Chuyên gia nhận định nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam
Các chuyên gia đưa ra nhận định về nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam, trong bối cảnh hơn 170 nước ghi nhận căn bệnh này.
Theo Ths.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, không giống như đậu mùa, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm khá hiếm gặp, chủ yếu bệnh nhân sống trong khu vực rừng mưa nhiệt đới, đặc biệt tại các quốc gia Trung Phi và Tây Phi. Cho tới nay, số lượng người nhiễm đậu mùa khỉ thấp hơn nhiều so với đậu mùa. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, hơn 200 trường hợp được ghi nhận mắc đậu mùa khỉ.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu sống trong cơ thể động vật gặm nhấm, động vật linh trưởng. Nếu bạn vô tình tiếp xúc hoặc ăn thịt sống của động vật nhiễm virus thì khả năng lây đậu mùa khỉ tương đối cao. Đó là lý do chúng ta tuyệt đối không được ăn thịt sống, đặc biệt là thịt không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, mỗi người cần trang bị những kiến thức cơ bản về hai căn bệnh truyền nhiễm kể trên, đó sẽ là cơ sở giúp phân biệt đậu mùa khỉ khác đậu mùa thường.
Virus đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc gần. Thạc sĩ Thái lưu ý nếu tiếp xúc như ôm hôn người nhiễm bệnh, tiếp xúc với các nốt phỏng của bệnh nhân, dịch tiết của bệnh nhân thì bạn có nguy cơ mắc cao.
Thạc sĩ Thái nhận định nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam không cao. Lý do thứ nhất, phải tiếp xúc gần mới lây nhiễm bệnh. Thực tế, nếu thấy tổn thương như thủy đậu hay đậu mùa thì chúng ta cũng hạn chế tiếp xúc gần. Thứ hai, bệnh lây truyền khi có triệu chứng nhưng thời gian ủ bệnh dài, đây là lợi thế để khoanh vùng, ngăn chặn dịch. Các nghiên cứu cho thấy, thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ lên tới 2, 3 tuần - thời gian dài đủ để cắt đứt đường lây truyền.
Thứ ba, vaccine bệnh đậu mùa cũng có tác dụng ngăn ngừa đậu mùa khỉ. Nếu người sinh năm trước năm 1980 được tiêm vaccine ngừa chủng đậu mùa thì ít nguy cơ nhiễm bệnh hơn.
Với nhân viên y tế, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ cao hơn, vì vậy họ cần duy trì các biện pháp phòng hộ cá nhân để phòng bệnh, đặc biệt người sinh sau năm 1980 do chưa được tiêm vaccine đậu mùa. Khi tiếp xúc với chất thải của người bệnh cần hết sức cẩn trọng, phải có trang phục phòng hộ đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Hơn nữa, việc giao thương đi lại giữa nước ta với các nước châu Phi không nhiều, nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh thấp hơn so với dịch COVID-19 hay các dịch bệnh trước đó.
Trước đây, bệnh đậu mùa từng là căn bệnh ám ảnh với nhiều người vì những tác hại của nó. Khi chưa có vaccine thì một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến là đậu mùa, trong đó tác nhân chính gây bệnh là virus đậu mùa. Chúng cướp đi tính mạng của rất nhiều người. Bên cạnh đó, các triệu chứng của đậu mùa cũng gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh cảm thấy tự ti khi gặp người xung quanh.
Nhiều năm trở lại đây, với sự phát triển của Y học, vaccine phòng bệnh được công bố giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, các biện pháp phòng bệnh, kiểm soát sự lây lan của virus được áp dụng chặt chẽ. Nhờ vậy, tỷ lệ người mắc bệnh đậu mùa giảm đáng kể và rất ít trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Đa phần người từng mắc bệnh sẽ không nhiễm bệnh lại, hoặc nếu bị thì triệu chứng xảy ra ở mức độ nhẹ hơn, sớm khỏi bệnh