Chuyên gia tiếp tục kiến nghị đánh thuế đối với căn nhà thứ hai
Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) vừa có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ và các Bộ ngành về một số chính sách; trong đó, hoàn thiện chính sách thuế, đặc biệt là đánh thuế căn nhà thứ hai được đề cập khá chi tiết...

Đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế
Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) vừa có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đến các đề xuất về những vấn đề kinh tế đang được quan tâm hiện nay. Trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế là một trong năm vấn đề được NEU đề cập đến…
Cụ thể, các chuyên gia của NEU cho rằng bên cạnh các giải pháp như tinh giảm hệ thống doanh nghiệp nhà nước và nâng cao chất lượng thể chế, tìm kiếm các nguồn thu bền vững mới để thay thế một phần cho các nguồn thu truyền thống cũng là yếu tố quan trọng
Theo đó, Việt Nam nên cân nhắc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ và găm giữ bất động sản. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng "đô thị ma" xuất hiện, kéo theo sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường thứ cấp.
Nhóm nghiên cứu NEU đánh giá khi chi phí sở hữu căn nhà thứ hai tăng lên do thuế, những chủ thể găm giữ sẽ có xu hướng sử dụng hiệu quả hơn bằng cách buộc phải bán bớt hoặc cho thuê, hoặc đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, giúp tăng nguồn cung và góp phần hạ nhiệt giá nhà trên thị trường, từ đó hỗ trợ thị trường bất động sản trở nên lành mạnh cũng như tránh lãng phí tài nguyên.
Thứ hai, sửa đổi/cắt giảm gánh nặng thuế thu nhập cá nhân nên được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng và đối mặt với nguy cơ các quốc gia như Mỹ áp đặt thuế quan cao.
Theo các nhà nghiên cứu, mức giảm trừ gia cảnh chậm được điều chỉnh, không theo kịp lạm phát và chi phí sinh hoạt thực tế, cũng như bậc thuế quá sát nhau khiến nhiều người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp phải chịu thuế ở mức cao ngay cả khi thu nhập chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống.
Chính vì vậy, nếu điều chỉnh giảm sắc thuế này sẽ giúp tăng thu nhập khả dụng cho người dân, từ đó khuyến khích người dân tăng chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ trong nước và bù đắp một phần sụt giảm từ hoạt động xuất khẩu.
Thứ ba,Việt Nam nên áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhóm nghiên cứu NEU đánh giá đây là một công cụ hiệu quả để phát triển công nghiệp phụ trợ và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các biến động thương mại toàn cầu.
Thông qua việc chủ động nguồn cung trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ giảm thiểu được rủi ro bị ảnh hưởng từ các chính sách thương mại quốc tế bất lợi, đảm bảo tính ổn định và bền vững cho hoạt động xuất khẩu.
Năm chủ đề được các chuyên gia NEU kiến nghị lên Chính phủ bao gồm: (i) Đổi mới mô hình tăng trưởng kết hợp cải cách thể chế nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế; (ii) Hoàn thiện tư duy và cách thức nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân; (iii) Cải thiện chất lượng đầu tư công hướng tới mục tiêu tăng trưởng trung hạn; (iv) Tăng cường phát triển nền kinh tế số và kinh tế xanh và (v) Phát triển các vùng kinh tế động lực nhằm tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Cũng tại bản kiến nghị, nhóm nghiên cứu NEU nhận định từ năm 2011 đến nay, so với các khu vực kinh tế khác, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam còn tồn tại 3 hạn chế bao gồm: (i) có hiệu quả kinh doanh thấp nhất; (ii) có trình độ khoa học công nghệ thấp nhất và (iii) thu nhập của người lao động thấp nhất.
Đối mặt với thực trạng khu vực kinh tế tư nhân đang có biểu hiện “chững lại” về mặt tốc độ, nhóm nghiên cứu đề xuất Chính phủ cần hoàn thiện chính sách thuế bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Thứ nhất, cần thực hiện nhanh chóng áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Theo các nhà khoa học NEU, mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam hiện nay là 20%. Tuy nhiên, thông qua các chính sách ưu đãi, khu vực FDI được hướng mức thuế suất trung bình vào khoảng 12%, đồng nghĩa chênh lệch khoảng 2,7% so với thuế tối thiểu toàn cầu.
Thứ hai,phải giải quyết hợp lý vấn đề liên quan đến chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Theo đó, cần ngăn chặn hiện tượng các doanh nghiệp FDI hoạt động kinh doanh có lãi tại Việt Nam nhưng tìm cách chuyển thành chi phí nguyên nhiên vật liệu, thiết bị, tài sản trí tuệ, dịch vụ nhập khẩu với giá khá cao. Trong đó, người xuất khẩu chính là công ty mẹ ở nước ngoài để có được khoản thu lời lớn.
Cuối cùng,xóa bỏ tình trạng trốn thuế của các doanh nghiệp FDI thông qua chính sách chuyển giá bất hợp lý. Nhóm nghiên cứu NEU cho rằng cơ quan chức năng cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng chống trốn và tránh thuế đang áp dụng tại các nước tiên tiến để giải quyết vấn đề trên.
Từ năm 2011 đến nay, lợi nhuận trước thuế bình quân của một doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng 0,52% của doanh nghiệp nhà nước và gần 3,1% của doanh nghiệp FDI, đồng thời năng suất lao động chỉ bằng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của khu vực FDI.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Cục Thống kê (2023), nếu xét các doanh nghiệp chế biến chế tạo khu vực tư nhân hiện nay, tỷ lệ sử dụng công nghệ lần lượt là 12%, 23% và 56% (cao, trung bình và thấp). Ngoài ra, thu nhập bình quân của người lao động doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng 57,1% doanh nghiệp nhà nước, 78,4% doanh nghiệp FDI.
(Nhóm nghiên cứu NEU)