Chuyên gia tiết lộ bí quyết đơn giản chống stress hàng ngày

Cuộc sống hiện đại với muôn vàn những áp lực, lo toan, làm cách nào để giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc mệt nhoài?

Stress từ lâu trở thành một khái niệm không còn xa lạ đối với người Việt Nam. Stress được nhận biết rất đơn giản bằng những biểu hiện như: Khó chịu, lo lắng, căng thẳng, buồn bã, chán nản, thờ ơ, nổi cáu, bực bội, nóng tính,…

Stress nguy hiểm hơn chúng ta tưởng

Chia sẻ với phóng viên VTC News về tình trạng căng thẳng(hay stress), BS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW 1 chia sẻ, cuộc sống hiện đại khiến con người ta chịu nhiều áp lực hơn, do đó họ luôn luôn căng thẳng, thường xuyên bị stress.

“Không nói quá khi cho rằng hiện nay bất cứ người nào cũng mắc phải, hoặc đối mặt với các vấn đề về tâm lý. Căng thẳng quá mức là một vấn đề tâm lý, mắc bệnh, lo lắng không nguôi là vấn đề tâm lý, và stress lại càng là vấn đề tâm lý nặng nề.

Thường xuyên bị stress, con người không kiểm soát được trạng thái cảm xúc của bản thân mình. Não bộ luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”, dẫn đến việc xử lý thông tin không đạt tối đa, từ đó các hoạt động thiếu chuẩn xác, nhận thức kém nhanh nhạy, cơ thể hành xử không hoàn hảo.

Trí tuệ, sức khỏe giảm sút, hiệu quả làm việc tuột dốc, bất hòa trong các mối quan hệ,… là những hậu quả thấy được khi một người phải chịu đựng áp lực lớn về tinh thần trong một thời gian dài”.

 Con người hiện đại có quá nhiều vấn đề cần phải lo lắng, do đó, họ luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi

Con người hiện đại có quá nhiều vấn đề cần phải lo lắng, do đó, họ luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi

Những yếu tố khiến con người rơi vào trạng thái căng thẳng, chúng có mặt ở khắp mọi nơi: Gia đình có cãi vã, áp lực phải kiếm được nhiều tiền để trang trải cuộc sống, áp lực cần phải thăng tiến trong công việc, khi đau ốm bệnh tật thì lo lắng thái quá, sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu ngủ,…

Theo bác sĩ Phương, “Bản thân tâm lý, nhân cách con người được chia ra làm 4 loại: Nhân cách mạnh, yếu, trung gian, bùng nổ. Trong đó, người có nhân cách yếu là nhóm dễ gặp căng thẳng nhất, và từ những stress trong cuộc sống thường ngày không được giải tỏa, họ dễ mắc bệnh tâm thần, điển hình là bệnh trầm cảm.

Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu để bệnh nặng thì chỉ cần người bệnh phải chịu đựng một sang chấn tâm lý nhỏ, dù nỗi buồn có thể không lớn nhưng họ lại tự nghiền ngẫm, tự khuếch đại hành vi lên, và hậu quả người này có thể có hành vi tự sát”.

Thoát khỏi stress như thế nào?

Cách tốt nhất để cuộc sống được thoải mái là tự mỗi người phải biết cân bằng giữa công việc, gia đình và sức khỏe tinh thần của bản thân. Duy trì cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc, giữa hoạt động thể dục thể thao và thời gian ngồi im một chỗ,…

 Căng thẳng, stress khiến trí tuệ giảm sút, làm việc kém hiệu quả

Căng thẳng, stress khiến trí tuệ giảm sút, làm việc kém hiệu quả

Trong đó, quan trọng nhất là vận động thể chất. Cơ thể con người sinh ra để lao động, hoạt động. Khi vận động, máu trong người tuần hoàn, lưu thông tới các cơ quan trong cơ thể, cung cấp nhiều ô xy và các dưỡng chất khác cho tế bào. Đồng thời, hệ bài tiết cũng hoạt động hiệu quả, các chất thải có hại cho cơ thể bị loại bỏ.

Tuy nhiên, hoạt động thể dục thể thao cũng không phải là bài thuốc tiên cứu chữa cho mọi loại căng thẳng. Để thoát khỏi stress hiệu quả nhất, thì cần phải kết hợp với các hoạt động khác nhau.

Làm việc có mức độ biết dừng, biết nghỉ ngơi đúng lúc khi cơ thể lên tiếng cảnh báo bạn đã quá mệt mỏi.

Tuân thủ theo một chế độ sinh hoạt có giờ giấc khoa học cụ thể, không ngủ sau 11h, tránh xa các chất kích thích, ngồi quá lâu trước các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, …

Video: 200 bác sĩ ở TP.HCM bị trầm cảm

Chi Lê

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chuyen-gia-tiet-lo-bi-quyet-don-gian-chong-stress-hang-ngay-d396926.html