Chuyên gia Nhật Bản lạc quan về triển vọng hợp tác song phương
Việt Nam đứng thứ 29 về nhập khẩu từ Nhật Bản và đứng thứ 28 về xuất khẩu sang Nhật Bản nhưng đến năm 2019 đã lần lượt nhảy vọt lên vị trí thứ 9 và thứ 10.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Shiraishi Masaya, Giáo sư Danh dự Đại học Waseda, Chủ tịch Hội Nhật Bản Nghiên cứu Việt Nam, về những dấu mốc đáng nhớ trong quá trình xây dựng, cũng như động lực thúc đẩy quan hệ hai nước và tiềm năng hợp tác song phương tới đây.
Theo Giáo sư Masaya, năm 2017, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko (hiện là Thượng hoàng và Thượng Hoàng hậu) đã tới thăm Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng thân thiết.
Chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu tới Việt Nam thời điểm đó là tin tức nóng hổi hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng Nhật Bản, góp phần nâng cao sự quan tâm của người dân Nhật Bản đối với Việt Nam.
Đây cũng là sự kiện biểu trưng cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản gần gũi, đồng thời cũng là cơ hội để thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Trước đó, Thái tử Naruhito (hiện là Nhà vua) đã từng thay mặt Nhà vua Akihito đến thăm Việt Nam vào năm 2009. Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thăm Nhật Bản năm 2007 và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản năm 2014 với tư cách khách mời cấp nhà nước.
Trong cuộc phỏng vấn, Giáo sư Masaya đã nêu bật những động lực thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản đạt đến tầm đối tác chiến lược sâu rộng như hiện nay.
Theo ông, thứ nhất, trong bối cảnh mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai nước hiện nay, Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, đứng thứ hai về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, đứng thứ ba về lượng khách đến Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ tư.
Mặt khác, tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách là đối tác kinh tế của Nhật Bản đang tăng lên từng năm. Năm 2021, việc đình chỉ hoạt động tại các nhà máy đặt tại Việt Nam do đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty Nhật Bản và ảnh hưởng đến hệ thống sản xuất tại Nhật Bản.
Ngoài ra, số lượng công ty Nhật Bản trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 894 vào năm 2010 và đến năm 2018, số lượng số công ty tăng gấp đôi lên 1.772, qua đó đưa Việt Nam vượt Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á có nhiều công ty Nhật Bản nhất.
Về triển vọng tương lai, theo kết quả khảo sát các công ty Nhật Bản do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) thực hiện, nhiều công ty Nhật Bản tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản từ Việt Nam cũng ngày càng mở rộng.
Số du khách từ Nhật Bản đến Việt Nam là 120.000 lượt vào năm 1995 và đang tăng nhanh. Theo niên giám thống kê Việt Nam, Nhật Bản là nguồn du khách lớn thứ ba của Việt Nam sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đối với Nhật Bản, Việt Nam cũng trở thành điểm du lịch nước ngoài được người dân Nhật Bản ngày càng quan tâm. Năm 2010, Việt Nam được xếp hạng thứ 12 trong số tất cả các quốc gia/khu vực trên thế giới, nhưng đến năm 2015, đã lên vị trí thứ 8.
Về giao lưu nhân dân, số lượng du khách từ Việt Nam đến Nhật Bản đã tăng lên trong những năm gần đây.
Năm 2010, con số này là 42.000 lượt, đến năm 2019 đã tăng lên mức 495.000 lượt. Theo đánh giá của giới chuyên gia, thu nhập của người dân Việt Nam tăng lên, ý thức về mối quan hệ thân thiết với Nhật Bản và người dân Nhật Bản, cũng như ngày càng có nhiều chuyến bay giá rẻ giữa hai nước là các yếu tố thúc đẩy sự phát triển này.
Theo bảng xếp hạng về lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản, năm 2015, Việt Nam đứng thứ 15 nhưng đến năm 2019 đã vươn lên vị trí thứ 10, tăng dần qua các năm.
