Chuyên gia phỏng đoán về diễn biến làn sóng Omicron vào thời gian tới

Theo hãng AP, các nhà khoa học nhận thấy làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra đang có tín hiệu giảm đột ngột trong những ngày qua.

Số ca mắc biến thể Omicron giảm mạnh

Trước đó, biến thể Omicron đã được đánh giá là lan nhanh ở Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Biến thể Omciron từng được đánh giá có khả năng lây lan mạnh từ người này sang người khác sau 1,5 tháng phát hiện đầu tiên ở Nam Phi.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Theo Giáo sư khoa học y tế tại Đại học Washington - Ali Makdad, số ca mắc mang biến thể Omicron sẽ giảm mạnh giống như số ca lây nhiễm tăng chóng mặt trong hơn tháng qua.

Các chuyên gia cũng cảnh báo vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về giai đoạn tiếp theo của dịch bệnh. Dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp ở một số nước trên thế giới trong cùng một số thời điểm. Ngay cả Mỹ và Anh cũng chứng kiến số bệnh nhân tăng mạnh, tạo ra áp lực lớn đối với nhiều bệnh viện.

"Vẫn còn rất nhiều người nhiễm bệnh trong khi bệnh viện thực sự đã quá tải", bà Lauren Ancel Meyers, Giám đốc Hiệp hội Mô hình Covid-19 của Đại học Texas cho biết.

Theo ông Makdad, mô hình ảnh hưởng của dịch bệnh từ Đại học Washington dự đoán số ca mắc hàng ngày ở Mỹ có thể sẽ đạt 1,2 triệu ca vào ngày 19/1 và sau đó giảm mạnh, đơn giản vì tất cả những ai có lây nhiễm đều mắc bệnh.

Trên thực tế, theo các tính toán của trường Đại học này, con số thực sự liên quan đến ca mắc mới hàng ngày ở Mỹ bao gồm cả những người chưa bao giờ xét nghiệm đã chạm đỉnh cao nhất, đạt khoảng 6 triệu ca vào ngày 6/1.

Trong khi đó, ở Anh, dữ liệu chính phủ cho biết số ca mắc Covid-19 mới giảm xuống khoảng 140.000 ca/ngày vào tuần trước sau khi tăng phi mã hơn 200.000 ca/ngày vào đầu tháng trước.

Ông Kevin McConway, Giáo sư đã nghỉ hưu tại Đại học Mở của Anh cho rằng trong khi số ca mắc vẫn tiếp tục tăng ở một số khu vực như tây nam nước Anh thì thủ đô London có thể đã chạm đỉnh dịch.

"Kịch bản giống nhau"

Theo hãng AP, các số liệu làm dấy lên hy vọng cả Mỹ và Anh sắp trải qua kịch bản dịch bệnh giống như Nam Phi – quốc gia này đã chứng kiến số ca mắc cao kỷ lục trong khoảng một tháng và sau đó giảm đáng kể.

"Chúng tôi đã chứng kiến số ca mắc giảm rõ rệt ở Anh nhưng tôi vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến tiếp theo vào thời gian tới để xem xét xem liệu có giống với tình hình ở Nam Phi hay không", Tiến sĩ Paul Hunter – Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia của Anh cho biết.

Xu hướng mọi người ở nhà nhiều hơn trong mùa đông cũng là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc bùng phát mạnh ở các nước. Mặt khác, quyết định của Chính phủ Anh nới lỏng các hạn chế hơn so với trước đây có thể khiến cho số ca mắc tăng nhanh hơn so với các quốc gia Tây Âu vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát Covid-19, chẳng hạn như Pháp, Tây Ban Nha và Italy.

Shabir Mahdi, Trưởng khoa khoa học sức khỏe tại Đại học Witwatersrand của Nam Phi nhận định việc các quốc gia châu Âu vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế là không cần thiết. Số ca mắc vẫn tăng mạnh trong một thời gian dài. Vào ngày 11/1, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận khoảng 7 triệu ca mắc Covid-19 mới trên khắp châu Âu vào tuần trước, khẳng định đây được xem là "làn sóng thủy triều quét qua khu vực". Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã trích dẫn mô hình từ nhóm của chuyên gia Mokdad, dự đoán một nửa dân số châu Âu sẽ bị nhiễm Omicron trong khoảng 8 tuần tới.

"Số ca mắc có thể sẽ lên xuống theo mô hình minh họa nhưng tôi hy vọng, vào dịp lễ Phục sinh, chúng ta sẽ thoát khỏi điều này", ông Hunter khẳng định.

Tiến sỹ Prabhat Jha, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu tại Bệnh viện St. Michae ở Toronto lưu ý số lượng ca mắc tăng sẽ tạo gánh nặng lên các hệ thống y tế vốn dĩ đã mong manh.

"Trong vài tuần tới, số ca mắc có thể chạm đỉnh vì số lượng nhiễm đạt tuyệt đối. Rất nhiều người mắc bệnh và có thể phải điều trị đặc biệt ở ICU", Jha nói.

Theo chuyên gia Mokdad, dự kiến trong vòng hai hoặc ba tuần nữa, chúng ta phải đưa ra các quyết định khó khăn để cho các nhân viên làm việc thiết yếu phải tiếp tục làm việc cho dù họ đã nhiễm bệnh.

"Biến thể Omicron được xem là bước ngoặt của đại dịch. Khả năng miễn dịch có thể đạt được từ tất cả các ca mắc mới, kết hợp với thuốc và vaccine sẽ là cơ sở để chúng ta có thể sống chung với virus dễ dàng hơn", bà Meyers, Đại học Texas nhấn mạnh.

"Vào thời điểm cuối cùng của làn sóng này, sẽ có thêm nhiều người mắc bệnh mang một số biến thể của Covid-19. Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta sẽ có đánh giá khách quan hơn. Và khi đó, chúng ta có thể chuyển từ mối lo ngại về thách thức thảm kịch toàn cầu trở thành một căn bệnh có thể dễ kiểm soát hơn. Đây là một dự đoán hợp lý nhưng vẫn có khả năng sẽ xuất hiện biến thể mới tồi tệ hơn Omicron", bà Meyers nói thêm.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chuyen-gia-phong-doan-ve-dien-bien-lan-song-omicron-vao-thoi-gian-toi-20220112113702677.htm