Chuyên gia phân tích về điều phi thường trong vụ máy bay hạ cánh ngửa bụng ở Canada
Các chuyên gia về hàng không cho rằng, 80 người sống sót trong sự cố máy bay hạ cánh, trượt xuống đường băng rồi ngửa bụng bốc cháy ở Toronto, Canada, hôm 17-2 là do những tiến bộ về công nghệ hàng không cùng sự chuyên nghiệp của phi hành đoàn.

Chiếc máy bay chở khách nằm ngửa bụng tại hiện trường
Chiều 17-2, chuyến bay Delta Flight 4819 từ Minneapolis đến Toronto chở 80 hành khách và phi hành đoàn được các kiểm soát viên không lưu cho phép hạ cánh. Nhưng chỉ trong chốc lát, gió thổi mạnh đã khiến máy bay đã đâm vào đường băng, lửa bốc lên quanh chiếc máy bay bị lật.
Tại hiện trường, thân máy bay lật nghiêng khi trượt, cuối cùng nó nằm ngửa, bánh đáp phía sau bị cong và cánh phải bị cắt đứt. Tất cả mọi người trên chuyến bay Delta từ Minneapolis đều sống sót sau vụ tai nạn. “Chúng tôi rất biết ơn vì không có thương vong về người và thương tích tương đối nhẹ”, ông Deborah Flint, Tổng giám đốc điều hành của Cơ quan quản lý sân bay Greater Toronto thông báo.
“Thật phi thường khi bạn có thể nhìn thấy một chiếc máy bay nằm ngửa như vậy và mọi người bước ra khỏi nó một cách an toàn”, ông McCormick, Giáo sư tại Đại học Hàng không Embry-Riddle, cho biết.
Cải tiến về thiết kế và kỹ thuật
Những thảm họa hàng không trong quá khứ đã dạy cho các chuyên gia rằng nhiên liệu phản lực nên được lưu trữ chủ yếu trong cánh, không phải ở bụng máy bay, dưới chỗ ngồi của hành khách.
Vì vậy, khi máy bay Bombardier CRJ900 của Delta hạ cánh khẩn cấp, lật úp và trượt trên đường băng hôm 17-2, cánh phải chứa đầy nhiên liệu của nó bị gãy, tạo ra một đám cháy lớn. Nhưng chính sự cố gãy cánh này đã ngăn không cho đám cháy lan vào khoang hành khách, ông Joe Jacobsen, một kỹ sư hàng không vũ trụ từng làm việc cho Boeing và Cục Hàng không Liên bang Mỹ nhận định.
Giáo sư McCormick cho biết, khi một cánh máy bay bị gãy hoàn toàn do va chạm, việc tách nhiên liệu có khả năng gây nổ là tiến bộ lớn, vì nhiên liệu được tách khỏi khoang hành khách, đồng thời thân máy bay có thể dừng lại ở vị trí ổn định.
Cuối cùng, máy bay đã ở vị trí ổn định mặc dù bị lật úp. Nhưng mọi người đều sống sót, một phần là nhờ vào những chiếc ghế chắc chắn có thể chịu được lực cực mạnh. Hiện nay, hầu hết các máy bay thương mại hiện đại đều phải có những chiếc ghế 16G, có thể chịu được lực hấp dẫn gấp 16 lần nên khó rơi ra khi gặp sự cố.

Cải tiến kỹ thuật và công nghệ hàng không là yếu tố quan trọng trong sự việc phi thường này
Quan trọng hơn cả, một tính năng an toàn khiêm tốn nhưng rất quan trọng, đó là dây an toàn. “Trong trường hợp này, nếu không có dây an toàn, chắc chắn hành khách sẽ bị ném xung quanh và sẽ phải chịu nhiều thương tích hơn nữa”, ông Hassan Shahidi, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Flight Safety Foundation nhận xét.
Tương tự, ông Peter Goelz , cựu Giám đốc điều hành của Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho rằng, nếu vụ tai nạn này xảy ra cách đây vài thập kỷ, hậu quả có thể còn thảm khốc hơn nhiều. “Điều thay đổi là tất cả các máy bay thương mại đều có ghế được khóa cố định trên đường ray như một phần của thân máy bay có thể chịu được lực va chạm lên tới 16 G. Như vậy, trong một vụ hạ cánh khẩn cấp, nếu bạn thắt dây an toàn đúng cách, cơ hội sống sót rất cao. Kết hợp với những tiến bộ trong vật liệu chống cháy... cơ hội thành công rất lớn”.
Không gì thay thế được phi hành đoàn lành nghề
Mặc dù kỹ thuật công nghệ cao có thể đã giúp cứu sống nhiều người, nhưng theo Giáo sư McCormick, không thể dành đủ lời khen cho phi hành đoàn về việc sơ tán an toàn cho máy bay đó.
Bà Sara Nelson, Chủ tịch quốc tế của Hiệp hội Tiếp viên hàng không (CWA) cho hay, 2 tiếp viên hàng không trên chuyến bay này chưa từng trải nghiệm tình huống máy bay hạ cánh trong tình trạng lộn ngược. Nhưng bộ đôi này đã được huấn luyện về ứng phó với sự cố bất ngờ, bao gồm cả việc sơ tán hành khách trong vòng 90 giây.

Nhưng không thể không dành lời khen cho phi hành đoàn khi họ sơ tán toàn bộ máy bay trong vòng chưa đầy 90 giây
Khi đó, mặc dù hàng chục hành khách bị trói chặt trên ghế và treo ngược người như dơi, phi hành đoàn đã sơ tán toàn bộ máy bay trong vòng chưa đầy 90 giây. Các tiếp viên hàng không “đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo. Họ thật anh hùng”, bà Nelson nói.
Giáo sư McCormick tại Đại học Hàng không Embry-Riddle chia sẻ: “Hy vọng điều này sẽ khiến công chúng nhận thức rõ hơn và biết ơn hơn đối với những tiếp viên hàng không. Họ có trách nhiệm nhiều hơn là chỉ nhặt rác và phục vụ đồ uống. Họ là những chuyên gia được đào tạo chịu trách nhiệm về sự an toàn của hành khách. Và họ đã làm một công việc phi thường”.