Chuyên gia trong nước và quốc tế tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa

Tại Hội nghị quốc tế 'Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO với công nghiệp văn hóa,' các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ cùng tìm giải pháp để đạt được sự phát triển bền vững và toàn diện.

Năm 1994, vùng lõi của Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị thẩm mỹ (tiêu chuẩn vii), và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo (tiêu chuẩn viii) vào năm 2000. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Năm 1994, vùng lõi của Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị thẩm mỹ (tiêu chuẩn vii), và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo (tiêu chuẩn viii) vào năm 2000. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO với công nghiệp văn hóa” sẽ diễn ra trong hai ngày, 5-6/8 tại Quảng Ninh, nhằm tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của văn hóa sáng tạo, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế.

Sự kiện đón nhiều đại biểu từ các nước thuộc Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới (Kazakhstan, Romania, Hy Lạp, Hàn Quốc, Nhật Bản…), đại diện tổ chức UNESCO toàn cầu, Văn phòng UNESCO Việt Nam, đại sứ quán các nước tại Việt Nam (Nga, Ai Cập, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Azerbaijan…) cùng nhiều chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế, đại diện các bộ, ngành cùng nhiều tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học uy tín tại Việt Nam.

Các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về vai trò của công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và bảo tồn di sản văn hóa. Các ngành công nghiệp này không chỉ đóng góp vào GDP quốc gia mà còn giúp bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa và sáng tạo.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của công nghệ trong việc thúc đẩy sáng tạo và nâng cao giá trị của các sản phẩm văn hóa, nhấn mạnh những thách thức liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của nghệ sỹ và nhà sáng tạo trong môi trường kỹ thuật số. Các sáng kiến về giáo dục và đào tạo cũng được đề xuất nhằm phát triển kỹ năng và tài năng cho thế hệ trẻ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và tạo ra cơ hội việc làm.

 Nhà ngoại giao Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nhận quà kỷ niệm từ ông George Christophides, Chủ tịch Danh dự của Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới. (Ảnh: VFUA)

Nhà ngoại giao Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nhận quà kỷ niệm từ ông George Christophides, Chủ tịch Danh dự của Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới. (Ảnh: VFUA)

Dự kiến kết thúc hội nghị, các quốc gia thành viên sẽ đưa ra tuyên bố chung, khẳng định cam kết hỗ trợ và thúc đẩy công nghiệp văn hóa cũng như nền kinh tế sáng tạo. Cam kết không chỉ phản ánh sự đồng thuận về tầm quan trọng của các ngành công nghiệp này mà còn đề ra các hướng đi cụ thể để đạt được sự phát triển bền vững và toàn diện.

Trong thực tế, bối cảnh triển khai công nghiệp văn hóa đang đặt ra nhiều thách thức cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có thể kể đến việc thiếu bề dày kinh nghiệm do nền công nghiệp văn hóa của đất nước ta đang ở giai đoạn thử nghiệm, dẫn đến nhận thức chưa đầy đủ và khung pháp lý còn khuyết thiếu, việc chưa xác định cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa cũng tạo ra khó khăn trong đầu tư, đảm bảo chất lượng và sáng tạo trong sản xuất văn hóa.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho việc xây dựng tương lai của ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, tái khẳng định vai trò và nỗ lực bền bỉ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam sau hàng thập kỷ miệt mài đóng góp, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa, tạo ra môi trường thuận lợi cho hợp tác quốc tế, đặc biệt, khẳng định vai trò của quốc gia trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nhân loại.

Hội nghị do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đăng cai tổ chức, diễn ra song song cùng Hội nghị Ban Chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA) lần thứ 43. Ban tổ chức lựa chọn địa điểm tổ chức là thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, nhân kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long đón nhận danh hiệu Di sản Thiên nhiên Thế giới (1994-2024).

 Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam (VFUA) phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế “UNESCO phi chính phủ với văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy tương lai bền vững” tại Nhật Bản ngày 26/3/2024. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam (VFUA) phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế “UNESCO phi chính phủ với văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy tương lai bền vững” tại Nhật Bản ngày 26/3/2024. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Tại hội nghị, các quốc gia thành viên sẽ báo cáo, tổng kết, đánh giá các hoạt động giai đoạn 2023-2024, thông qua sửa đổi bổ sung Điều lệ của Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới, bầu các vị trí lãnh đạo của nhiệm kỳ mới và thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị lần thứ 43.

Sự kiện quốc tế mang ý nghĩa quan trọng này sẽ là cơ hội để Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cùng các tổ chức thành viên, đơn vị hỗ trợ chung tay góp phần đưa hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc vì mục tiêu hòa bình và phát triển./.

Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là tổ chức được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 1993, có chức năng nhiệm vụ là “cánh tay nối dài” công tác UNESCO của Nhà nước trong cộng đồng, thực hiện công tác đối ngoại nhân dân thông qua truyền bá những mục tiêu và chương trình hành động của UNESCO, là thành viên chính thức của mạng lưới Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới và Liên hiệp các Hội UNESCO Châu Á-Thái Bình Dương.

Sau 30 năm hoạt động, Liên hiệp đã năm lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động về những cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-trong-nuoc-va-quoc-te-tim-giai-phap-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-post968363.vnp