Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xây dựng luật
Ngày 20-2, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2-2025.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 7 dự án luật sẽ trình Quốc hội, gồm: Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Sau khi nghe các bộ, cơ quan trình bày tờ trình, báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định, các thành viên Chính phủ thảo luận về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án luật; nội dung chính sách cơ bản, nhất là những nội dung mới, mang tính đột phá nhằm tạo hành lang pháp lý và khơi thông điểm nghẽn.
Cụ thể, đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các thành viên Chính phủ thảo luận về những đổi mới trong hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Các thành viên Chính phủ góp ý trong việc xây dựng luật, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.Ảnh: NHẬT BẮC
Đối với dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), Chính phủ đề nghị hoàn thiện thể chế nhằm phát huy vai trò của giao thông vận tải đường sắt đáp ứng yêu cầu hiện đại, đồng bộ; có cơ chế huy động tối đa nguồn lực để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, các thành viên Chính phủ đánh giá việc xây dựng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu bảo vệ, sử dụng dữ liệu cá nhân; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; ngăn chặn hành vi xâm phạm dữ liệu; tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động kinh doanh dữ liệu cá nhân và hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của dự luật này liên quan nhiều ngành, lĩnh vực và nhiều luật khác nhau nên cần quy định chi tiết về các quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu.
Nhìn chung, các thành viên Chính phủ thống nhất xây dựng luật theo hướng khung, mang tính nguyên tắc; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; nâng cao năng lực thực thi theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu các bộ chủ trì các dự án luật tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện để Thủ tướng xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5-2025.
Phó Thủ tướng giao các bộ rà soát kỹ nội dung, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với những luật khác, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết; tăng phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm; cắt giảm thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các dự luật cần ngắn gọn, súc tích, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội và giao Chính phủ quy định, hướng dẫn thi hành đối với những vấn đề cụ thể.