Chuyên gia quốc tế đánh giá: Sức mạnh chính trị của ông Trump

Trên tờ báo Pháp Le Figaro mới đây, Giáo sư Quan hệ quốc tế Walter Russell Mead, người chuyên nghiên cứu về 'hiện tượng Donald Trump', phân tích sức mạnh chính trị của ông Trump mà vị Giáo sư đánh giá là tuyệt vời.

Theo Giáo sư Walter, ông Trump là một lãnh đạo có sức mạnh chính trị tuyệt vời. (Nguồn: Getty Images)

Theo Giáo sư Walter, ông Trump là một lãnh đạo có sức mạnh chính trị tuyệt vời. (Nguồn: Getty Images)

Giáo sư Quan hệ quốc tế Walter Russell Mead là một trong những nhà trí thức hiếm hoi của nước Mỹ đã quan sát “hiện tượng Donald Trump” một cách khách quan trong bối cảnh thế giới hiện tại.

Bản năng chính trị

Ông cho rằng, tính cách của Tổng thống Trump có thể tạo ra cách tiếp cận đầy cảm xúc. Ông là con người hành động trên cơ sở trực giác thay vì lý trí. "Cứ trình bày với ông Trump về những lý lẽ logic, nhưng ông chưa hẳn đã nghe theo. Những người không có cùng quan điểm kết luận rằng ông Trump giống như một con tàu không có bánh lái".

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các quyết định của ông Trump, sẽ nhận ra một biểu đồ dựa trên 2 yếu tố: Trước hết là cách nhìn của ông về phương thức hoạt động của thế giới, và từ đó nước Mỹ phải phản ứng ra sao. Thứ hai là tập trung vào những gì mà cử tri mong muốn. Nếu hai yếu tố này xung đột với nhau, thường thì ông Trump chọn yếu tố thứ 2.

Theo đánh giá của Giáo sư Walter, ngược lại với đa số chính khách - những lãnh đạo luôn có một chương trình hành động cụ thể, ông Trump không có gì rõ ràng, ông luôn sống trong khoảnh khắc và hành động theo cảm nhận riêng về cơ may và nguy hiểm.

"Cách nhìn của ông Trump về hệ thống quốc tế vô cùng khác biệt với mọi lý thuyết chính trị. Điều mà ông nhận ra sớm hơn hẳn so với tất cả những người khác đó là liên minh Cộng hòa, vốn có ưu thế từ năm 1981 cho đến cuối nhiệm kỳ của George W.Bush, không còn có thể hoạt động theo kiểu cũ. Bản năng của ông cho thấy những gì mà các nhà lãnh đạo Cộng hòa và Dân chủ không nhìn ra", Giáo sư Walter bình luận.

Theo phân tích của Giáo sư Walter, việc ông Trump vẫn tập hợp được 42-43% số người ủng hộ, bất chấp những gì diễn ra trong 4 năm qua, chứng tỏ trực giác của ông là đúng.

"Ông ấy đã xác định đúng thực tế. Khả năng giữ được số người ủng hộ trong những năm đầy xáo trộn, bất chấp đại dịch dẫn đến sa sút kinh tế, cho thấy những người đánh giá thấp ông đã sai lầm trầm trọng. Điều này không có nghĩa là ông sẽ thắng trong cuộc bầu cử lần này, nhưng sẽ hoàn toàn sai nếu không nhìn thấy ở ông Trump một sức mạnh chính trị tuyệt vời".

Đề cập quan niệm coi ông Trump là "ác quỷ" và phe đối thủ của ông là đại diện cho sự thiện lương, Giáo sư Walter cho biết thái độ này là do ở Mỹ cũng như châu Âu, nhiều người gắn bó với ý tưởng một sự chuyên nghiệp hóa chính phủ và hệ thống hành chính.

Phong cách Donald Trump

Giới tinh hoa tin rằng, đứng đầu Chính phủ phải là các nhà quản lý cấp tiến, khôn khéo, quyết định dựa trên những tính toán hợp lý và các nguyên tắc đã được xác định kỹ lưỡng.

Thế nhưng, ông Trump không tin như thế. Ông chưa bao giờ làm việc trong một guồng máy hành chính quan liêu. Ông là chủ nhân một tập đoàn gia đình và không có những tính cách mà xưa nay người ta vẫn cho là khuôn mẫu đạo đức lãnh đạo.

Phong cách của ông chủ Nhà Trắng gợi nhớ lại bộ máy chính trị ở các thành phố lớn thế kỷ XIX. Theo ông Walter, vào thời đó, các chính khách của Tammany Hall (Tổ chức Dân chủ kiểm soát Tòa thị chính New York) không quan tâm đến những gì mình nói có đúng hay không, chỉ tìm cách khiến người dân bỏ phiếu cho mình.

"Chúng ta đang ở trong thời điểm nguy hiểm của lịch sử nước Mỹ và thế giới, nhưng ông Trump không phải là nguyên nhân mà chỉ là triệu chứng. Nếu không có những vấn đề trầm trọng hiện hữu trước đó, ông Trump đã không thể trở thành Tổng thống", Giáo sư Walter khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về những tiền lệ mà ông Trump đã đặt ra và cho rằng việc không tuân thủ những quy chuẩn có thể làm trầm trọng thêm tình hình.

"Vấn đề là xã hội đang thay đổi sâu sắc. Cuộc cách mạng thông tin đã làm thay đổi hẳn xã hội, giống như cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ XIX. Từ nhà nước, gia đình, các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp... đều thay đổi và sự thay đổi đó không diễn ra một cách nhẹ nhàng và ôn hòa", Giáo sư Walter nhận định.

(theo RFI)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-quoc-te-danh-gia-suc-manh-chinh-tri-cua-ong-trump-127995.html