Chuyên gia nói gì về việc thế giới đã nghiên cứu được máu nhân tạo phục vụ điều trị
Sản xuất được máu nhân tạo là tiến bộ mang lại rất nhiều hy vọng cho những trường hợp bệnh nhân có nhóm máu hiếm; tuy nhiên để thành thường quy sẽ cần rất nhiều thời gian, tiền của.
Mới đây, thế giới đã bắt đầu thử nghiệm đưa máu nhân tạo truyền vào người; là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực truyền máu, đem lại hy vọng cho những người bị rối loạn máu, có máu hiếm.
Clip TS. Bạch Quốc Khánh trao đổi về triển vọng của việc đã nghiên cứu, sản xuất được máu nhân tạo:
Trao đổi về việc nghiên cứu, sử dụng máu nhân tạo trong bối cảnh nhu cầu máu điều trị cao, TS. Bạch Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Huyết học- Truyền máu cho rằng: "Việc nghiên cứu ra nguồn máu nhân tạo là sự cố gắng để có được nguồn hồng cầu; bản chất của việc này chính là tạo được chất có khả năng vận chuyển được oxy; vì hồng cầu mang một chất có nhiệm vụ gắn vào oxy để vận chuyển đến các cơ quan và tổ chức. Do đó, việc sản xuất được máu nhân tạo này là sản xuất ra được một chất có thể gắn với oxy để vận chuyển đến các cơ quan, tổ chức chứ không phải bắt buộc là một sản phẩm giống hệt như hồng cầu trên người".
Theo đó, khi sản xuất ra được chất trên, cần phải tiếp tục nhân lên đủ số lượng để tương đương với 1 đơn vị hồng cầu, ví dụ như trong 350ml có tới hàng triệu, hàng tỷ hồng cầu, chất nhân tạo này cũng phải tương đương thì mới có thể làm máu nhân tạo được.
Chuyên gia cũng đánh giá, đây là tiến bộ mang lại rất nhiều hy vọng cho những trường hợp bệnh nhân có nhóm máu hiếm; nhưng để việc này có thể trở thành thường quy có thể sẽ cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể làm được.
Cũng theo TS. Bạch Quốc Khánh, hiện nay việc song song nghiên cứu theo hướng sản xuất được máu nhân tạo là rất tốt nhưng việc này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Vì vậy, chúng ta vẫn có những biện pháp đơn giản hơn, dễ làm hơn như: Việc lưu trữ lượng hồng hiếm ở độ âm sâu (giữ đông lạnh), khi đó có thể kéo dài sự sống của hồng cầu tới hàng năm, hoàn toàn có thể phục vụ được cho những trường hợp nhóm máu hiếm mà chúng ta cần; việc này Việt Nam đã làm được. Ở yêu cầu thấp hơn, việc lập các câu lạc bộ nhóm máu hiếm như chúng ta đang làm hiện nay cũng đã đáp ứng khá đầy đủ cho những trường hợp điều trị khi bệnh nhân nhóm máu hiếm cần.