Số lượng người Nhật Bản sinh sống tại Việt Nam ngày càng tăng qua các năm, trong khi số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đã bùng nổ trong những năm gần đây. Theo bảng xếp hạng số lượng người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản, Việt Nam đứng thứ 4 năm 2016 và đến năm 2020 đã trở thành cộng đồng nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản.
Số lượng người Việt Nam định cư tại Nhật Bản tăng nhanh chủ yếu là do thực tập sinh kỹ năng và du học sinh tăng lên. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia phái cử thực tập sinh kỹ năng lớn nhất và là quốc gia có số sinh viên du học đứng thứ hai tại Nhật Bản.
Về thương mại, Việt Nam đứng thứ 29 về nhập khẩu từ Nhật Bản và đứng thứ 28 về xuất khẩu sang Nhật Bản nhưng đến năm 2019 đã lần lượt nhảy vọt lên vị trí thứ 9 và thứ 10. Như vậy, Nhật Bản và Việt Nam là những đối tác kinh tế quan trọng của nhau.
Thứ hai, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác thân thiết và quan trọng trong quan hệ ngoại giao. Điển hình vào tháng 1/2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là điểm đến nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Tháng 5/2016, Chính phủ Nhật Bản, với tư cách là chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), đã đặc biệt mời các nhà lãnh đạo của 6 quốc gia và 5 tổ chức đến cuộc họp G7 mở rộng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nằm trong số những khách mời khi đó.
Năm 2017, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko đã chọn Việt Nam là điểm đến nước ngoài cuối cùng trước khi thoái vị. Tiếp đó, vào tháng 5-6/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân thăm cấp Nhà nước Nhật Bản. Chủ tịch nước Trần Đại Quang là vị quốc khách cuối cùng mà Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko tiếp đón trong thời kỳ trị vì của họ.
Tháng 11/2017, trong Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Đà Nẵng, Thủ tướng Shinzo Abe đã tham dự và hội đàm song phương với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Cũng bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi để đạt được các thỏa thuận cuối cùng giữa 11 quốc gia thành viên.
Tháng 6/2019, khi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Chính phủ Nhật Bản đã đặc biệt mời lãnh đạo của 8 quốc gia và 8 tổ chức, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã 3 lần được mời đặc cách tham dự G20 với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC. Lần thứ tư, nước chủ nhà Nhật Bản đã mời do tầm quan trọng của Việt Nam.
Vào tháng 10/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng, Thủ tướng Yoshihide Suga đã đến thăm Việt Nam, điểm đến nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức.
Đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Fumio Kishida đã đến Glasgow (Anh), điểm đến nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, để tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Trong khi tham dự phiên họp toàn thể, Thủ tướng Kishida đã gặp riêng 5 nhà lãnh đạo, trong đó có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Vào cuối tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản, vị khách nước ngoài đầu tiên được Thủ tướng Kishida tiếp kể từ khi nhậm chức. Tháng 5/2023, Nhật Bản đăng cai Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima đã mời 9 nước và 7 tổ chức quốc tế, trong đó có Việt Nam và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến Hiroshima tham dự. Thứ ba, Nhật Bản và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh.
Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Giáo sư Masaya cho rằng ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác cho Nhật Bản và Việt Nam không chỉ trong quan hệ song phương mà còn trong các khuôn khổ đa phương. Việt Nam là thành viên ASEAN, là đối tác quan trọng trong quan hệ ngoại giao của Nhật Bản. Việt Nam đang đóng vai trò tích cực với tư cách là một chủ thể ngày càng quan trọng trong ASEAN.
Theo giáo sư, lấy khuôn khổ ASEAN làm cốt lõi, Nhật Bản và Việt Nam được bao quanh bởi một vòng tròn đồng tâm nhiều tầng của quan hệ đa phương trong khu vực. Trong thời gian tới, khi Việt Nam tiếp tục phát triển và sức mạnh quốc gia ngày càng lớn, tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nhật Bản sẽ ngày càng tăng lên. Sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước sẽ ngày càng chặt chẽ hơn./.