Chuyên gia quản lý tài sản gợi ý kênh đầu tư năm 2025 khi GDP đặt mục tiêu tăng trên 8%
Ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tiền phục hồi, theo đó, bất động sản và chứng khoán là lựa chọn phù hợp nhất năm 2025.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ít nhất 8%, phấn đấu hai con số. Với triển vọng nền kinh tế năm nay, nhà đầu tư nên lựa chọn kênh đầu tư nào, theo ông?
Để xác định danh mục đầu tư tối ưu, trước hết nhà đầu tư phải xác định được chu kỳ kinh tế. Theo đánh giá của chúng tôi, năm 2025 là giai đoạn tiền phục hồi, dấu hiệu nhận biết là lãi suất trung dài hạn đã chạm đáy và xu hướng tăng nhẹ từ 2025; thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất; lạm phát lõi giảm; thị trường chứng khoán cũng đã tăng khá tốt so với đáy vào 2022.
Trong giai đoạn “Tiền tăng trưởng” này, chứng khoán là kênh đầu tư thường sẽ có hiệu suất tốt nhất, vì cổ phiếu luôn đi trước thị trường. Sau chứng khoán sẽ là sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chưa phù hợp để giải ngân mạnh tại mọi phân khúc bất động sản, mà nhà đầu tư chỉ nên ưu tiên giải ngân ở khu vực trung tâm, lựa chọn các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực và có dòng tiền. Cuối cùng, nhà đầu tư có thể bỏ vốn một ít vào các kênh đầu tư có tính phòng thủ như gửi tiết kiệm, vàng.
Riêng với vàng, nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ một thời gian nữa bởi dư địa tăng vẫn còn, khi Fed tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên, từ giữa năm 2025, đặc biệt là sang năm 2026, nhà đầu tư nên hạn chế đầu tư vào vàng, bởi một khi kinh tế hồi phục, vàng sẽ bước vào giai đoạn ngủ đông dài.
Ông cho rằng chứng khoán là một trong những kênh đầu tư đáng chú ý nhất năm 2025, song thực tế hiện nay, đa phần nhà đầu tư chứng khoán lại đang thua lỗ?
Năm 2024, các quỹ đầu tư vẫn có lợi nhuận tốt từ chứng khoán nhưng đa phần nhà đầu tư cá nhân lại thua lỗ. Lý do là vì các nhà đầu tư cá nhân chủ yếu đầu tư vào nhóm cổ phiếu Midcap trong khi năm 2024, nhóm cổ phiếu bluechip mới mang lại lợi nhuận cao. Nói chung, thị trường chứng khoán là cuộc chơi có tính phân hóa cao theo từng giai đoạn và trong giai đoạn kinh tế còn nhiều ẩn số khó đoán, không phải ai cũng có thể dễ dàng kiếm lời.
Quay lại kênh đầu tư bất động sản, hiện thanh khoản thị trường đang khá èo uột, tại sao ông cho rằng năm 2025 là thời điểm thích hợp để “xuống tiền”?
Từ đầu năm 2023, chúng tôi đã nhận định, giai đoạn 2023-2024 hãy quên thị trường bất động sản đi, trừ phân khúc có tính ở thực cao là căn hộ và thực tế đã chứng minh đúng như vậy. Bởi trước đó, chúng tôi đã xác định năm 2023 là năm suy thoái kinh tế, dấu hiệu nhận biết là giai đoạn cuối 2022 lãi suất liên tục tăng mạnh, thị trường chứng khoán cũng sút giảm và cùng với đó là sự gãy đổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Với thị trường bất động sản, tôi cho rằng, để thị trường phục hồi cần trải qua một chu kỳ tích lũy trở lại của nền kinh tế. Còn về tín hiệu kỹ thuật, chúng ta có thể chờ giai đoạn giá tăng nhưng thanh khoản giảm mạnh, tức người bán không muốn bán ở mức giá chiết khấu nữa trong khi người mua có tâm lý chờ đợi. Khi cả hai bên đều cân nhắc thì lúc đó thị trường đã xác nhận : quên chuyện giá rẻ đi.
Nói cách khác, nếu một số phân khúc dân sinh ở Hà Nội và TP.HCM giữ được mức giá như hiện nay thì 6 tháng sau, thị trường bất động sản sẽ ấm lên. Sự hồi phục sẽ lan từ khu vực trung tâm đến vùng ven, từ nhu cầu ở thực sang nhu cầu đầu tư dài hạn rồi đến đầu cơ. Riêng bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản nông nghiệp… phải từ năm 2027 mới có thể kỳ vọng phục hồi.
Như vậy, trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên tập trung xuống tiền với phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực ở vùng trung tâm và ven bởi giá không thể rẻ nữa. Còn các phân khúc khác thì nhà đầu tư chưa nên vội xuống tiền.
Có ý kiến cho rằng, giá nhà quá cao sẽ khiến thị trường bất động sản khó hồi phục, ông nghĩ sao về điều này?
Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, dòng tiền sẽ cần chỗ trú ẩn chứ không nằm nhiều trong hệ thống ngân hàng. Khi bất động sản căn hộ giá quá cao, dòng tiền ngừng lại và lan tỏa ra các phân khúc khác chứ không có nghĩa là giá nhà quá cao thì dòng tiền sẽ dừng lại. Theo tôi, giá chung cư ở hầu hết các phân khúc của của Hà Nội đã quá cao nhưng giá bất động sản các tỉnh phía Bắc vẫn đang thấp hơn đỉnh năm 2021 và vẫn là một cơ hội mua rất tốt cho nhà đầu tư cho giai đoạn 2025 với tầm nhìn trung dài hạn.
Còn với trái phiếu doanh nghiệp thì sao, ông đánh giá như thế nào về kênh đầu tư này?
Theo tôi, với các quy định mới về thị trường TPDN, rủi ro với thị trường TPDN đang giảm dần và hướng tới cơ chế bền vững hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường vốn đang phải đối mặt với khó khăn do suy thoái kinh tế. Tình hình kinh tế hiện tại không phải là môi trường thuận lợi thúc đẩy kênh đầu tư TPDN cho nhà đầu tư cá nhân. Nếu ưa thích TPDN, nhà đầu tư nên lựa chọn đầu tư qua các quỹ.