Chuyên gia nói về nguyên lý và cách xử lý thiết bị phá sóng chìa khóa xe thông minh

Nhiễu điện từ là hiện tượng vốn gây đau đầu cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử. Tại Việt Nam, những sản phẩm điện tử nhập lậu rất phố biến, khiến tình trạng này càng nan giải.

Chìa khóa xe thông minh bị tê liệt do nhiễu từ

Những ngày qua, nhiều điểm bị nhiễu sóng khiến ô tô, xe máy dùng khóa thông minh không thể hoạt động buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc. Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), tại Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện thêm 3 điểm nữa bị nhiễu sóng, khiến ô tô, xe máy dùng khóa thông minh không thể hoạt động được.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này một phần do một số thiết bị trôi nổi có cùng tần số dẫn đến nhiễu loạn. Do đó, người tiêu dùng nên mua sản phẩm uy tín, chất lượng để không xảy ra tình trạng trên. Đáng chú ý, Cục Tần số vô tuyến điện đã thiết lập số hotline 0862.92.92.92 để tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân khi thiết bị khóa thông minh ôtô, xe máy và các trường hợp khác bị hiện tượng can nhiễu vô tuyến.

Thiết bị điều khiển máy bơm nước từ xa gây nhiễu sóng các thiết bị chìa khóa xe thông minh.

Thiết bị điều khiển máy bơm nước từ xa gây nhiễu sóng các thiết bị chìa khóa xe thông minh.

Nói về nguyên lý làm nhiễu sóng chìa khóa xe thông minh, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết đây chính là hiện tượng nhiễu từ. Nhiễu điện từ (EMI - Electromagnetic interference) liên quan đến sự xáo trộn gây ra bởi bức xạ, sóng điện từ trên các thiết bị hoặc hệ thống điện tử, dẫn đến các tác động không mong muốn như suy giảm tín hiệu, hỏng dữ liệu hoặc thậm chí lỗi hệ thống. EMI được tạo ra bởi nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các hiện tượng tự nhiên như sét hoặc bão mặt trời, các nguồn do con người tạo ra như đường dây điện, thiết bị điện tử hoặc hệ thống liên lạc không dây.

EMI có thể bắt nguồn từ nguồn cố ý và không chủ ý. Các nguồn có chủ ý bao gồm máy phát vô tuyến, thiết bị liên lạc không dây và lò vi sóng. Các nguồn không chủ ý bao gồm động cơ điện, đường dây điện, đèn huỳnh quang và các thiết bị điện tử có tốc độ chuyển mạch nhanh.

Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, đó là do vẫn còn rất nhiều thiết bị điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tem chứng nhận hợp quy, thường là hàng nhập lậu từ Trung Quốc... được lưu hành trên thị trường. Những thiết bị này đa phần không bao gồm các quy trình kiểm nghiệm nêu trên. Một số thiết bị thậm chí hoạt động cao hơn giới hạn cho phép, khiến tình trạng can nhiễu xảy ra trầm trọng hơn.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, EMI có thể làm gián đoạn hoạt động bình thường của các thiết bị hoặc hệ thống điện tử. Nó có thể dẫn đến biến dạng tín hiệu, giảm cường độ tín hiệu, hỏng dữ liệu, tăng tỷ lệ lỗi hoặc thậm chí lỗi hệ thống hoàn toàn. Mức độ nghiêm trọng của các hiệu ứng phụ thuộc vào các yếu tố như cường độ của tín hiệu nhiễu, độ nhạy của thiết bị ảnh hưởng và khoảng cách giữa nguồn nhiễu và thiết bị bị bị ảnh hưởng.

Cần quy định tiêu chuẩn thiết bị để hạn chế nhiễu điện từ

Để giảm thiểu các vấn đề liên quan đến EMI, các kỹ thuật khác nhau được sử dụng. Che nhiễu là một cách tiếp cận phổ biến liên quan đến việc bao bọc các thành phần hoặc thiết bị điện tử trong vật liệu dẫn điện để chặn hoặc làm suy giảm bức xạ điện từ. Các kỹ thuật lọc, chẳng hạn như thêm tụ điện hoặc cuộn cảm, có thể được sử dụng để triệt tiêu nhiễu tần số cao. Việc nối đất và tách thiết bị nhạy cảm khỏi các nguồn nhiễu tiềm ẩn cũng rất quan trọng.

TS Trương Trung Kiên, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết sóng vô tuyến có đặc điểm là phải có băng thông với một tần số nhất định mới thực hiện kết nối hai thiết bị. Với smartkey của xe máy, ôtô, độ rộng về tần số, kênh truyền rất hẹp. Khi một thiết bị khác phát ra sóng vô tuyến với công suất lớn, ở khoảng cách gần và nếu cùng tần số, băng thông thì sẽ gây nhiễu sóng, mất kết nối.

Để xử lý khi smartkey bị mất kết nối do nhiễu sóng, chủ phương tiện nên thử đặt cảnh báo bằng cách nhấn nút khóa trên điều khiển từ hoặc sử dụng chìa khóa vật lý. Chủ xe cũng có thể di chuyển gần hơn đến xe và thử lại quá trình mở khóa. Khoảng cách gần hơn có thể giúp tín hiệu truyền đến hệ thống khóa mạnh hơn và vượt qua nhiễu.

Chuyên gia cho biết, nhiều quốc gia có các quy định và tiêu chuẩn để hạn chế lượng nhiễu điện từ do các thiết bị điện tử tạo ra và để đảm bảo khả năng thích ứng điện từ (EMC - Electromagnetic Compatibility) của chúng. Các quy định này xác định mức phát, tần số chấp nhận được và ngưỡng bị nhiễu cho các loại thiết bị khác nhau. Các nhà sản xuất thường thực hiện kiểm tra EMC để đảm bảo sản phẩm của họ tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn có liên quan. Điều này giúp việc đưa các thiết bị vào các trường điện từ khác nhau và đánh giá mức ảnh hưởng trong những điều kiện như vậy. Kiểm tra giúp xác định và khắc phục mọi vấn đề liên quan đến EMI trước khi sản phẩm được tung ra thị trường.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện, các thiết bị phát ra sóng vô tuyến phải đạt chứng nhận hợp quy, bao gồm các công đoạn đo kiểm tỉ mỉ trong phòng thí nghiệm, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn đúng quy định về băng tần hoạt động, giới hạn về công suất phát xạ chính, phát xạ giả, điều kiện khai thác... Những bước này giúp thiết bị khi được đưa vào sử dụng, sẽ không còn khả năng gây nhiễu trên băng tần dành cho thiết bị điều khiển từ xa ở xung quanh.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện, khi mua. bán, sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa, người dân nên lựa chọn các thiết bị có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, không mua các thiết bị nhập lậu, không đảm bảo chất lượng, bán trôi nổi trên thị trường. Đối với trường hợp không được miễn cấp phép, ngoài yêu cầu chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy phải thực hiện đăng ký cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện. Để biết thiết bị nào nằm trong danh mục được miễn cấp phép, người dân có thể truy cập vào website của Cục Tần số vô tuyến điện tại địa chỉ: https://rfd.gov.vn.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-noi-ve-nguyen-ly-va-cach-xu-ly-thiet-bi-pha-song-chia-khoa-xe-thong-minh-169230626104045779.htm