ năng lực phục vụ cho các nhà chuyên môn (bác sĩ, nhân viên y tế) và cho người dân.

Những giải pháp tương tự nhau cần chọn ra lấy một giải pháp để tập trung đầu tư và tuyên truyền sử dụng. Những giải pháp tương tự cần loại bỏ hoặc kết hợp với giải pháp chính để hoàn thiện hơn.

Ông từng chia sẻ về mong muốn kết hợp khoa học dữ liệu và khoa học sự sống để giải quyết những bài toán thực tế đem lại lợi ích cho xã hội. Từ lĩnh vực chuyên môn, ông có đề xuất gì về những biện pháp thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác khoa học?

Trong lĩnh vực y tế và sinh y, việc thiết lập các dự án hợp tác nghiên cứu chia sẻ nguồn lực, tổ chức điều phối, đặt ra và áp dụng nghiêm ngặt các mục tiêu chiến lược là những việc làm ở cấp quản lý có thể thực hiện.

Về mặt công nghệ và nền tảng số, việc hệ thống hóa, giải quyết những vướng mắc ở địa phương trong việc chia sẻ dữ liệu sẽ giúp việc chia sẻ thông tin được thuận lợi.

Dữ liệu tốt là sở sở quan trọng và điều kiện tiên quyết để có thể theo dõi, phân tích đánh giá chính xác phục vụ công tác y tế tiến tới việc đưa ra quyết định đúng đắn dựa trên số liệu (data-driven decision making). Nó cũng tạo điều kiện để áp dụng nền Y học Chính xác và Y học Cá thể (Precision medicine và Personal medicine).

Cuối cùng, tôi xin cảm ơn quý báo đã tạo điều kiện cho tôi được bày tỏ những quan điểm và kết nối với độc giả. Xin chúc sức khỏe và an lành tới tất cả. Và tôi hy vọng được góp phần nhỏ bé của mình để giúp xã hội sớm vượt qua đại dịch!

Xin cảm ơn ông!

Tiến sĩ Lê Quý Vang sinh năm 1979. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Vi sinh vật học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên tại Việt Nam, nhận được học bổng toàn phần đi du học ở Hàn Quốc cho chương trình Thạc sĩ (2003-2005) và chương trình Tiến sĩ (2006-2009). Từ năm 2009 tới nay, ông đảm nhiệm nhiều vị trí công tác ở Đan Mạch, là thành viên của nhóm phản ứng nhanh Taskforce Covid-19 của AVSE Global và đang dẫn dầu một nhóm tư vấn về đổi mới sáng tạo.

Vũ An (thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-nguoi-viet-chia-se-kinh-nghiem-chong-dich-covid-19-hieu-qua-tu-dan-mach-157168.html