Chuyên gia: Sức mua trên thị trường BĐS đang cho thấy tín hiệu hồi phục
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khi bước vào năm 2025. Trong đó, việc 3 bộ luật quan trọng của thị trường được hoàn thiện và bắt đầu đi vào cuộc sống đã giúp thị trường có một nền tảng thể chế vững chắc, tạo cơ sở để tháo gỡ nhiều điểm nghẽn đã và đang tồn tại trên thị trường trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng vẫn cần gỡ vướng nhiều hơn về mặt pháp lý, đặc biệt là các thủ tục hành chính.
Nhiều chỉ báo thị trường BĐS tiếp tục phục hồi trong 2025

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BTC.
Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ V được tổ chức sáng 19/2 tại Hà Nội, PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết, thị trường BĐS năm 2025 đang đứng trước nhiều cơ hội trong chu kỳ phát triển mới dù còn nhiều biến động khó lường. Đơn cử, việc áp thuế nhập khẩu của Mỹ và sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá sẽ mở ra cơ hội bùng nổ cho Việt Nam, trong đó có lĩnh vực BĐS.
Cùng đó, triển vọng tăng trưởng dòng vốn FDI sẽ đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp - đô thị công nghệ cao, thương mại điện tử và hệ sinh thái công nghiệp - thương mại dịch vụ. Đặc biệt, mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) đang được chú trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông, mở ra không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Đối với lĩnh vực BĐS, mô hình TOD sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ đến tư duy phát triển của thị trường.
“Dù có nhiều cơ hội, việc hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng vẫn đòi hỏi quyết tâm chính trị mạnh mẽ, chính sách linh hoạt và sự đồng hành của doanh nghiệp BĐS nhằm tạo nền tảng vững chắc cho một kỷ nguyên phát triển vượt bậc”, PGS TS Trần Đình Thiên nhận định.
Còn theo TS Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, việc thông qua các Luật mới là cơ sở cho thị trường phát triển, tiến tới sự an toàn, lành mạnh và bền vững.
Theo đó, thị trường BĐS công nghiệp được duy trì phát triển tốt nhất với tỷ lệ lấp đầy trên 80%. Nhà ở thương mại đã dần được tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý để tiếp tục hoàn thiện, mở bán. Nhà ở xã hội bước đầu đã có nhiều dự án được khởi động và có những dự án được mở bán theo quy định. Du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái đang hồi phục.
Đó là những tín hiệu chỉ báo tích cực cho sự phục hồi và tiếp tục tăng trưởng của thị trường trong năm 2025. Theo đó, thuận lợi là những nút thắt của thị trường đang được tháo gỡ một cách đồng bộ. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương cho ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại (dự án thí điểm) thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
“Tôi cho rằng, với thể chế như hiện tại là rất thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, tất nhiên bên cạnh đó vẫn cần tiếp tục tháo gỡ cho những vướng mắc còn đang tồn tại”, TS Khôi nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần được đơn giản hóa các thủ tục hành chính
Từ góc độ doanh nghiệp, việc thị trường được “cởi trói” bằng các luật định cũng sẽ phần nào giúp việc kinh doanh được thuận lợi. Tuy nhiên, vấn đề hành chính và thủ tục vẫn là bài toán đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp BĐS.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư BĐS Toàn Cầu (GP.Invest). Ảnh: BTC.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư BĐS Toàn Cầu (GP.Invest) cho biết: “Hiện doanh nghiệp chúng tôi cũng có dự án đang triển khai bán hàng. Thông thường có quan niệm "tháng Giêng là tháng ăn chơi", thường sẽ không có khách mua hàng. Tuy nhiên, với dự án vừa mở bán của doanh nghiệp chúng tôi, tốc độ bán còn nhanh hơn so với đợt cuối năm 2024. Như vậy, tín hiệu thị trường đã cho thấy sự hồi phục. Nhìn chung, sức mua đã có sự tăng trưởng hơn trước.
Thêm vào đó, Đảng và Chính phủ cũng đang rất nỗ lực quyết tâm trong cải cách thể chế, nhất là trong lĩnh vực BĐS, trong đó cách thức thực hiện quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch hơn. Song, nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn gặp vướng mắc nhất định.
Trong lĩnh vực BĐS, doanh nghiệp có khi phải xin đến 38 - 40 con dấu để có thể thực hiện dự án. Hay việc xin điều chỉnh quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn.
Tính đến tháng 1/2025, có khoảng 25 tỉnh thành công bố bảng giá đất mới. Tôi cho rằng nội hàm việc tính giá đất là do cơ cấu tính giá đất, yếu tố đầu vào không đầy đủ dẫn đến việc giá đất tăng cao. Đây là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp. Đầu tiên là chậm trễ ra dự án mới - hiện nhiều doanh nghiệp mất 1-2 năm vẫn không tính được giá đất. Thêm vào đó là chi phí đầu vào tăng cao, việc này dẫn đến nếu tính giá đất không chuẩn xác sẽ có thể gây ra nhiều khúc mắc. Đây là điều tôi mong muốn được các bộ ngành, địa phương tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nếu tháo gỡ được, khả năng triển khai các dự án BĐS sẽ nhanh hơn.
Tôi hy vọng những vướng mắc còn tồn đọng về thể chế sẽ được tháo gỡ để BĐS có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới”, đại diện doanh nghiệp nói.
Theo các chuyên gia, mấu chốt của vấn đề nằm ở Luật Đất đai, trong đó then chốt chính là giá đất. Dù luật đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhưng các ý kiến chuyên môn chỉ ra cơ chế định giá đất vẫn chưa được định hình rõ ràng, khiến nhiều doanh nghiệp còn lúng túng.
Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định, Luật Đất đai sửa đổi đã mở rộng việc áp dụng bảng giá đất và các phương pháp định giá theo hướng minh bạch hơn. Tuy nhiên, vấn đề thực thi vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tại địa phương. Hiện nay, có sự khác biệt quan điểm giữa đơn vị tư vấn định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất và cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất.
"Ở một số quốc gia, trách nhiệm định giá đất thuộc về đơn vị tư vấn, và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai sót. Đây là bài học cần được xem xét để nâng cao tính trách nhiệm và hiệu quả trong công tác định giá đất tại Việt Nam.
Bộ cũng cam kết tiếp tục đồng hành cùng các địa phương và doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến phản ánh để tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong thực tế triển khai", ông Bình khẳng định.