Sập cầu Phong Châu: Thủ tướng chỉ đạo Phó Thủ tướng và lãnh đạo 3 Bộ đến ngay hiện trường
Liên quan vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) sáng 9-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải… đến ngay hiện trường để chỉ đạo triển khai ngay công tác khắc phục sự cố...
Ngày 9-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 89/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
Công điện nêu, ảnh hưởng từ cơn bão số 3, mưa lũ làm ít nhất 26 người chết và mất tích. Đặc biệt sáng 9-9-2024 đã xảy ra sự cố sập nhịp cầu Phong Châu qua sông Thao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, theo thông tin ban đầu có một số phương tiện giao thông và người bị rơi xuống sông.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của Nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được chỉ đạo huy động ngay mọi lực lượng, phương tiện cần thiết phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các địa phương có liên quan khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ sập nhịp cầu Phong Châu và mưa lũ, sạt lở theo thẩm quyền được phân công.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới (nhất là ngày 9 và 10-9), khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt cục bộ tại các vùng thấp trũng.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh (Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn) tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt theo thẩm quyền.
Trong đó, tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lũ, sập cầu; Rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu; Kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông; Chỉ đạo rà soát, kịp thời phát hiện, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các cầu giao thông, hồ đập, đê điều trên địa bàn…
Ngay sau khi xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu (vào khoảng 10 giờ sáng nay 9/9), Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cùng lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan đã có mặt kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường.
Theo thông tin ban đầu, cầu Phong Châu bị sập vào lúc 10 giờ ngày 9/9, khi đó trên cầu có người và xe lưu thông khi xảy ra sự cố. Hiện lực lượng chức năng đang trích xuất camera, ghi lời khai nhân chứng để xác định chính xác số người, phương tiện gặp nạn.
Trả lời phỏng vấn VTV tại hiện trường, về thiệt hại, theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc thông tin bước đầu có khoảng 10 ô tô, 2 xe máy và khoảng 13 người dân mất tích. "Đây là con số dự kiến còn chưa chính xác", ông Phớc nói.