Chuyên gia quốc tế 'hiến kế' cho ngành điều Việt Nam đẩy mạnh tiêu thụ
Tại hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 năm 2023, ngày 27/2, các chuyên gia quốc tế từ các hiệp hội cho rằng, ngành điều Việt Nam cần tập trung vào truy xuất nguồn gốc và đối tượng tiêu dùng gen Z để đẩy mạnh tiêu thụ.
Tại hội nghị, sau khi nghe thông tin về toàn cảnh ngành điều với những thách thức và mục tiêu đề ra trong năm 2023, các chuyên gia quốc tế đã có những góp ý, đề xuất giúp ngành điều Việt Nam phát triển bền vững.
Tập trung vào người tiêu dùng gen Z
Theo ông Michael Waring, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Hạt Quả khô quốc tế (INC) kiêm Thường trực Ban chấp hành Hội đồng Điều toàn cầu (GCC) cho biết, hạt điều đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tiêu dùng các loại hạt của người tiêu dùng thế giới.
Nguồn cung hạt điều ngày càng nhiều, chỉ sau hạnh nhân và hạt óc chó. Sản lượng điều thế giới năm 2022 đã đạt 5 triệu tấn, 2023 kỳ vọng sản lượng hạt điều đạt hơn 5 triệu tấn. Tác động của dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng, tiêu thụ điều nhân bị gãy đổ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, châu Á vẫn là khu vực tiêu thụ nhiều điều thô để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo có đến 1/3 số nền kinh tế toàn cầu sẽ bị co lại, kể cả 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Để đảm bảo tiêu thụ, ông Michael Waring cho rằng, các nhà chế biến cần có tập hợp người tiêu dùng ổn định, do đó, cần hợp tác với nhau thúc đẩy mở rộng thị trường.
"Các quốc gia cần tập trung đến nhóm người tiêu dùng trẻ bởi thế giới đang có 2,4 tỷ người thuộc thế hệ Gen Z, đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ, quyết định mua sắm các sản phẩm cho gia đình”.
Ông Michael Waring, Thường trực Ban chấp hành Hội đồng Điều toàn cầu
Lấy ví dụ tại thị trường Trung Quốc, ông Michael Waring chỉ ra, 16,5 % số hộ gia đình ở Trung Quốc thuộc thế hệ Gen Z nhưng chiếm đến 50% khối lượng mua sắm hàng hóa.
Các khu vực khác như Ấn Độ, châu Phi cũng là đích đến tiềm năng để mở rộng chiến dịch khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên từ các loại hạt và trái cây sấy trong thời gian tới.
Truy xuất nguồn gốc là vấn đề quan tâm hàng đầu
Ông Bob Bauer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Mỹ (AFI) cho biết, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu ở thị trường Mỹ.
Đại diện AFI nhấn mạnh, Hiệp hội này thường xuyên mua hàng của Việt Nam nên AFI sẽ có trách nhiệm thông báo cho đối tác Việt Nam chuẩn bị đầy đủ thông tin cần thiết.
"Việt Nam vẫn đang gửi hàng sang Mỹ. Các bạn không tự mãn trong việc đáp ứng các yêu cầu của nhà thu mua. Điều đó là cần thiết để hạt điều Việt Nam tiếp tục vươn mình ra phía trước", ông Bob chia sẻ.
Campuchia cam kết là đối tác uy tín
Là đối tác cung cấp hơn 90% cho thị trường Việt Nam, ông Uon Silot, Chủ tịch Hiệp hội điều Campuchia cho biết, tổng diện tích điều của Campuchia là 700.000 ha.
Theo ông Uon Silot, các nghiên cứu khoa học cho thấy hạt điều Campuchia có hàm lượng dinh dưỡng cao nên giá bán điều thô luôn ở mức khác. Hiện nay Campuchia đang khuyến cáo trồng điều giống M23, có chất lượng tốt và thích hợp trên đất pha cát. "Chúng tôi hi vọng sẽ còn cung cấp hạt điều thô chất lượng tốt nhiều hơn nữa sang Việt Nam", ông Uon Silot nói.
Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), năm 2022 có thể nói đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu kéo dài 10 năm của ngành điều, từ năm 2011 - 2021.
Cả năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu nhân điều đạt giá trị 3,07 tỉ USD, chưa đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỉ USD dù đã điều chỉnh giảm khoảng 600 triệu USD so với mục tiêu ban đầu là 3,8 tỉ USD. Các thị trường nhập khẩu hạt điều chính vẫn là: Mỹ, EU, Trung Quốc...
Về các sản phẩm điều nhân chế biến sâu, lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vẫn được duy trì so với năm 2021, chiếm khoảng 5% tổng sản lượng điều nhân được chế biến của toàn ngành. Xu hướng giảm chi tiêu cho thực phẩm không thiết yếu như hạt điều do ảnh hưởng của tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế dự báo còn kéo dài sang năm 2023, tiêu thụ sẽ chậm và giá cả khó tăng trong thời điểm này, tình hình xuất khẩu điều nhân giai đoạn 2022 - 2023 xem ra càng khó khăn hơn giai đoạn 2019 - 2021.