Chuyên gia Nhật hiến kế phát triển ngành bán dẫn Việt Nam

Không chỉ Nhật Bản mà doanh nghiệp các nước khi muốn tìm kiếm nguồn kỹ sư chất lượng cao ngành bán dẫn đều nghĩ đến Singapore.

Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư nước ngoài năm 2023.

Kết quả cho thấy bên cạnh ưu điểm, ngành bán dẫn Việt Nam (VN) vẫn còn một số hạn chế lớn như tỉ lệ thu mua linh phụ kiện từ DN VN còn thấp; thủ tục hành chính khó khăn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM, xung quanh câu chuyện này.

 Hiện Việt Nam chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel và Công ty CP Bán dẫn FPT tham gia công đoạn thiết kế chip bán dẫn. Ảnh: MINH HOÀNG

Hiện Việt Nam chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel và Công ty CP Bán dẫn FPT tham gia công đoạn thiết kế chip bán dẫn. Ảnh: MINH HOÀNG

Nhật Bản “khát” nhân lực chất lượng cao

. Phóng viên: Theo kết quả khảo sát của JETRO, có 42,7% DN Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về thực trạng này?

+ Ông Nobuyuki Matsumoto (ảnh): Các DN Nhật Bản khó tìm được kỹ sư có tay nghề, chuyên môn cao trong lĩnh vực bán dẫn. Không riêng DN Nhật Bản mà DN các quốc gia khác cũng đang tranh giành nguồn nhân lực có tay nghề, những quản lý cấp trung đủ năng lực để làm việc.

Nếu VN không có nhiều nhân lực chất lượng cao thì thị trường sẽ không còn hấp dẫn. Các DN Nhật Bản sẽ hướng đến những thị trường khác, nơi có thể tìm kiếm nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu chất lượng sản xuất.

Để thu hút đầu tư và phát triển ngành bán dẫn, Việt Nam cần có được nguồn nhân lực tay nghề cao dồi dào trong tương lai.

. Đó cũng là lý do năm 2023 tỉ lệ thu mua linh phụ kiện của DN VN còn thấp, chỉ 17,2%. Vậy theo ông, các công ty VN cần làm gì để đáp ứng nhu cầu của DN Nhật Bản?

+ Tỉ lệ thu mua nội địa của VN còn thấp so với bình quân ASEAN và một số quốc gia lân cận. Nhìn chung 10 năm qua tỉ lệ cung ứng nội địa của VN đã tăng dần, cho thấy sự nỗ lực của DN VN.

Tuy nhiên, việc gia tăng tỉ lệ nội địa hóa không thể làm trong một sớm một chiều mà cần nỗ lực dài hơi.

Để phát triển trong lĩnh vực này, DN VN phải nâng cao tiêu chuẩn tay nghề cũng như trình độ công nghệ của nhân sự. Đặc biệt trong các lĩnh vực như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) trước đây ít được biết đến nhưng hiện rất phổ biến.

Năm 2023, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đạt giá trị gần 800 tỉ USD. Ở VN, các DN sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công nghiệp bán dẫn vẫn đang phụ thuộc 100% nguồn cung từ nước ngoài.

Hiện có Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel và Công ty CP Bán dẫn FPT tham gia công đoạn thiết kế chip bán dẫn. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công, giá trị thấp.

Gần đây, với sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất chất bán dẫn toàn cầu giúp VN nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn khi thu hút được một số DN hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Foxconn, Amkor… tới đầu tư xây dựng nhà máy.

(Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, Bộ Công Thương)

DN Nhật kỳ vọng tuyển được kỹ sư giỏi nghề tại VN

. VN định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề công nghiệp công nghệ cao như bán dẫn, AI… DN Nhật Bản đánh giá sự hấp dẫn của thị trường VN như thế nào, thưa ông?

+ Lĩnh vực bán dẫn nhận được sự quan tâm cao không chỉ của DN Nhật Bản mà tất cả DN ở các quốc gia khác cũng vậy.

Đặc biệt, DN Nhật Bản kỳ vọng sẽ tuyển được kỹ sư giỏi, lành nghề khi đến VN. Đồng thời đánh giá cao đội ngũ kỹ sư thiết kế và một số mẫu mã thiết kế của vật liệu bán dẫn, mô hình đã được xây dựng hướng ra thị trường quốc tế.

