Chuyên gia nói BRICS không nên trở thành tổ chức chống phương Tây khi mở rộng

Nhận định với đài Sputnik, các chuyên gia cho rằng, mặc dù sẽ tiếp tục mở rộng thành viên, nhưng BRICS nên tránh tăng cường trục chống Mỹ và chống phương Tây để ngăn chặn những thời điểm đối đầu và thách thức mà sẽ khiến thế giới bị chia rẽ một lần nữa.

Đại diện các nước thành viên BRICS. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại diện các nước thành viên BRICS. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài Sputnik, tại hội nghị thượng đỉnh ngày 24/8 ở Johannesburg (Nam Phi), nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã tuyên bố kết nạp các thành viên mới, gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia từ ngày 1/1/2024. Như vậy, thành viên của BRICS tăng hơn gấp đôi.

Ông Nelson Wong, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế RimPac Thượng Hải cho biết: “Chúng ta tin rằng không ai muốn quay lại những ngày Chiến tranh Lạnh, nên cần phải cảnh báo nếu có nỗ lực nào có khả năng khiến thế giới bị chia rẽ một lần nữa”.

Do đó, chuyên gia Wong nhấn mạnh rằng sẽ hiệu quả hơn nếu BRICS bắt đầu tham gia đàm phán và tương tác với cả Mỹ và Liên minh châu Âu để thảo luận về cách vận hành thế giới, xét thực tế là năm thành viên của BRICS chiếm khoảng 40% dân số và hơn 30% nền kinh tế toàn cầu.

Ông Pankaj Jha, giáo sư tại Đại học Toàn cầu Jindal (Ấn Độ), cũng bày tỏ những lo ngại tương tự. Theo ông, rõ ràng là Ấn Độ cho rằng BRICS không nên trở thành nền tảng cho trục chống phương Tây.

Ông nói: “Ấn Độ đã đề xuất mạnh mẽ rằng BRICS là một cấu trúc hợp tác, toàn diện, có thể thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu, nhưng cũng nên bắt buộc các quốc gia thành viên phải chấp nhận chương trình nghị sự thông qua thảo luận thay vì để một quốc gia nào hoàn toàn thống trị chương trình nghị sự”. Ông cho rằng có nguy cơ BRICS sẽ biến thành một nhóm do một quốc gia chi phối.

Ông nhận định: “Điều cần lưu ý là cần phân bổ đồng đều số lượng thành viên trên khắp các châu lục khác nhau và điều này không nên chịu ảnh hưởng bởi sở thích của một quốc gia nào đó”.

Ngay cả trước hội nghị thượng đỉnh BRICS, rõ ràng là không phải tất cả các thành viên đều hoàn toàn ủng hộ khối này mở rộng nhanh chóng. Chủ trương mở rộng khối chủ yếu do Trung Quốc khởi xướng và được Nga, Nam Phi ủng hộ.

Theo ông Pankaj Jha, phía Ấn Độ đã nhấn mạnh rằng cần có một văn bản và khuôn mẫu để xét lại tư cách thành viên cứ 5 năm một lần.

Trong khi đó, chuyên gia Wong cho biết các thành viên BRICS không thống nhất hoàn toàn về một số phần trong chiến lược dài hạn, ví dụ như giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong giao dịch.

Theo ông Wong, điều quan trọng và kịp thời là tất cả các thành viên của tổ chức này phải nhận ra những phức tạp khi cố gắng xây dựng một loại tiền BRICS mới trước khi sử dụng nguồn lực cho nỗ lực đó.

Tuy nhiên, cả hai chuyên gia đều nhất trí rằng ngày càng có nhiều quốc gia không hài lòng với cấu trúc hiện tại của thế giới cũng như các thể chế toàn cầu vốn có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp, khác biệt cũng như xây dựng gắn kết. Do đó, các nước này đã bắt đầu lên tiếng ủng hộ một trật tự thế giới đa cực thực sự công bằng và dựa trên luật pháp quốc tế.

Từ trái sang: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg (Nam Phi) ngày 24/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ trái sang: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg (Nam Phi) ngày 24/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Không phải tình cờ mà có tới hơn 40 quốc gia bày tỏ quan tâm tới việc gia nhập BRICS. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trì trệ và những thách thức nghiêm trọng khác, hội nghị thượng đỉnh BRICS đã nâng cao tình đoàn kết và hợp tác của các nước BRICS và các nước trong khối Nam bán cầu. Việc mở rộng thành viên lần này sẽ tạo sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS, tăng cường hơn nữa lực lượng vì hòa bình và phát triển thế giới. Đồng thời, sức mạnh kinh tế và tầm quan trọng toàn cầu của các thành viên BRICS trong các vấn đề thương mại, cũng sẽ tăng lên đáng kể khi số lượng thành viên từ 5 trở thành 11.

BRICS được đánh giá là lực lượng tích cực và ổn định, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng trật tự thế giới công bằng và bình đẳng bởi nhóm có đại diện từ khắp các châu lục. Một điều đáng lưu ý nữa là trong số thành viên mới sẽ bao gồm ba nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới là Saudi Arabia, UAE và Iran cùng với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Phi và Mỹ Latinh là Ai Cập, Ethiopia và Argentina.

Ông Priyal Singh, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu An ninh (ISS, Nam Phi) cho rằng BRICS mở rộng theo một cách nào đó sẽ góp phần tạo ra ảnh hưởng và đòn bẩy lớn hơn cho nhóm này. Điều quan trọng là các nước cùng nỗ lực, tận tâm và phối hợp hơn nữa để chỉ đạo và điều phối sự tham gia tập thể đó.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-gia-noi-brics-khong-nen-tro-thanh-to-chuc-chong-phuong-tay-khi-mo-rong-20230830105231490.htm