Chuyên gia Thái Lan phân tích 'nội hàm' Chủ đề ASEAN 2020

Trong bài viết gần đây trên Bangkok Post, ông Kavi Chongkittavorn, chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế (Đại học Chulalongkorn) đã phân tích 'nội hàm' của Chủ đề ASEAN 2020, năm Việt Nam làm Chủ tịch.

Chuyên gia Thái Lan tin tưởng Việt Nam sẽ làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Sẽ là những khoảnh khắc “phi thường”

Theo ông Kavi Chongkittavorn, cuối cùng, Việt Nam đã thực hiện được ước mơ từ lâu là trở thành Thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và cùng lúc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Nhiệm vụ “kép” này sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy Việt Nam trở thành thành viên chủ chốt trong Tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương trong tương lai.

Ưu tiên của Việt Nam trong năm 2020 vẫn không thay đổi, đó là đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước trên thế giới, dù đó là nước lớn hay nước nhỏ. Cho đến nay, Việt Nam đã trở thành một tấm gương sáng trong những nỗ lực phát triển sau chiến tranh, cân bằng trong quan hệ với các nước lớn.

Chuyên gia Kavi Chongkittavorn. (Nguồn: The Nikkei Asian Review)

Ông Kavi Chongkittavorn cho rằng, sự phát triển của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể thích ứng nhanh và hiệu quả như thế nào với cộng đồng khu vực và toàn cầu. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do lớn nhất khu vực hy vọng sẽ được ký kết tại Việt Nam trong năm nay. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã nhanh chóng thiết lập các hiệp định thương mại tự do với tất cả các khối, mở rộng thị trường xuất khẩu của mình.

Hiện nay, Việt Nam đã có khoảng 17 hiệp định thương mại tự do, là nước có số lượng hiệp định thương mại tự do nhiều nhất trong ASEAN. Việt Nam cũng là thành viên ASEAN duy nhất trong ASEAN có ký kết hiệp định thương mại tự do với Cộng đồng kinh tế Á-Âu. Với nền tảng đó, ông Kavi Chongkittavorn cho rằng, năm Chuột vàng 2020 sẽ chứng kiến những khoảnh khắc phi thường đối với Việt Nam.

“Gắn kết” và “Chủ động thích ứng”

Theo ông Kavi Chongkittavorn, cũng không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam lựa chọn chủ đề ASEAN 2020 là: “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng". Trong năm 2020, ASEAN sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn dưới vai trò dẫn dắt của nước Chủ tịch. Vai trò này cũng sẽ góp phần gia tăng vị thế khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Kavi Chongkittavorn phân tích, với khái niệm “Gắn kết”, Việt Nam sẽ đặt trọng tâm vào tăng cường đoàn kết ASEAN, đặc biệt là thể hiện sự gắn kết này trong mối quan hệ với các cường quốc bên ngoài. Việt Nam đã chứng minh có thể điều phối các vấn đề theo phương cách của ASEAN - ASEAN Way mà không gặp phải bất cứ khó khăn gì. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi, đảm nhiệm cả những vị trí quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh tính đoàn kết, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy tính trung tâm của ASEAN. Là Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam có thể đóng góp quan điểm liên quan đến các vấn đề toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình và giải quyết xung đột.

Lễ Khởi động năm Chủ tịch ASEAN 2020, ngày 6/1/2019.

Là thành viên có dân số lớn thứ hai ASEAN, theo ông Kavi Chongkittavorn, việc người dân Việt Nam ý thức và đánh giá cao mối liên kết với ASEAN có ý nghĩa quan trọng. Hiện nay, người dân các địa phương Việt Nam có kiến thức tốt về ASEAN, đặc biệt là dọc theo các khu vực biên giới, nơi thương mại nội khối trong ASEAN phát triển mạnh mẽ. Trong những tháng tới, cũng sẽ có nhiều hoạt động kết nối các cộng đồng địa phương của ASEAN để tăng cường trao đổi giữa người dân.

Với khái niệm “Chủ động thích ứng”, ông Kavi Chongkittavorn cho rằng, Việt Nam hướng tới tăng cường năng lực của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực để thích ứng tốt hơn với những phát triển nhanh chóng và phức tạp ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới. Hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra gay gắt, thêm vào đó là các vấn đề “nóng” khác như vấn đề Triều Tiên, Biển Đông, các vấn đề an ninh phi truyền thống hay tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Khi liên kết hai cụm từ trên, chúng ta sẽ có một ASEAN gắn kết, làm nền tảng tốt cho một ASEAN nhạy bén. Phản ứng nhanh sẽ là cách tốt để ASEAN gắn kết hơn. Việt Nam mong muốn một ASEAN năng động hơn, có tiếng nói và đưa ra quyết định nhanh hơn trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp phát sinh trong khối hoặc trong quan hệ với bên ngoài”, ông Kavi Chongkittavorn nhấn mạnh.

Theo ông Kavi Chongkittavorn, Việt Nam cũng kỳ vọng các nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh liên quan đến ASEAN. Ông Trump có lý do chính đáng để đáp ứng lời mời của nước Chủ tịch ASEAN. Việt Nam cũng sẽ kỷ niệm 25 năm quan hệ Mỹ - Việt vào năm 2020. Năm nay, nhiều khả năng, ông Trump cũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Kuala Lumpur (Malaysia). Về lời mời đặc biệt của ông Trump đối với các nhà lãnh đạo ASEAN về Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Mỹ trong quý I/2020, ASEAN hiện vẫn chưa quyết định đi trước hay sau Hội nghị Thượng đỉnh tháng 4 tại Đà Nẵng. Mỹ cũng rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam.

Hằng Phạm

(theo Bangkok Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-thai-lan-phan-tich-noi-ham-chu-de-asean-2020-107396.html