. TP.HCM được DN bán dẫn Nhật Bản nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

+ Năm 2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có buổi gặp gỡ các DN sản xuất bán dẫn tại Tokyo, khuyến khích, thúc đẩy những DN Nhật Bản còn phân vân với quyết định đầu tư vào TP.HCM dù họ đã đến TP nhiều lần.

Hiện có khoảng 10 DN lớn của Nhật Bản đang đầu tư sản xuất thiết kế vật liệu bán dẫn tại TP.HCM.

Các DN này đang tuyển dụng khoảng 1.000 kỹ sư và nhiều sinh viên mới ra trường về đào tạo trong hệ thống của DN để kế thừa, làm việc tại các nhà máy của họ.

. Một số DN nước ngoài đặt hàng số lượng nhân lực chất lượng cao của VN, còn nhu cầu của DN Nhật Bản thế nào?

+ Trước yêu cầu đòi hỏi công nghệ cao của ngành bán dẫn, tôi cho rằng các trường ĐH của VN cần dũng cảm đổi mới nội dung giảng dạy.

Làm sao để đào tạo, cung cấp được lượng nhân lực chất lượng cao ổn định. Các sinh viên khi ra trường là những người ưu tú, có kiến thức công nghệ mới, đủ khả năng vào làm việc cho các DN trong lĩnh vực bán dẫn.

Đây là câu chuyện dài, cần phải có sự liên kết giữa nhà trường và DN.

Phải đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành chính

Kết quả khảo sát cho thấy mặc dù 56,7% DN Nhật Bản có tham vọng “mở rộng” kinh doanh tại VN trong 1-2 năm tới nhưng là nước duy nhất trong sáu nước ASEAN có tỉ lệ “mở rộng” giảm so với năm trước.

Theo ông Nobuyuki Matsumoto, nguyên nhân chính là do sự ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, các DN Nhật Bản đã đầu tư và đang mở rộng đầu tư tại VN nhận định thủ tục hành chính của VN quá phức tạp, có những quy định mơ hồ, không minh bạch.

Vì vậy, để các DN Nhật Bản yên tâm mở rộng kinh doanh, đồng thời mời gọi thêm DN mới đầu tư vào VN trong thời gian tới, hơn bao giờ hết cần phải đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành chính.

Thu hút đầu tư với nguồn nhân lực chất lượng cao

. Như ông chia sẻ, nếu VN không đào tạo và cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, liệu việc các DN Nhật Bản rời VN sẽ xảy ra?

+ DN Nhật Bản và DN các nước khi muốn tìm kiếm kỹ sư chất lượng cao ngành công nghệ thông tin hay bán dẫn đều nghĩ ngay đến Singapore.

Nếu VN không có nguồn nhân lực chất lượng, DN nước ngoài sẽ hướng sang thị trường khác như Singapore để tìm các kỹ sư giỏi dù mức lương rất cao. Malaysia hiện cũng là ngôi sao trong lĩnh vực bán dẫn mà nhiều nhà đầu tư quan tâm hướng đến.

Do đó, để trở thành điểm đến thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, VN phải đuổi kịp và vượt qua được Malaysia, Singapore.

. Ông có gợi ý nào để VN thực hiện được điều đó?

+ Những năm qua, VN đầu tư tăng trưởng kinh tế khá tốt với kết quả hằng năm tăng trưởng dương và hiện đạt thu nhập bình quân đầu người 4.000 USD/năm.

Nhưng để đạt được mức thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD trở lên/năm

(thu nhập nhiều quốc gia hướng tới), VN phải có một số ngành công nghiệp về công nghệ mang lại đóng góp lớn.

Mục tiêu có thể khả thi nếu VN biến ngành công nghiệp bán dẫn trở thành ngành công nghiệp lớn của quốc gia. Tạo ra thu nhập cao cho người dân với chiến lược đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng, tay nghề cao, dồi dào trong tương lai.

. Xin cảm ơn ông.•

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-nhat-hien-ke-phat-trien-nganh-ban-dan-viet-nam-post776718.html