Chuyên gia nước ngoài nói gì về đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 vừa khép lại, đề tiếng Anh trở thành tâm điểm thảo luận. Dù thí sinh bất ngờ về độ khó, định hướng của đề lại nhận được sự đồng tình từ nhiều chuyên gia. Họ cho rằng đây là bước quan trọng nâng chất lượng dạy và học tiếng Anh, tiệm cận yêu cầu thực tế, đổi mới.

Đề thi 2025: Thách thức nhưng cần thiết cho sự phát triển

Sau khi thi xong tốt nghiệp THPT 2025, không ít thí sinh bày tỏ sự bất ngờ về độ khó và cả độ dài của bài thi. Điều này phản ánh thực tế rằng, đối với đa phần học sinh phổ thông, đề thi năm nay quả thực là một thử thách đáng kể. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhìn nhận đây là một tín hiệu tích cực cho lộ trình phát triển.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, một giáo viên tiếng Anh có kinh nghiệm tại Hà Nội nhận định: "Đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 đã cho thấy sự nỗ lực trong việc kiểm tra năng lực thực chất của học sinh. Các đoạn đọc hiểu có nội dung phong phú hơn, đòi hỏi tư duy phân tích, tổng hợp thông tin, thay vì chỉ tìm kiếm từ khóa đơn thuần. Mức độ từ vựng và cấu trúc ngữ pháp cũng được nâng cao một bước.

Theo tôi, đây là định hướng phù hợp với xu thế chung, khuyến khích học sinh học tập nghiêm túc và bài bản hơn, không chỉ dừng lại ở việc học tủ hay học mẹo".

Giáo viên này cũng chia sẻ thêm, một đề thi có tính phân hóa sẽ giúp các trường đại học lựa chọn được những thí sinh có năng lực ngôn ngữ tốt, sẵn sàng cho môi trường học tập và làm việc đòi hỏi cao hơn.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025.

Đồng quan điểm, cô Faith – giáo viên tại Trung tâm ngoại ngữ Pasal Hải Phòng, một chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam nhận xét: "Để nâng cao chất lượng đầu ra, việc đề thi có độ khó nhất định là điều khó tránh khỏi.

Đề thi năm nay, dù có thể tạo áp lực cho một bộ phận học sinh, nhưng nó lại rất cần thiết để kích thích sự phát triển. Việc tiệm cận một số chuẩn mực quốc tế ở một vài phần thi là dấu hiệu cho thấy Bộ GD&ĐT mong muốn học sinh Việt Nam có năng lực tiếng Anh vững vàng hơn. Áp lực này, nếu được định hướng đúng, sẽ tạo động lực để các em nỗ lực hơn, và cả giáo viên cũng phải đổi mới phương pháp giảng dạy để bắt kịp".

Cô Faith cũng cho rằng, một đề thi có độ phân hóa tốt sẽ hỗ trợ các trường đại học trong việc tuyển chọn thí sinh phù hợp với các chương trình đào tạo chuyên sâu.

Ông Amine Lakhamir - một chuyên gia trong lĩnh vực luyện thi IELTS dành lời khuyên cho thí sinh: "Nếu đề khó thì khó chung cho tất cả thí sinh, vậy nên các em không cần quá lo lắng về việc mình làm bài không tốt hơn bạn bè. Điều quan trọng là hãy chờ kết quả thi được công bố, sau đó bình tĩnh phân tích phổ điểm và có những tính toán, điều chỉnh phù hợp cho lộ trình đặt nguyện vọng xét tuyển đại học của mình".

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tích cực, vẫn có những góc nhìn thận trọng về mức độ phù hợp của đề thi với mục tiêu của một kỳ thi tốt nghiệp THPT dành cho toàn bộ học sinh.

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền – nguyên Phó tổng hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam-Phần Lan chia sẻ quan điểm, mặc dù đề thi chính thức có hình thức câu hỏi tương tự đề thi tham khảo, nhưng phần bài đọc lại sử dụng từ vựng khó và cấu trúc phức tạp: "Liệu học sinh chỉ học theo chương trình trên lớp và sách giáo khoa có đủ khả năng để làm bài đạt kết quả tốt?".

Bộ GD&ĐT: Nội dung đề thi thuộc Chương trình GDPT 2018

Trước những băn khoăn của dư luận, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng bảo vệ định hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT 2025, khẳng định đề thi hoàn toàn phù hợp với mục tiêu và yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018.

Theo Bộ GD&ĐT, đề thi năm nay gia tăng các câu hỏi có tính phân hóa. Đây là điểm khác biệt lớn so với những năm trước, khi đề thi còn ít câu hỏi để phân loại học sinh, dẫn đến khó khăn cho công tác tuyển sinh và buộc nhiều cơ sở giáo dục đại học phải tổ chức các kỳ thi riêng, gây tốn kém và lãng phí nguồn lực xã hội.

"Nội dung đề thi thuộc Chương trình GDPT 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Tỉ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-nuoc-ngoai-noi-gi-ve-de-thi-tieng-anh-tot-nghiep-thpt-2025-169250702181338771.htm