Chuyên gia quốc tế: Việt Nam đang trong 'tâm thế tốt' để phục hồi nhanh

Trong bối cảnh Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về hiệu quả chống đại dịch COVID-19, giới chuyên gia tiếp tục đi sâu phân tích những yếu tố giúp Việt Nam thành công và cho rằng, Việt Nam đang trong 'tâm thế tốt' để phục hồi nhanh.

Giáo sư Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Viễn Đông, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Quốc gia St.Petersburg (Nga) nhận định với thành công trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, Việt Nam đã cho thấy rõ hệ thống quản lý hoạt động rất hiệu quả. Theo TTXVN, chuyên gia Nga cho rằng nghệ thuật quản lý là sử dụng các nguồn lực hạn chế để giải quyết các vấn đề cụ thể và ở đây Việt Nam rất nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của virus với tất cả các nỗ lực đều nhằm phòng tránh đến mức tối đa nguy cơ xâm nhập, lây lan dịch bệnh.

Theo Giáo sư Kolotov, cơ sở của hệ thống quản lý này đã được phát triển trong các cuộc kháng chiến trước đây ở Việt Nam, tiềm năng huy động sức dân được duy trì và được sử dụng đầy đủ trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2. Ở thời điểm hiện tại, hệ thống này được hiện đại hóa, cải tiến, có sử dụng các công nghệ thông tin và Internet. Ông Kolotov nêu rõ điều chính yếu trong hệ thống này là khối đại đoàn kết toàn dân, tính kỷ luật cao và nhận thức về mức độ nghiêm trọng của tình huống này. Chính quyền cung cấp cho người dân vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của chính quyền.

Chuyên gia Kolotov nhấn mạnh Việt Nam đã tập trung mọi nỗ lực để tạo ra một hệ thống rõ ràng, mạch lạc và minh bạch nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và phát hiện sớm các ca nhiễm. Hệ thống này đã nhận được sự ủng hộ của người dân.

Trong khi đó, ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế tại Mekong Economics, chia sẻ cách Việt Nam đối phó với dịch COVID-19 lần này đã cho thế giới thấy “Việt Nam vô cùng sáng suốt trong cách xử lý vấn đề".

Ông Fred Burke, nhà điều hành công ty luật Baker McKenzie tại Thành phố Hồ Chí Minh (công ty tư vấn cho chính phủ về các quy định đầu tư nước ngoài) thì nhận định Việt Nam đã đối phó với dịch SARS, dịch cúm gia cầm và nhiều cuộc khủng hoảng tài chính khác nhau, nên với đại dịch COVID-19 “Việt Nam biết rằng cần hành động nhanh và triệt để”. Theo ông, Việt Nam đang trong “tâm thế tốt” để phục hồi nhanh.

Chiến lược chống dịch 12 điểm thành công

Nhà văn, nhà báo nổi tiếng Indonesia Agus Marwan, Tổng Thư ký Diễn đàn Văn chương Indonesia vừa có bài phân tích chiến lược 12 điểm thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Trong bài viết đăng trên tờ Suara Mahardika, ông Agus Marwan cho rằng quốc gia đáng quan tâm nhất trong đại dịch COVID-19 là Việt Nam vì Việt Nam giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, trong khi không ít người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Vũ Hán, nơi khởi phát dịch. Ông đánh giá Việt Nam, với nguồn lực hạn chế, đã chống dịch COVID-19 thành công và được cộng đồng quốc tế ca ngợi chính nhờ có một chiến lược và kế hoạch tốt. Cụ thể, từ rất sớm trước khi dịch bệnh xâm nhập, các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã nhất trí về các biện pháp ứng phó bằng cách huy động các điều kiện và nguồn lực hiện có.

Theo chuyên gia Agus Marwan, chiến lược 12 điểm của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 bao gồm:

Một là, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng một chiến lược tuyên truyền rằng COVID-19 là kẻ thù chung cần tiêu diệt, với lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Chống dịch như chống giặc”.

Hai là, Chính phủ Việt Nam áp dụng chính sách cách ly với các khu vực có COVID-19. Trong suốt thời gian cách ly, Chính phủ cung ứng các nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước và thuốc men, với các tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt.

