Chuyên gia nói về việc 5 năm mới xét xử vụ cháy chung cư Carina
Luật sư cho biết việc giải quyết các vụ án phức tạp như vụ cháy chung cư Carina luôn cần nhiều thời gian, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến việc điều tra phải tạm dừng.
Sáng 8/9, TAND TP.HCM hoãn phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan vụ cháy chung cư Carina Palaza ở đường Võ Văn Kiệt, quận 8, năm 2018. Phiên tòa không diễn ra như dự kiến do luật sư bào chữa cho các bị cáo và một số người tham gia tố tụng có đơn xin hoãn xét xử.
Vụ án này được khởi tố tháng 4/2018. Một năm sau, cơ quan công an ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với 2 bị can là ông Nguyễn Văn Tùng (42 tuổi, ngụ quận 8, giám đốc Công ty TNHH XD TMDV SX Hùng Thanh) và ông Nguyễn Quốc Tuấn (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, trưởng ban quản lý chung cư Carina) về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Sau đó, vụ án bị tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định về thiệt hại. Đến tháng 2/2021, vụ án được phục hồi điều tra. Tháng 2/2022, VKSND TP.HCM hoàn tất cáo trạng để chuyển hồ sơ sang tòa án cùng cấp.
Theo dõi diễn biến vụ việc, nhiều người thắc vì sao cho đến nay, vụ án mới được đưa ra xét xử? Và việc giải quyết vụ án mất 5 năm có phù hợp với quy định về thời hạn truy tố, xét xử quy định trong luật?
Theo luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM), việc kéo dài gian giải quyết vụ án so với luật định vẫn diễn ra trên thực tế. Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định thời hạn điều tra đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là không quá 4 tháng. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp, vụ án đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
Nếu thời gian gia hạn điều tra vẫn chưa đủ để hoàn thành hồ sơ vụ việc thì Viện trưởng VKSND Tối cao có thể gia hạn thêm một lần nữa, thời hạn không quá 4 tháng. Như vậy, một vụ án hình sự mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng có đối đa 20 tháng để hoàn tất quá trình điều tra.
Tuy nhiên, theo luật sư, vụ án chung cư Carina Plaza rất phức tạp và chịu ảnh hưởng của yếu tố khách quan là dịch bệnh nên cần nhiều thời gian giải quyết hơn luật định. Bởi trong quá trình điều tra, giám định và định giá tài sản là 2 hoạt động quan trọng, tốn thời gian nhất. Luật sư Thạnh phân tích cùng một vụ cháy có thể có nhiều cơ quan giám định và đưa ra kết quả khác nhau, thậm chí chéo nhau. Lúc đó, cơ quan chức năng sẽ lấy trung bình cộng kết quả của các phòng thí nghiệm để đánh giá chất lượng. Tùy vào khối lượng công việc của từng công trình, việc kiểm tra chung cư 20 tầng như Carina mất rất nhiều thời gian. Mỗi một lần xác định vị trí sự cố phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng liên quan.
Bên cạnh đó, tổn thất không chỉ dừng lại ở tài sản là xe cộ và nhà ở. Vụ cháy còn gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cư dân. Do đó, quá trình định giá tài sản và thiệt hại cũng mất nhiều thời gian vì phải thu thập, xác minh thông tin từng hộ dân.
Theo luật sư, thời hạn giám định và định giá tài sản là có thể điều chỉnh, căn cứ Điều 208 và Điều 216 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp việc định giá tài sản và giám định không thể tiến hành trong thời hạn yêu cầu, cơ quan đảm nhận 2 hoạt động trên phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan, người đã yêu cầu giám định và định giá biết.
Luật sư Thạnh cũng giải thích công tác định giá và giám định ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều tra, giải quyết vụ án nên cơ quan điều tra có quyền ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi hết thời hạn điều tra nhưng việc trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản chưa có kết quả. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Vì thế, ngay cả khi cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ cháy là do sự cố chập điện của xe máy và làm rõ tình trạng hư hỏng của hệ thống PCCC thì vụ án vẫn bị tạm đình chỉ cho đến tháng 2/2021 để chờ kết quả giám định về thiệt hại. Kết thúc quá trình điều tra, hồ sơ được chuyển sang VKSND TP.HCM để chờ quyết định tiếp theo.
Cùng nêu quan điểm về thời hạn giải quyết vụ cháy chung cư Carina, luật sư Lê Phước Trung (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết VKSND hoàn toàn có thể gia hạn thêm không quá 30 ngày nhằm xem xét kỹ lưỡng hồ sơ.
Tháng 2/2022, VKSND TP.HCM đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang TAND TP.HCM. Luật sư Trung cho biết theo quy định, phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra trong tháng 3/2022. Tuy nhiên, việc xét xử diễn ra muộn hơn để xử lý yêu cầu của các bên, hoặc gặp vướng mắc trong việc triệu tập nhân chứng.
Về thời gian giải quyết vụ án kéo dài 5 năm, luật sư Trung cho rằng đây là một vụ án phức tạp, cần nhiều thời gian để xác minh. Chưa kể trong thời gian truy tố từ năm 2018 đến nay, TP.HCM mất 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc giám định, điều tra phải ngưng tạm thời. Luật sư cho rằng việc giải quyết các vụ án phức tạp cần linh hoạt giữa quy định pháp luật và điều kiện thực tế nhằm đảo bảo kết luận khách quan. Tốn kém về thời gian là điều cơ quan điều tra phải đánh đổi để có thể xử lý đúng người, đúng tội.
Theo hồ sơ vụ án, tối 22/3/2018, nam thanh niên 27 tuổi ở Lô A chung cư Carina đi xe Attila về để dưới hầm xe khu số 6. Đến 1h15 ngày 23/3/2018, xe này xuất hiện khói và tia lửa nhỏ ở khu vực để chân. Trong vòng 6 phút lửa bùng phát ở đầu xe và bốc cao ngang ống thông gió tầng hầm.
1h23, hệ thống chiếu sáng khu vực tầng hầm bị tắt, sau đó lửa bùng lên dữ dội, cháy lan các xe máy và ôtô để trong hầm. Khói, khí nóng và khí độc theo buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng trên chung cư. Trong khi đó, hệ thống báo cháy tự động tại khu vực gồm nhiều đầu báo cháy không hoạt động; bơm tăng áp trong hệ thống chữa cháy được tháo, mang sang dự án khác để phục vụ công tác nghiệm thu... Hậu quả không chỉ dừng lại ở việc gần 500 xe máy và hơn 80 ôtô bị cháy rụi mà còn cướp đi mạng sống của 13 người, cùng hơn 60 người bị thương.