Chuyên gia Thái Lan: ASEAN 'tuổi 57' ở một thế khác đối với Australia
Chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về ASEAN cho rằng Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia tại Melbourne từ ngày 4-6/3 sẽ là một phép thử cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện này sẽ tiến triển như thế nào trong 2 thập kỷ tới.
Trong một bài phân tích trên Bangkok Post tuần này, nhà báo Thái Lan Kavi Chongkittavorn, học giả kỳ cựu về các vấn đề khu vực đã đưa ra những bình luận về quan hệ ASEAN và Australia nhân dịp Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia.
Không còn hỏi "Thật sao?"
Theo ông Kavi Chongkittavorn, Chính phủ Thủ tướng Australia Albanese đã nhiều lần tuyên bố rằng ASEAN quan trọng với Australia. Trước đây, những lời khẳng định như vậy thường khiến người ta lập tức phản ứng: "Thật sao?". Còn ngày nay, đó không còn là phản ứng phổ biến nữa. Ông Kavi Chongkittavorn cho rằng ASEAN "thực sự" có ý nghĩa quan trọng đối với Australia.
Chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về ASEAN cho rằng Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia sắp tới tại Melbourne sẽ là một phép thử để xem rằng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện này sẽ tiến triển như thế nào trong 2 thập kỷ tới.
ASEAN ở "tuổi 57" ở một thế khác đối với Australia. ASEAN ngày nay đã trở thành trung tâm khu vực và hợp tác chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ASEAN là một thị trường rộng lớn với 672 triệu người, trẻ và năng động, vốn chỉ cách Australia quãng đường vài giờ bay.
Quan hệ đối tác ASEAN-Australia đã có bước phát triển lớn khi giữa hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2021. Do đó, theo nhà báo Thái Lan, Australia phải xây dựng một kế hoạch hành động chiến lược dài hạn để định hướng hợp tác với ASEAN trên mọi lĩnh vực.
Vào tháng 11/2022, Thủ tướng Anthony Albanese tuyên bố bổ nhiệm ông Nicholas Moore làm Đặc phái viên về Đông Nam Á, điều này được các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh vì cho thấy mối quan tâm mà Australia dành cho khu vực sau một thời gian dài tập trung vào những nơi khác trong Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Nhiệm vụ của ông Moore là chuẩn bị các chiến lược kinh tế của Australia tại khu vực Đông Nam Á đến năm 2040.
Theo ông Kavi Chongkittavorn, Australia đã thừa nhận Đông Nam Á là một khu vực mang đến những "cơ hội vàng". Australia là đối tác đối thoại đầu tiên của Hiệp hội. Hiện nay, Australia đang tiếp cận ASEAN theo những cách thực tế và thiết thực hơn. ASEAN có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong tương lai và Australia biết rằng đã đến lúc củng cố vị thế của mình trong khu vực. Kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm gần đây giữa hai bên lớn hơn kim ngạch thương mại giữa ASEAN-Mỹ và ASEAN-Nhật Bản.
Báo cáo sẽ được ông Moore tham luận tại Hội nghị lần này có nhan đề "Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040", trong đó xem xét 10 lĩnh vực ưu tiên - nông nghiệp và thực phẩm, tài nguyên, chuyển đổi năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng, giáo dục và kỹ năng, kinh tế du lịch, y tế, kinh tế số, dịch vụ chuyên môn và tài chính và các ngành sáng tạo. Đây là những lĩnh vực thiết yếu mà ASEAN liên tục yêu cầu thúc đẩy hợp tác từ 5 đối tác chiến lược toàn diện của mình, bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ.
Báo cáo của ông Moore phác thảo một cách tổng thể cách Australia có thể tăng cường và làm sâu sắc thêm mối quan hệ để thúc đẩy thương mại và đầu tư nhiều hơn với ASEAN. Một vài trong số 75 khuyến nghị của báo cáo ở mức tham vọng, nhưng chúng có thể thực hiện được nếu cả Australia và ASEAN hợp tác chặt chẽ với nhau.
Hợp tác vì hòa bình, phát triển
Theo chuyên gia ASEAN, ngoài các vấn đề cơ bản, các nhà lãnh đạo Australia và ASEAN sẽ nhân hội nghị cấp cao này để thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế hiện tại có tác động đến hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Cả hai bên đều nhận thức được rằng các nước trong khu vực có quan điểm và cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề chiến lược quan trọng, bao gồm sự cạnh tranh Mỹ-Trung, Nhóm Bộ tứ (gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ), Liên minh AUKUS (Australia, Anh và Mỹ), xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas, Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Myanmar cùng những vấn đề khác...
Là một khối, ASEAN có nền tảng chính trị, kinh tế và tôn giáo đa dạng nhất thế giới. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và đồng thuận phải được tôn trọng trong ASEAN.
Nhà báo Thái Lan nhận định Australia có thể đóng vai trò là cầu nối giữa ASEAN và Mỹ, một điều mà Nhật Bản đã làm rất xuất sắc. Cách tốt nhất để chính phủ Thủ tướng Albanese khởi động việc tăng cường hợp tác với ASEAN là thúc đẩy hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), vốn không nhắm vào bất kỳ nước thứ ba nào.
Sự ủng hộ kiên định của Canberra đối với các ưu tiên AOIP có ý nghĩa then chốt vì điều đó sẽ duy trì và tăng cường tính trung tâm và phù hợp của ASEAN; đồng thời củng cố vị thế khu vực của Australia bằng cách áp dụng các cách tiếp cận mạnh mẽ theo định hướng ASEAN. Sự đoàn kết, thống nhất trước này được xem là bản sắc của ASEAN và Hiệp hội sẽ vẫn duy trì điều này bất chấp việc tồn tại những khác biệt.
Chuyên gia ASEAN cho rằng sau hội nghị Melbourne, hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Australia sẽ được thể chế hóa và tổ chức thường niên. Các nhà lãnh đạo của họ sẽ có nhiều cơ hội để thảo luận sâu hơn về lợi ích và thách thức chung cũng như tăng cường quan hệ đối tác. Australia có thể chứng minh rõ ràng rằng nước này quan trọng với ASEAN.