Ba là, Chính phủ Việt Nam tiến hành giám sát chặt chẽ và bảo vệ an ninh tại khu vực biên giới. Kể từ khi ca lây nhiễm đầu tiên xuất hiện, Việt Nam đã tiến hành giám sát biên giới, chủ yếu ở khu vực giáp với Trung Quốc. Tất cả những người nhập cảnh từ Trung Quốc đều được kiểm tra chặt chẽ và ngay lập tức được cách ly.

Bốn là, Chính phủ Việt Nam đã ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trước khi ngừng tất cả các chuyến bay đến các quốc gia vùng dịch, chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy và một số quốc gia khác. Bên cạnh đó là hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài, ngoại trừ những người mang hộ chiếu ngoại giao. Bất cứ ai nhập cảnh vào Việt Nam ngay lập tức bị cách ly trong 14 ngày.

Năm là, Chính phủ Việt Nam đã huy động lực lượng để xác minh, theo dõi và giám sát những người từng tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh. Cộng đồng cũng tham gia cung cấp thông tin liên quan đến các ca mắc COVID-19 và thông báo về các đối tượng từng tiếp xúc với những người nhiễm bệnh.

Sáu là, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu mọi công dân phải đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng, cả ở vùng nông thôn và trong các thành phố, tại nhà ga và trên các phương tiện giao thông công cộng. Những người vi phạm bị phạt tiền và xử lý. Chính phủ bảo đảm cung ứng đủ khẩu trang. Khẩu trang cũng được phân phát miễn phí tại các trạm xe buýt, nhà ga và chợ.

Bảy là, Chính phủ Việt Nam đã đóng cửa các địa điểm dịch vụ công cộng, chẳng hạn như văn phòng và trung tâm kinh doanh không quan trọng. Trường học được đóng cửa trong khi nhân viên nhiều công ty và cơ quan làm việc tại nhà.

Tám là, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách giãn cách xã hội và cộng đồng vẫn có thể làm việc. Tuy nhiên, người dân được yêu cầu tiết giảm các hoạt động ngoài trời nếu không có lý do chính đáng.

Chín là, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng hướng dẫn điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng cách: Các bác sĩ được yêu cầu điều trị các triệu chứng như sốt; bệnh nhân phải thực hiện chế độ ăn nghiêm ngặt và sử dụng các thực phẩm bổ dưỡng; theo dõi mức độ bão hòa oxy trong máu của các bệnh nhân.

Mười là, Chính phủ Việt Nam đã lập các cơ sở phát hiện bệnh nhân COVID-19 khẩn cấp tại các khu dân cư nhằm nỗ lực phát hiện sớm các ca lây nhiễm. Vì vậy, mọi người có thể lấy thông tin và cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm nếu có triệu chứng. Ngoài ra, Chính phủ cũng tăng cường xét nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm bảo đảm sớm công bố kết quả xét nghiệm.

Mười một là, Chính phủ Việt Nam đã lan tỏa các thông điệp truyền thông rõ ràng về COVID-19 cho người dân và kiểm soát tin giả trong không gian mạng. Việt Nam đã xử lý mạnh tay đối với các đối tượng tung tin giả.

Mười hai là, Chính phủ Việt Nam đã huy động các sinh viên trường y, bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu tham gia cuộc chiến chống COVID-19. Điều này nhằm tăng “quân số” cho tuyến đầu chống dịch.

Nhà báo Agus Marwan cho biết các chiến lược và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng đang diễn ra tốt đẹp. Người dân rất kỷ luật và tuân thủ các chính sách do Chính phủ đặt ra.

Ông Agus Marwan cũng nêu bật ngoài việc được cộng đồng quốc tế ca ngợi và ghi nhận thành công, Việt Nam còn giúp đỡ các quốc gia khác hiện đang vất vả ứng phó với COVID-19. Việt Nam đã trao tặng 550.000 khẩu trang cho Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh; hỗ trợ 390.000 khẩu trang cho Campuchia và 340.000 khẩu trang cho Lào; đồng thời gửi 450.000 bộ bảo hộ cá nhân cho Mỹ...

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/chuyen-gia-quoc-te-viet-nam-dang-trong-tam-the-tot-de-phuc-hoi-nhanh/394193.vgp