Chuyên gia nhận định về kinh tế Việt Nam 2025

Theo chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long, cùng với việc gỡ các nút thắt của nền kinh tế Chính phủ và các bộ ngành cần có các giải pháp cho thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời với thay đổi trong thương mại, chuyển dịch sản xuất… để các doanh nghiệp vươn lên, đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, cần có những chính sách phù hợp để tạo bộ đệm chống chịu các cú sốc từ bên ngoài.

Tập trung ổn định chính sách tiền tệ

Dự báo tình hình về năm 2025, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, với áp lực từ kinh tế quốc tế, các yếu tố như chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước lớn, căng thẳng địa chính trị, và biến động giá cả hàng hóa có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát.

Vì vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành phải chuẩn bị sẵn các kịch bản để ứng phó. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa, Việt Nam cần duy trì tăng trưởng GDP ở mức 6 - 7% để tạo động lực thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, đầu tư. Cùng đó, kiểm soát lạm phát quanh mức mục tiêu 4-5% và cần cảnh giác với áp lực tăng giá từ hàng nhập khẩu cũng là những nhiệm vụ ưu tiên trong năm.

Nâng cao năng suất lao động là thách thức của các doanh nghiệp năm 2025 và các năm tới. Ảnh: Như Ý

Nâng cao năng suất lao động là thách thức của các doanh nghiệp năm 2025 và các năm tới. Ảnh: Như Ý

Khuyến nghị về chính sách tiền tệ năm 2025, vị chuyên gia cũng cho rằng, cần duy trì ổn định tỷ giá, cân nhắc biên độ dao động, Ngân hàng Nhà nước nên duy trì biên độ dao động tỷ giá hẹp để đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối, tránh áp lực lớn đến doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu. Việc tiếp tục tăng cường và liên tục nâng cao dự trữ ngoại hối sẽ giúp tạo bộ đệm chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài. Cùng đó, cần tiếp tục linh hoạt trong điều chỉnh lãi suất. Hỗ trợ doanh nghiệp, cân nhắc giảm lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, xuất khẩu, và công nghệ cao. Kiểm soát lạm phát, nếu áp lực lạm phát tăng, chính sách lãi suất nên được điều chỉnh kịp thời để giảm lượng tiền trong lưu thông.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, áp lực nợ công sẽ là một trong những vấn đề của Việt Nam trong năm 2025. Chính phủ cần phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để tránh tạo áp lực quá lớn lên ngân sách.

Để ứng phó kịp thời với những biến động thị trường quốc tế, cần theo dõi sát sao động thái từ FED và các tổ chức tài chính lớn để kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp. Ngoài ra, cần tiếp tục các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường đầu tư vào các dự án xanh và khuyến khích tài trợ tín dụng xanh để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Tiếp tục giảm thuế

Để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp bất động sản, ngoài chính sách tiền tệ, theo PGS. TS Ngô Trí Long cần cân nhắc thêm các chính sách liên quan đến chính sách tài khóa.

Cụ thể, cần giảm thuế và gia hạn thuế, áp dụng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT) hoặc gia hạn thời gian nộp thuế để giúp doanh nghiệp tăng dòng tiền. Đi kèm với đó là hỗ trợ tài chính, cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, trợ cấp lãi suất, hoặc quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về chính sách thương mại, vị chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tổ chức các hoạt động giao thương, và xây dựng thương hiệu tại thị trường quốc tế. Cùng đó tháo gỡ rào cản thương mại, đàm phán với các đối tác thương mại để giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đặc biệt trong bối cảnh bất ổn chính trị ở nhiều khu vực kéo dài những năm gần đây đặt ra yêu cầu tập trung phát triển các doanh nghiệp cũng như ngành logistics, cải thiện cơ sở hạ tầng và giảm chi phí logistics để hỗ trợ chuỗi cung ứng.

Việc xây dựng các chính sách phát triển ngành cũng là yếu tố quan trọng cần tập trung trong năm 2025 để hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi những ma trận thủ tục hành chính đầy vướng mắc. Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến động về lạm phát, lãi suất, và xung đột địa chính trị có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và chuỗi cung ứng của Việt Nam. Cùng đó là các áp lực từ các rào cản thương mại, yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường từ các thị trường lớn như EU và Mỹ.

Thay đổi phương thức thu hút đầu tư

Ông cũng cho rằng, việc có các giải pháp khác liên quan ưu đãi đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực trọng điểm như bất động sản khu công nghiệp hoặc các ngành xuất khẩu chiến lược trong thu hút FDI đi kèm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút vốn đầu tư nước ngoài… cũng là một trong những đầu việc khó cần ưu tiên giải quyết nếu muốn đất nước tiến xa hơn trong việc hình thành các ngành kinh tế mới với hàm lượng chất xám nhiều hơn.

“Năm 2025 hứa hẹn là một giai đoạn chuyển mình với cả thách thức và cơ hội. Việt Nam cần tập trung vào việc đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh để tận dụng tối đa tiềm năng này”.

PGS TS Ngô Trí Long. Ảnh: Nguyễn Bằng

Gỡ nút thắt cố hữu trong phát triển kinh tế của Việt Nam liên quan đến nguồn nhân lực, chính sách lao động (vốn là những vấn đề được nhiều tổ chức quốc tế nêu ra nhiều năm qua) cũng cần tập trung được tháo gỡ. Trong đó, đào tạo và nâng cao kỹ năng lao động, tăng cường các chương trình đào tạo kỹ năng chuyên sâu (đặc biệt trong các ngành xuất khẩu và bất động sản), hỗ trợ doanh nghiệp giữ lao động chất lượng cao, cung cấp trợ cấp tạm thời cho doanh nghiệp nhằm tránh sa thải lao động trong giai đoạn khó khăn… cũng là việc phải có kế hoạch chuẩn bị cho 2025 và các năm về sau.

Bên cạnh tăng chất lượng nhân lực, thay đổi chính sách khuyến khích đầu tư, việc tập trung cho chính sách chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh là việc phải gấp rút triển khai trong bối cảnh các nền tảng kinh doanh đang thay đổi rất nhanh chóng. Việc xây dựng các nền tảng thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, các chính sách này cần được thực hiện đồng bộ, phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương để mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.

Về cơ hội phát triển trong năm 2025, ông Long cho rằng, thúc đẩy chuyển đổi số và công nghệ, các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data), và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là lĩnh vực, ngành nghề có cơ hội đột phá trong năm 2025, là trụ cột của nền kinh tế tương lai.

Lưu Trinh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-gia-nhan-dinh-ve-kinh-te-viet-nam-2025-post1705719.tpo