Chuyên gia nhận định về tăng lãi suất tiền gửi ngân hàng

Từ đầu tháng 6 đến nay, thị trường ghi nhận có gần 20 ngân hàng tăng lãi suất. Động thái điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của các nhà băng, theo chuyên gia, động thái này nhằm cân bằng lại lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng thời gian qua.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TPBank Ảnh: TPBank

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TPBank Ảnh: TPBank

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng

Sau gần 1 năm liên tục giảm, đưa mức lãi suất huy động về thấp nhất trong 20 năm qua, đến nay lãi suất huy động đang có dấu hiệu rục rịch tăng trở lại. Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian vừa qua liên quan đến việc lãi suất huy động thấp, nguồn tiền của người dân dịch chuyển khỏi ngân hàng để tìm kiếm các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng… Thế nên, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phục hồi, nhu cầu vốn của các DN đang tăng trở lại nên các ngân hàng đã tiến hành tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn trong thời gian tới.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, nền kinh tế đang bắt đầu "ngấm vốn". Tính đến 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,9%, trong khi tháng 1 và tháng 2 âm. Xu hướng trên khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động trở lại nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Động thái điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của các nhà băng, đợt tăng này vẫn đang dừng lại ở nhóm nhà băng tư nhân, còn tại 4 ngân hàng quốc doanh, biểu lãi suất vẫn chưa điều chỉnh trong hai tháng qua. Ngân hàng tăng lãi suất kể từ đầu tháng 6 bao gồm: VIB, TPBank, Nam A Bank, LPBank, GPBank, BaoVietBank, OceanBank, MSB, Bac A Bank, ABBank, PGBank, VietBank, Eximbank, MBBank, VietinBank, NCB, OCB, BVBank, Viet A. Trong đó có một "ông lớn" Big4 gia nhập đường đua tăng lãi suất là VietinBank, tăng 0,3 điểm % tại hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất tại nhiều ngân hàng thương mại ghi nhận vọt tăng cao.

Đơn cử, ABBank tăng đến 1,6 điểm % tại kỳ hạn 12 tháng, MSB tăng 0,9 điểm % kỳ hạn 12 tháng, OceanBank tăng 0,6 điểm % tại kỳ hạn 9 tháng... tất cả chỉ trong một lần điều chỉnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN hoặc người dân cũng không nên quá lo lắng về lãi suất tiền vay sẽ tăng. Vì dù lãi suất tiền gửi đang tăng nhưng sẽ không quá 1% mỗi năm, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn đang đặt mục tiêu ổn định lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước.

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng: “Lãi suất tiết kiệm tăng thể hiện diễn biến tổng hợp các thị trường trong bối cảnh vĩ mô duy trì ổn định. Lãi suất tiết kiệm thời gian qua đang xấp xỉ với tỷ lệ lạm phát trong các tháng đầu năm 2024, dẫn đến nhu cầu chuyển đổi kênh đầu tư từ gửi tiết kiệm sang cất trữ vàng hay ngoại tệ để duy trì tính thanh khoản… Điều này có thể đã ảnh hưởng đến lượng tiền huy động của một số ngân hàng.

Theo đó, các ngân hàng chọn phương án tăng lãi suất huy động để duy trì sức hấp dẫn của kênh này. Để nâng cao khả năng cho vay, các ngân hàng có thể có mục tiêu tăng khối lượng huy động thông qua biện pháp tăng lãi suất tiền gửi. Đây có thể là dấu hiệu tích cực cho thấy nhu cầu tăng tín dụng khả quan hơn trong thời gian tới. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất đã tăng mạnh trong thời gian qua và vẫn duy trì ở mức cao hơn so với đầu năm. Đây là dấu hiệu thu hẹp thanh khoản trên thị trường”.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng: “Trên thế giới, thường không quan tâm đến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, mà quan trọng nhất là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hoặc lãi suất tái cấp vốn của ngân hàng Trung ương. Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng cho thấy, lãi suất qua đêm đã tăng trên 4%/năm chứng tỏ có hiện tượng ngân hàng hút tiền về. Một yếu tố nữa là, người dân sợ lạm phát có thể cao hơn, tỷ giá hối đoái cũng có thể tăng lên và thực tế đang cho thấy, lãi suất tiền gửi ngắn hạn hiện thấp hơn lạm phát năm (dự báo là 4%). Hay nói theo cách khác, do lãi suất huy động đang ở mức rất thấp nên các ngân hàng nâng lên chủ yếu là để tạo ra mức lãi suất thực cho tiền gửi.

Ngân hàng Nhà nước vẫn đang đặt mục tiêu ổn định lãi suất

Trong bối cảnh các thị trường tài chính đều chưa hấp dẫn, trừ thị trường vàng, cho nên tiền gửi ngân hàng luôn là nơi an toàn nhất đối với người dân, dẫn tới tiền được “dồn” vào ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường vàng vốn có độ rủi ro rất cao nên không phải là “điểm đến” của những người “yếu tim”. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Mặt tích cực là các ngân hàng luôn luôn cần tiền gửi, đặc biệt là những ngân hàng có nợ xấu cao. Lý do bởi tiền gửi dùng để cho vay đã trở thành nợ xấu nên dòng tiền không quay trở lại và khi đến hạn, người dân rút tiền, ngân hàng cần dòng tiền mới để trả cho khách hàng của mình”.

Liên quan đến câu chuyện lãi suất nhìn từ thị trường ngoại hối, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng: “Nhiều dự báo cho rằng, đến tháng 9/2024 mới có đợt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng có thể không phải đợi đến lúc đó, mà ngay trong tháng 7 tới Mỹ sẽ giảm lãi suất. Một yếu tố đáng quan tâm nữa là ngày 5/11/2204, Mỹ bầu cử Tổng thống, kỳ vọng của thị trường là USD phải giảm giá.

Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị lạm phát, tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ. Nhiều chuyên gia cho rằng các DN hoặc người dân cũng không nên quá lo lắng về lãi suất tiền vay sẽ tăng. Vì dù lãi suất tiền gửi đang tăng nhưng sẽ không quá 1% mỗi năm, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn đang đặt mục tiêu ổn định lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước”.

Nguyễn Vũ – Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chuyen-gia-nhan-dinh-ve-tang-lai-suat-tien-gui-ngan-hang-384448.html