Chuyên gia nói về 'lũ 5.000 năm mới xảy ra một lần'

'Lũ 5.000 năm mới xảy ra một lần' là trận lũ có độ lớn ứng với trận lũ có chu kỳ lặp 5.000 năm, không phải 5000 năm mới xảy ra một lần.

Ngày 22-7, UBND tỉnh Nghệ An có thông báo khẩn 604/TB-UBND về tình hình lưu lượng nước về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ. Theo đó, lưu lượng nước tại đây đạt 9.543 m³/s, gần chạm mức đỉnh lũ kiểm tra 10.500 m³/s, tương đương “lũ chu kỳ lặp lại 5.000 năm xảy ra một lần” (xác suất ~ 0,02%). Nội dung này khiến nhiều người thắc mắc về cụm từ “lũ 5.000 năm mới xảy ra một lần”.

TS.Lương Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có những lý giải.

Theo TS Dũng, thông số trên xảy ra vào tầm đêm ngày 22-7 và sau đó vào 2 giờ sáng ngày 23-7, lưu lượng đỉnh lũ đạt 12.800 m³/s vượt 2.300m3/s so với đỉnh lũ kiểm tra với tần suất p=0,02 (ứng với chu kỳ lặp lại 5000 năm) là 10.500 m³/s.

Nói như vậy để thấy về mức độ bất thường đã xảy ra lũ cực hiếm trên thượng nguồn sông Cả, tiềm ẩn nguy hiểm đến công trình hồ chứa và dân cư, cơ sở hạ tầng.

Thông tin “lũ 5.000 năm mới xảy ra một lần” phải hiểu đúng là trận lũ có độ lớn (quy mô) ứng với trận lũ có chu kỳ lặp 5.000 năm, không phải 5000 năm mới xảy ra một lần. Và đây chỉ nói đến khả năng xảy ra chứ không gắn với thời gian xảy ra. Vì lũ xảy ra mang tính ngẫu nhiên cao, nên hoàn toàn có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào.

Với lũ có chu kỳ lặp 5.000 năm ứng với xác suất 0,02% có nghĩa khả năng xảy ra lũ lớn hơn hoặc bằng con lũ này (cụ thể hồ Bản Vẽ là 12.800 m3/s) là rất hiếm.

 Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ trên địa bàn miền núi tỉnh Nghệ An. Ảnh: CTV

Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ trên địa bàn miền núi tỉnh Nghệ An. Ảnh: CTV

Nói cụ thể hơn, nếu một trận lũ có chu kỳ lặp lại là 5.000 năm, điều đó có nghĩa là xác suất để nó xảy ra là 1/5.000, hay 0,02%. Đây là một giá trị xác suất (hay khả năng xảy ra), chứ không phải là gắn liền về mặt thời gian xảy ra.

Trong thủy văn, tần suất lũ (ký hiệu là P) được hiểu xác suất của sự vượt. Có nghĩa là xác suất để xảy ra trận lũ có lưu lượng đỉnh lũ lớn hơn hoặc bằng lưu lượng ứng với xác suất này. Chúng ta thường dùng cùng khái niệm chu kỳ lũ T (hay “chu kỳ lặp lại”) để chỉ số năm trung bình có thể xảy ra giữa hai trận lũ có cùng độ lớn. Mối quan hệ giữa tần suất và chu kỳ là:

P = 1/T

Ví dụ:

· Nếu T = 50 năm P = 1/50 = 2%

· Nếu T = 5.000 năm P = 1/5.000 = 0,02%

Điều này nghĩa là có thể hai năm liên tiếp cùng xảy ra lũ có cùng cường độ 5.000 năm.

Vì đây là ý nghĩa về xác suất thống kê, không phải chu kỳ cứng. Một trận lũ có xác suất 0,02% không có nghĩa là phải đợi đúng 5.000 năm mới lặp lại. Trên lý thuyết, năm sau nó vẫn có thể xảy ra, nhưng xác suất là cực kỳ hiếm.

Chúng ta nên hiểu rằng, nói “lũ 5.000 năm” là cách các nhà chuyên môn ngoại suy theo thống kê dựa trên chuỗi số liệu mưa và lũ quan trắc được trong nhiều năm. Nó giống như cách nói “lũ lịch sử”, nhưng ở đây là có tính toán rõ xác suất.

An Hiền ghi

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chuyen-gia-noi-ve-lu-5000-nam-moi-xay-ra-mot-lan-post861946.html