Chuyên gia phân tích tội phạm Đào Trung Hiếu: 'Sao phải sợ sao kê khi mình không có hành vi chiếm hữu'
Theo ông Hiếu, dựa vào các diễn biến xảy ra trên mạng xã hội liên quan đến 'lùm xùm' từ thiện của một số nghệ sĩ, thời điểm này, cơ quan chức năng đã đủ yếu tố cần thiết để điều tra.
Chủ đề nghệ sĩ "minh bạch từ thiện" đang trở thành vấn đề nóng lan truyền trên mạng suốt thời gian dài. Sau danh hài Hoài Linh, đến lượt vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh cũng liên tục bị "réo tên".
Gần đây, Trấn Thành tung ra hàng loạt trang sao kê số tiền đã chuyển vào tài khoản của mình. Anh chia sẻ công khai trên trang cá nhân "Bảng sao kê này dài hơn 1000 trang".
Động thái của Trấn Thành khiến nhiều khán giả bày tỏ sự yêu mến và ủng hộ nhưng cũng không ít người vẫn chỉ trích anh về cách làm từ thiện không chuyên nghiệp dẫn đến mâu thuẫn.
Theo dõi hoạt động từ thiện của một bộ phận giới nghệ sĩ, Trung tá công an - Chuyên gia phân tích tội phạm học Đào Trung Hiếu cho biết, hiện tượng trục lợi từ lòng nhân ái từng xảy ra trước đây, cơ quan điều tra các địa phương đã bắt, xử lý hình sự cá nhân chiếm đoạt từ thiện.
Với người nổi tiếng, Trung tá Hiếu cho rằng họ cũng là con người, có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Có thể ban đầu họ đứng ra kêu gọi với cái tâm thiện nguyện thật nhưng cũng có người làm để đánh bóng hình ảnh.
"Khi số tiền dồn về nhiều, có thể có người không còn hành sự theo suy nghĩ ban đầu mà chuyển hóa mục đích số tiền đó dành cho cá nhân mình. Họ làm việc này không ai kiểm soát, không ai biết được số lượng tổng thu chi như thế nào", Trung tá Hiếu nói.
Theo ông, phản ứng này cũng không quá xa lạ, bởi bản chất con người là tư hữu, mong mỏi thỏa mãn vật chất, xuất phát từ đó có thể dẫn họ đến con đường bội tín.
Căn cứ vào các diễn biến xảy ra trên mạng xã hội, Trung tá Hiếu cho biết đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã đủ yếu tố cần thiết tiến hành các hoạt động điều tra. Nếu cáo buộc trên mạng là đúng, chắc chắn có dấu hiệu hình sự.
Với người dân, ông Hiếu nhận định họ đã chịu một cuộc khủng hoảng về lòng tin khi chứng kiến những "lùm xùm" từ thiện. Từ nay, những người có trái tim thiện lành chứng kiến những khó khăn của đồng bào sẽ băn khoăn trong việc chọn đối tượng để gửi gắm tấm lòng, họ sẽ dần cảnh giác để không dễ bị lừa.
"Tôi nghĩ trước vấn đề từ thiện không "minh bạch" này, về lâu dài sẽ gây khó khăn cho những người có hoàn cảnh cần phải giúp đỡ, khi mà những người có khả năng giúp lại không dám thực hiện lòng tốt của mình vì sợ tiền không đến được đích. Đây là hậu quả xấu với xã hội, một bộ phận nghệ sĩ đang vướng mắc bây giờ nên sớm có cách chứng minh trước dư luận, sao kê sao phải sợ khi mình không có hành vi chiếm hữu", ông Hiếu nói.
Với người dân nếu muốn gửi gắm tấm lòng, Trung tá Hiếu khuyên họ nên trực tiếp gặp mặt những người cần được giúp đỡ, hoặc thông qua các tổ chức như Hội chữ thập đỏ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Nếu ủng hộ qua cá nhân thì cần tìm người thật đáng tin cậy, luôn công khai quá trình từ thiện, có sự giám sát bên thứ 3, quá trình trao tặng có chính quyền làm cầu nối.